CHỮA BỆNH HÁO DANH CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG - Bài 4:

Càng nổi tiếng càng ít phô trương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một bộ phận người nổi tiếng háo danh, ảo tưởng quyền lực khiến bức tranh văn hóa nghệ thuật méo mó, xấu xí đi ít nhiều. Thế nhưng công chúng vẫn giữ niềm tin ở những nghệ sĩ chân chính - những người miệt mài cống hiến cho nghệ thuật, sống đẹp mỗi ngày, coi việc thiện nguyện như hơi thở.

Tin ở hoa hồng

Những trường hợp háo danh dẫn đến việc lộng ngôn, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội thực chất rơi vào một bộ phận trong giới nghệ thuật. TS. Phạm Việt Long, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) nhận định, những thói tật, lùm xùm trong giới giải trí mang tính cá biệt. “Một bộ phận mải mê kiếm tìm hư danh mà quên rằng hữu xạ tự nhiên hương, có tài, đủ năng lực mới thành công’, TS. Phạm Việt Long nói.

Càng nổi tiếng càng ít phô trương  ảnh 1

Nhiều nghệ sĩ, hoa hậu tích cực hoạt động vì cộng đồng

NSƯT Lộc Huyền, Trưởng đoàn nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng, thành phần háo danh trong nghề chiếm số lượng không nhiều và nhiều người trong số này không khẳng định được tài năng.

Người thường cũng phải sửa mình hằng ngày, nên nghệ sĩ càng phải khắt khe hơn nhiều lần. NSND Quốc Anh, nguyên Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội tâm niệm: “Nghệ sĩ cũng cần tự nhận thức về việc mình được làm và không được làm, cần hướng đến những việc làm nhân văn, đóng góp tốt cho xã hội”.

NSND Quốc Anh từng nhận nhiều lời mời chào quảng cáo nhưng không dám nhận vì không thể xác minh nguồn gốc của sản phẩm, lợi ích thật sự của sản phẩm. “Nếu nghệ sĩ cố tình quảng cáo sai sự thật sẽ nhanh chóng bị xã hội đào thải”, NSND Quốc Anh chia sẻ với Tiền Phong. Anh nhiều lần khuyên nghệ sĩ, diễn viên trẻ của nhà hát cân nhắc những lời mời như thế.

Bên cạnh những con sâu làm rầu nồi canh, khán giả dễ dàng kể tên nhiều nghệ sĩ gạo cội, sau mấy chục năm vẫn vẹn nguyên ngọn lửa say nghề. NSƯT Thành Lộc là một nghệ sĩ xứng tầm nghệ sĩ nhân dân nhưng luôn tuyên bố hài lòng với danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Trong một chương trình trên đài quốc gia gần đây, NSƯT Thành Lộc chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi có ý thức tôi theo nghề này để làm giàu. Mình chỉ làm những gì mình thích. Nhờ vậy, mình mới có thể duy trì công việc lâu bền, không thấy chán công việc, chán bản thân”.

Không riêng nghệ sĩ gạo cội như NSND Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Việt Anh, NSƯT Hữu Châu... thế hệ trẻ kế cận cũng không hiếm những gương nghệ sĩ sống đẹp. Còn nhớ, thời điểm dịch COVID-19 hoành hành tại TP.HCM, các nghệ sĩ gạt bỏ những lo sợ, toan tính để lao vào công việc thiện nguyện. Đến từng con hẻm nhỏ, bệnh viện dã chiến, khu cách ly để tặng quà, trao trang thiết bị chống dịch hoặc góp chính tiếng hát tiếp thêm sức mạnh.

Công chúng hẳn không thể quên hình ảnh MC Quyền Linh mặc quần soóc, đeo dép tổ ong đẫm mồ hôi trong đồ bảo hộ, đi xe máy len lỏi khắp nơi để gửi quà, vác gạo cho bà con nghèo, trao đồ cho bệnh viện. Loạt người nổi tiếng như Mỹ Tâm, Tùng Dương, Tuấn Hưng, Hòa Minzy, Min, các hoa hậu như Ngọc Hân, Thùy Tiên... đã biến trang cá nhân của mình thành kênh thông tin lan tỏa những điều tốt đẹp, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, cổ vũ tinh thần người dân.

Không chỉ nổi danh vì duyên ăn nói khiến đêm nhạc nào cũng cháy vé, Hà Anh Tuấn còn dùng nguồn kinh phí trích ra từ hoạt động nghệ thuật, sản phẩm âm nhạc cho dự án trồng hàng nghìn hecta rừng với tên Rừng Việt Nam, khởi động từ năm 2019. Không hoạt ngôn như Hà Anh Tuấn, nhưng Đen Vâu cũng khiến người yêu nhạc cảm động. Sản phẩm âm nhạc Nấu ăn cho em lan tỏa dự án thiện nguyện Nuôi em - nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng cao đến trường. Sau MV Nấu ăn cho em của Đen Vâu, hơn 1.000 em nhỏ được nhận nuôi.

Càng nổi tiếng càng ít phô trương  ảnh 2
Sau MV Nấu ăn cho em của rapper Đen Vâu giúp hơn 1.000 trẻ em được nhận nuôi

Hai Bộ bắt tay chấn chỉnh nghệ sĩ

Trước một số hiện tượng háo danh, ảo tưởng quyền lực, những hành động lệch chuẩn của những người hoạt động nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) từng ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật để đưa ra những tiêu chí, vạch ra ranh giới cho nghệ sĩ sáng tạo và ứng xử văn minh cả trong đời sống lẫn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, tính chất khuyến cáo của bộ quy tắc này chưa đủ sức răn đe đối với hành vi lệch chuẩn.

Vì thế, tháng 4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) giao Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) soạn thảo quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng quy định xử lý các vi phạm. “Đây là sự phối hợp liên bộ, của nhiều cơ quan liên quan để thẩm định về nội dung, tư tưởng… nhằm xác định sai phạm. Tổ chuyên trách quyết định thời gian hạn chế xuất hiện trên truyền thông hay hạn chế tham gia các hoạt động biểu diễn theo mức độ vi phạm, mức độ ảnh hưởng với cộng đồng”, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục NTBD chia sẻ với Tiền Phong.

Lãnh đạo Cục NTBD khẳng định, tinh thần của những người làm quản lý văn hóa luôn chú trọng giáo dục, khuyến khích, vận động và cảnh báo nghệ sĩ thực hiện tốt các quy định. “Nếu ai vi phạm giá trị truyền thống, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội đó chính là vi phạm thuần phong mỹ tục. Các đơn vị chức năng liên quan như Thanh tra của các sở quản lý văn hóa hoàn toàn có thể xác định được những vi phạm này”, NSƯT Trần Ly Ly nêu.

TS. Phạm Việt Long cho rằng, sự phối hợp liên Bộ trong quy định về chuẩn mực ứng xử của nghệ sĩ vừa đủ tính nghiêm minh, vừa đảm bảo nhân văn, phù hợp với mong mỏi của công chúng.

Vắng bóng môn đạo đức nghề nghiệp

NSND Hoàng Tuấn nêu, môn đạo đức nghề nghiệp đang thiếu trong chương trình dạy của các trường đào tạo nghệ thuật. “Nhiều nghệ sĩ trẻ không phân định được điều gì nên làm, điều gì không nên trong cách ứng xử”, NSND Hoàng Tuấn nói. Ông cho rằng, mỗi nhà quản lý, đơn vị nghệ thuật nên tổ chức đều đặn các buổi sinh hoạt để phổ biến cặn kẽ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nói rằng, thay vì tự đánh bóng thương hiệu, nghệ sĩ cần chăm sóc kỹ hơn các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là giữ gìn hình ảnh, đạo đức, tác phong. Ông đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ nghệ sĩ để họ hiểu và nâng cao trách nhiệm với cộng đồng.

“Công chúng đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh hành vi của nghệ sĩ. Bởi những hành vi như không chia sẻ, không thích, tẩy chay những sản phẩm độc hại, những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại với giá trị đạo đức cộng đồng trở thành áp lực rất lớn đối với các nghệ sĩ, buộc họ phải thay đổi hành vi”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Bộ lọc vĩ đại từ công chúng

Các hội nhóm phản đối thói hư tật xấu của nghệ sĩ là minh chứng cho thấy sự thay đổi về nhận thức, hành động của khán giả. Công chúng có cách tẩy chay ngày một văn minh, bởi họ tìm hiểu và phân tích kỹ trước khi đưa ra quyết định phản đối hay chê trách. Công chúng nâng cao nhận thức cũng tạo màng lọc để môi trường giải trí - nghệ thuật thêm lành mạnh.

“Sự phản ứng hoặc tẩy chay của công chúng với những nghệ sĩ sử dụng chiêu trò để nổi tiếng ngày càng rõ ràng. Đây cũng là một trong những hình phạt thích đáng với những nghệ sĩ coi thường khán giả, đạo đức, luật pháp”, nhà nghiên cứu về giới trẻ Nguyễn Tuấn Anh nhận định.

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng công chúng luôn là bộ lọc vĩ đại nhất. “Công chúng ngày càng có trình độ cảm thụ nghệ thuật cao, sẽ trở thành bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân nghệ sĩ háo danh”, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh nói.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng, theo thời gian những nghệ sĩ háo danh sẽ trở thành câu chuyện hài hước, đề tài bàn luận, chê bai của công chúng. Chính vì thế những người làm nghệ thuật, giải trí nên nhận thức khôn ngoan về vấn đề này trước khi quá muộn. “Bi kịch sẽ đến khi nghệ sĩ đến với danh, làm mọi giá để có danh rồi lại có thể mất danh trong những hoàn cảnh đơn giản nhất”, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh cảnh báo.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.