Cần xử lý trọng tài thương mại phán quyết không đúng quy định pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Trọng tài thương mại nếu cố ý ban hành phán quyết không đúng quy định pháp luật cần phải có chế tài xử lý" - Ths. Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án Toà án nhân dân TPHCM cho biết. 

Ngày 29/11, trong Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại TPHCM, Ths. Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Toà án Nhân dân TPHCM - kiến nghị, cần chuẩn hóa trình độ của trọng tài viên, tối thiểu là cử nhân luật và phải trải qua các lớp nghiệp vụ về trọng tài. Do đó, tiêu chuẩn trọng tài viên cần được quy định chặt chẽ, chuẩn hoá hơn.

“Cần bổ sung chế tài đối với trọng tài viên trong trường hợp họ cố ý ban hành phán quyết không đúng quy định pháp luật” - bà Dung đề xuất.

Theo bà Dung, Luật Trọng tài thương mại đã góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển và nhận được sự quan tâm, đón nhận lớn từ cộng đồng. Bà Dung dẫn chứng, từ 1/1/2011 đến 30/9, Tòa án nhân dân TPHCM đã giải quyết 13 vụ việc xem xét khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền; 11 vụ việc thu thập chứng cứ, 27 vụ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; 4 vụ việc đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc. Đáng chú ý, Tòa án Nhân dân TP cũng đã xử lý 217 vụ việc liên quan đến yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.

Cần xử lý trọng tài thương mại phán quyết không đúng quy định pháp luật ảnh 1

Đại biểu góp ý tại hội thảo

Chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến hiệu quả hoạt động của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại các trung tâm trọng tài vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hiện nay, bà Mai Thị Tuyết Hạnh - Phó Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TPHCM - cho rằng, số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài còn thấp, chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại được giải quyết tại tòa án. Trong khi đó, việc giải quyết tranh chấp tại tòa án luôn ở tình trạng quá tải, dẫn đến tăng lượng vụ án tồn đọng.

“Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc thực tế có nhiều hoạt động phát sinh cần phải điều chỉnh cho phù hợp, trong khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 chưa được điều chỉnh kịp thời, phát sinh mâu thuẫn với quy định pháp luật khác và tình hình thực tiễn. Do vậy cần cơ chế phối hợp để quản lý, thi hành đạt hiệu quả” - bà Hạnh đề xuất.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM, thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, Luật Trọng tài thương mại chưa quy định cụ thể để giải quyết trường hợp một trong các bên tranh chấp đưa ra được căn cứ chứng minh đã hết thời hiệu khởi kiện và yêu cầu hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên duy nhất xem xét thời hiệu khởi kiện.

“Đây là một thiếu sót cần được bổ sung để hoàn thiện. Về thời điểm cuối cùng các bên tranh chấp được nộp hồ sơ, tài liệu, hiện nay Luật Trọng tài thương mại chưa có quy định về thời điểm này. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy có nhiều phiên họp giải quyết tranh chấp đã bị hoãn vì một bên nộp tài liệu, chứng cứ mang tính bước ngoặt, thay đổi toàn bộ nội dung giải quyết tranh chấp ngay tại phiên họp” – ông Hậu nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG