Theo đánh giá của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, hiện toàn quốc có 20 cảng cạn (viết tắt là ICD) và các cảng thông quan nội địa hoạt động như cảng cạn, tập trung tại miền Bắc và miền Nam (miền Trung chưa có cảng cạn). Số lượng cảng cạn trên thực tế đã vượt quá 13 cảng cạn trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ngoài số lượng cảng cạn đã vượt quy hoạch, nhiều doanh nghiệp đang tập trung phát triển loại hình này. Quyền Tổng Giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay, tới đây Vinalines sẽ nâng cấp hoặc tìm thêm quỹ đất để lập các cảng cạn; trong đó khu vực lân cận Hà Nội. Doanh nghiệp thuê mua Ga Yên Viên (Hà Nội) của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam là Indo Trans Logistics (ITL) cũng đang thực hiện kế hoạch biến đây thành cảng cạn. Lúc đó, Ga Yên Viên sẽ trở thành cánh tay nối dài của cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân và nơi giao nhận hàng hóa từ nhiều khu vực khác. Khách hàng có thể làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và khai báo hải quan tại Yên Viên thay vì làm thủ tục tại các cảng xa.
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu chỉnh sửa nội dung Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cảng cạn thực hiện hoàn toàn bằng nguồn lực tư nhân; phải được kết nối ít nhất 2 phương thức vận tải, ưu tiên nhất là đường bộ và đường thủy nội địa. Ông Công yêu cầu hoàn thiện nội dung này trong tháng 8 tới.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Hàng hải (đơn vị được Bộ GTVT giao chủ trì xây dựng quy hoạch) cho hay, quy hoạch chi tiết sẽ khắc phục tình trạng manh mún, tự phát như hiện nay.