Cảng tổng hợp Container Hòa Phát Dung Quất đón chuyến tàu thương mại đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
Cảng tổng hợp Container Hòa Phát Dung Quất đã đưa bến số 6 vào hoạt động với việc đón chuyến tàu thương mại đầu tiên, tàu MV SCSC LUCK (Hồng Kông, Trung Quốc) có trọng tải trên 8.300 DWT.

Ngày 21/8, Công ty CP Cảng Tổng hợp Hòa Phát cho biết, Cảng tổng hợp Container Hòa Phát Dung Quất tại Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã đưa Bến số 6 vào hoạt động và đón chuyến tàu thương mại đầu tiên, tàu MV SCSC LUCK có trọng tải trên 8.300 DWT.

Cảng tổng hợp Container Hòa Phát được khởi công đầu năm 2022, có tổng vốn đầu tư trên 3.700 tỷ đồng, gồm 3 bến (số 6, 7 và 8), công suất xếp dỡ hàng năm dự kiến là 6 triệu tấn hàng hóa, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 50.000 DWT. Trong đó, công suất giai đoạn 1 của cảng (Bến số 6) là 2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong khi Cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất chỉ phục vụ nhu cầu bốc dỡ nội bộ cho Khu Liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất, thì Cảng tổng hợp Container là cảng biển quốc tế, phục vụ nhu cầu chung về bốc xếp hàng hóa, dịch vụ logistic và hậu cần cảng tại KKT Dung Quất và các khu vực lân cận.

Trong giai đoạn 1, cảng khai thác một cầu bến chính, đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 50.000 DWT với nhiều thiết bị hiện đại. Trong đó, tiêu biểu là cẩu chân đế xoay với tải trọng sức nâng lên đến 32 tấn, cùng nhiều thiết bị vận tải phục vụ như: Xe vận chuyển đầu kéo, xe tải ben, xe nâng 5 tấn, 15 tấn, 28 tấn,…

Cảng tổng hợp Container Hòa Phát Dung Quất đón chuyến tàu thương mại đầu tiên ảnh 1
Bến số 6 Cảng Tổng hợp Container Hòa Phát Dung Quất đón chuyến tàu thương mại đầu tiên MV SCSC LUCK có trọng tải trên 8.300 DWT.

Phó Giám đốc Công ty CP Cảng tổng hợp Hòa Phát Nguyễn Quốc Trịnh cho biết, sự kiện đón chuyến tàu thương mại đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu việc đưa bến đầu tiên của cảng đi vào hoạt động đúng tiến độ. “Từ nay, cụm cảng Dung Quất có thêm một đơn vị cảng biển quốc tế thực hiện dịch vụ logistics, xếp dỡ chuyên nghiệp, thiết bị hiện đại phục vụ phát triển KKT Dung Quất”, ông Trịnh nói thêm.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 23% kế hoạch năm. Sản lượng thép xây dựng của Tập đoàn đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 30%. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát cũng đã cung cấp 36.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam.

Cùng đó, thép HRC (thép tấm cuộn cán nóng) đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước là 1,2 triệu tấn, giảm 15%. Sản phẩm đã được xuất khẩu tới một số quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc châu Âu, châu Á. Ống thép và tôn Hòa Phát đạt sản lượng lần lượt 325.000 tấn và 175.000 tấn, giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, Hòa Phát còn cho ra thị trường gần 50.000 tấn thép dự ứng lực các loại (PC Bar, PC Strand, PC Wire), giảm 37% so với nửa đầu năm 2022.

Theo ông Trần Nguyễn Nghi - Phó Ban Truyền thông, Thương hiệu và Marketing Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, ngoài gang thép, Tập đoàn đang hoạt động trên các lĩnh vực gồm: nông nghiệp, bất động sản và điện máy gia dụng. Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, Top 5 nhà sản xuất tôn mạ và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được HRC.

Lĩnh vực điện máy gia dụng có những tín hiệu khởi sắc khi sản lượng điều hòa Funiki tăng trưởng 50% so với cùng kỳ, lọt Top 10 nhãn hàng điều hòa đang kinh doanh tại Điện máy Xanh. Các sản phẩm khác của Hòa Phát như tủ lạnh, tủ đông, máy lọc nước, quạt làm mát, bếp từ, máy rửa bát… được thị trường đón nhận tích cực.

MỚI - NÓNG