Già hơn tuổi tăng 39% nguy cơ mắc bệnh tim
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã đưa ra kết luận, những người có biểu hiện già hơn tuổi có 39% nguy cơ mắc bệnh tim.
Cụ thể trong nghiên cứu là những người có ba hoặc bốn dấu hiệu lão hóa: ít tóc ở thái dương, hói ở đỉnh đầu, nếp nhăn ở dái tai, hoặc tích tụ mỡ vàng ở quanh mí mắt. Ở những người này cũng đã tăng 57% nguy cơ bị cơn đau tim.
Nghiên cứu thực hiện với gần 11.000 người từ 40 tuổi trở lên, trong đó là những người bị hói, người bị nếp nhăn ở dái tai, người có tích tụ mỡ mắt. Trong 35 năm theo dõi, người ta thấy có 3.401 người bị bệnh tim và 1.708 người từ bị một cơn đau tim. Các nhà nghiên cứu cho biết, những người càng có nhiều dấu hiệu lão hóa thì nguy cơ bị cơn đau tim và bệnh tim càng tăng, nguy cơ cao nhất là những người 70-79 tuổi và có nhiều dấu hiệu lão hóa.
Trước đó, các nhà khoa học cũng đã từng nghiên cứu mối liên hệ giữa hói đầu và bệnh tim. Tiêu biểu là nghiên cứu của giáo sư Lebra, chuyên gia bệnh ngoài da Italia. Nghiên cứu của ông đưa ra kết quả rằng, những người đàn ông chưa tới 30 tuổi đã bị hói đầu đều mắc bệnh tim mạch cao hơn người bình thường tới 9%. Đặc biệt, ở vùng Địa Trung Hải thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều, ở người hói ít là 23%, người hói nặng lên tới 30%.
Mặc dù chưa đưa ra lý do cụ thể, nhưng nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những người bị hói đầu nặng thì hormone nam trong tế bào da đầu cao hơn các bộ phận khác, nó có chứa chất phá hoại trong nang lông khiến tóc không mọc được và sinh hói đầu. Chất này cũng làm cứng mạch máu, gây tắc mạch và sinh bệnh tăng huyết áp, tăng lượng cholesterol trong máu.
Còn trong một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Chicago (Mỹ) cũng cho thấy, một nếp nhăn trên dái tai tăng nguy cơ tim mạch ờ mức 33%, nếu xuất hiện nếp nhăn ở cả hai bên thì con số tăng lên là 77%.
Già dễ bị bệnh tim: Mấu chốt là lối sống
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Có hai nhóm nguyên nhân của bệnh tim mạch là nhóm không thể can thiệp và nhóm có thể can thiệp. Nhóm không thể can thiệp là những người mắc bệnh do yếu tố di truyền. Nhóm có thể can thiệp là mắc bệnh do lối sống, ăn uống…
Về vấn đề người có biểu hiện bên ngoài già hơn so với tuổi dễ bị bệnh tim mạch hơn thì chưa có nghiên cứu nào chứng minh được nguyên nhân tại sao. Thực ra đã có những nghiên cứu đưa ra số liệu cho thấy có vẻ như những người có biểu hiện già hơn như nhiều nếp nhăn, trán hói, bụng phệ… có nguy cơ mắc bệnh tim mạch lớn hơn những người khác. Bản thân tôi cũng đã từng hướng dẫn sinh viên bảo vệ về đề tài này và trong thống kê cũng cho kết quả có mối liên quan giữa biểu hiện nếp nhăn, trán hói, bụng phệ… và bệnh tim mạch.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, có thể giải thích lý do này trên cơ sở các nhóm nguyên nhân gây bệnh. Chúng ta thấy rõ ràng những người có mang bệnh trong người thuộc nhóm bệnh di truyền thường có biểu hiện bên ngoài già hơn những người khỏe mạnh là điều chắc chắn. Nhóm thứ hai là nhóm mắc bệnh do lối sống: có thể thấy những yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh tim mạch cũng là những lý do khiến bạn trông già hơn:
Người có lối sống không lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc nhiều, lười vận động… là nguyên nhân dẫn tới béo phì, một thể trạng có liên quan nhiều tới nhiều bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, suy tim, tăng huyết áp, đột quỵ… Béo phì là một trong những biểu hiện khiến cơ thể bạn trông già hơn, và chắc chắn những người có lối sống như kể trên sẽ tàn phá sức khỏe, cơ thể cũng lão hóa nhanh hơn và tất yếu là trông già hơn tuổi.
Chế độ ăn uống không cân bằng cũng dễ dẫn tới béo phì hoặc thiếu chất, ảnh hưởng tới các hormone và sự chuyển hóa trong cơ thể, cơ thể đầy đủ năng lượng và sự tươi trẻ như người ăn uống điều độ. Chế độ ăn uống mất cân đối cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh tim mạch.
Công việc bận rộn, căng thẳng thường xuyên dẫn đến stress cũng là một lý do khiến bạn lão hóa nhanh hơn da xỉn màu, nhăn nheo, tóc rụng nhiều hơn… Trong một số trường hợp stress sẽ khiến người bệnh có cảm giác thèm ăn, ăn nhiều dẫn tới béo phì. Đồng thời, y học cũng đã chứng minh, stress là một trong những nguyên nhân dẫn tới tim mạch cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Lối sống và chế độ ăn là cực kỳ quan trọng
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng: Tuy mối liến quan giữa biểu hiện già và bệnh tim mạch chỉ dựa trên những nghiên cứu thống kê chứ không đi vào giải thích, nhưng đây cũng là cảnh báo cần thiết với những nhóm nguy cơ cao có thể mắc bệnh tim mạch:
Thứ nhất, ở nhóm không thể can thiệp do gene di truyền, nếu trong gia đình có người từng mắc bệnh về tim mạch thì những người có biểu hiện cơ thể già hơn và ngay cả những người chưa có biểu hiện cũng nên đi khám để phát hiện bệnh kịp thời, có những điều trị sớm nhằm hạn chế tác động của bệnh ngay từ ban đầu. Độ tuổi nên chú ý ở đối tượng này là sau 40 tuổi với nam, sau 45 tuổi với nữ.
Thứ hai, ở nhóm có thể can thiệp là những người có những biểu hiện trên do lối sống, do chế độ ăn uống thì cần được cảnh báo để chấn chỉnh ngay. Nên hạn chế bia rượu, bỏ thuốc, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao ít nhất một giờ/ ngày, ăn uống điều độ, ăn nhiều rau quả, cá, không nên ăn mỡ động vật, phủ tạng động vật, nên có chế độ nghỉ ngơi thư giãn phù hợp để tinh thần thoải mái, giải tỏa stress…
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng thì biểu hiện già khiến dễ mắc bệnh tim mạch xuất hiện chủ yếu ở nhóm nguy cơ thứ hai, vì vậy việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống có thể hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.