Cận thị: Cẩn thận giả hóa thật

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Bạn đo mắt ở cửa hàng kính và đang phải đeo kính cận? Vậy bạn nên khám lại chuyên khoa, bởi có thể bạn không bị bệnh và việc đeo kính đang khiến mắt bạn tồi tệ hơn.

Em Nguyễn Mỹ Linh, học lớp 5, ở Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho biết, trong một lần cảm thấy mắt mờ, em đã mượn kính của bạn đeo thử, thấy chữ trên bảng nhìn rõ hơn. Nghĩ mình bị cận, Linh đã bảo mẹ cho đi đo mắt tại một cửa hàng trên đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) và cắt kính tại đây. Đeo được khoảng hơn một tháng, Linh cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, chảy nước mắt. Sau khi đi khám tại bệnh viện, bác sĩ kết luận rằng Linh chỉ bị giả cận thị, nguyên nhân do trước đó em học và ngồi máy tính quá nhiều. Việc đeo kính cận của em là không cần thiết.

Chỉ là rối loạn điều tiết tạm thời

Theo nhiều phòng khám các bệnh về mắt, cứ vào mỗi đợt thi, số học sinh phải đi khám vì các vấn đề về mắt tăng vọt. Đặc biệt là tình trạng mệt mỏi, nhức mắt, thậm chí chảy nước mắt. Rất nhiều em mắt vốn không có vấn đề gì nhưng sau một thời gian tập trung ôn thi, thấy mắt mỏi, nhìn xa kém hơn, phải nheo mắt mới thấy rõ… đi đo mắt tại các cửa bán kính thì được chẩn đoán là cận thị, dẫn đến đeo kính oan.

Lý giải về cơ chế hoạt động của thủy tinh thể, BS. Nguyễn Bá Tiến (Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thủy tinh thể được cấu tạo bởi các sợi protein trong suốt, bao bọc trong một cái vỏ chun giãn. Khi nhìn xa, cơ thể mi giãn, các dây chằng treo thể thủy tinh ở trạng thái căng, thể thủy tinh hình dẹt; các tia song song hội tụ trên võng mạc. Khi nhìn gần các tia sáng trở nên phân kỳ; nếu thể thủy tinh vẫn dẹt, các tia sáng sẽ hội tụ ở phía sau võng mạc, hình ảnh sẽ bị mờ. Để các tia này vẫn hội tụ trên võng mạc, cơ thể mi phải co lại để các dây chằng chùng xuống, thể thủy tinh phồng lên và tăng thêm độ khúc xạ. Khả năng tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh được gọi là sự điều tiết. Vì cơ thể mi chỉ có thể co đến một giới hạn nào đó, nên sự điều tiết tối đa vào khoảng 12 đi-ốp, và quá giới hạn đó hình ảnh sẽ bị mờ.

Theo bác sĩ Tiến, giả cận thị khá phổ biến, đây là hiện tượng rối loạn sự điều tiết. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do mệt mỏi thị giác hay khó chịu nhất thời của mắt. Những hoạt động như chơi game, ngồi máy tính, đọc sách… là lúckhiến mắt nhìn ở cự ly gần, cơ thể mico lại, để tăng độ cong của thủy tinh thể giúp hình ảnh rõ nét. Khả năng điều tiết ở mắt trẻ rất mạnh, có thể nhìn một vật gần 9cm nên các em có thể nhìn gần trong thời gian rất dài mà mắt không bị mỏi. Nhưng nếu bị co lâu ngày, cơ thể mi trở thành “tật”, đến khi nhìn xa sẽ không dãn ra được do mất tác dụng đàn hồi, dẫn đến hiện tượng nhìn xa không rõ.

Đối tượng chủ yếu của giả cận thị là lứa tuổi học sinh, sinh viên, dân văn phòng vì mắt phải làm việc liên tục. Ngoài ra, cận thị giả còn gặp trong một số trường hợp như dùng thuốc (atropine) quá lâu, chấn thương mắt, chấn thương sọ não, viêm thể mi… Triệu chứng cận thị giả cũng giống cận thị thật như mắt mỏi, nhìn xa không thấy, nhức đầu, chảy nước mắt và khó khăn khi ghi chép sau một thời gian dài làm việc trong cự ly gần.

Nếu bạn đến khám tại các cửa hàng cắt kính thì rất khó để phân biệt cận thị giả hay thật. Đó là bởi, hầu hết người làm ở cửa hàng kính chỉ là kỹ thuật viên, không đủ chuyên môn để phân biệt.

Mặt khác, bác sĩ Tiến cho hay: Bạn nên biết khi đo kính cho người cận thị, loạn thị thì việc nhỏ thuốc điều tiết mắt để kiểm tra là bắt buộc. Nhưng thực tế hầu hết các cơ sở khám mắt tư nhân, các cửa hàng bán kính đều bỏ qua công đoạn này vì sợ mất thời gian. Do không làm đúng quy trình nên kết quả kiểm tra thường không chính xác.

Nguy cơ thành cận thị thật

Bác sĩ Tiến đưa ra cảnh báo rằng, giả cận thị nếu không điều trị kịp thời hoặc không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khiến mắt phải liên tục làm việc trong thời gian dài thì có thể dẫn đến suy nhược và trở thành cận thị thật. Bác sĩ Tiến cũng cho hay, song song với tình trạng dùng kính không đúng thì tình trạng “ép kính” tại các cửa hàng cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều người mắc cận thị giả dẫn đến cận thị thật.

Bác sĩ Tiến lo ngại rằng, hiện nay với tình trạng quản lý các cửa hàng kính thuốc còn nhiều vấn đề bất cập sẽ gây hậu quả cho khách hàng. Các cửa hàng với áp lực doanh thu, cộng với đa số những người làm tại các cửa hàng kính thuốc chủ yếu là các kỹ thuật viên nên việc phát hiện cận thị giả là không thể. Hầu hết khách hàng đến sau khi đo thị lực sẽ được chỉ định cắt kính để đeo, kể cả cận thị giả. Điều này làm cho mắt lười điều tiết và phụ thuộc vào kính dẫn đến tật cố hữu.

"Bố mẹ nên biết khi đo kính cho trẻ cận thị, loạn thị thì việc nhỏ thuốc điều tiết mắt để kiểm tra là bắt buộc. Nhưng thực tế hầu hết các cơ sở khám mắt tư nhân, các cửa hàng bán kính đều bỏ qua công đoạn này vì sợ mất thời gian. Do không làm đúng quy trình nên kết quả kiểm tra thường không chính xác", bác sĩ Tiến nói.

Khi bị cận thị giả, người bệnh không phải đeo kính, chỉ cần để cho mắt nghỉ ngơi hợp lý, sau một thời gian mắt sẽ tự điều tiết lại như bình thường. Tuy nhiên, nếu không được thì sẽ phải dùng kính mắt chuyên dụng và bác sĩ sẽ quyết định khi nào ngừng đeo kính.

Đối với người trẻ không bị cận mà vẫn phải đeo kính khiến thị lực không tăng, gây nhức mắt, mỏi mắt, dần dần mất thị giác 2 mắt, dẫn đến bị cận thị nặng, bong võng mạc, thậm chí sẽ bị mù. Do đó khi khám thị lực cho trẻ nên  thận trọng, chẩn đoán đúng tật khúc xạ. Khi thấy con mình có biểu hiện mắt nhìn không bình thường, các bậc cha mẹ nên cho con đến cơ sở y tế có uy tín đo khám.

Phụ huynh cần lưu ý không nên đưa con đi khám ở các phòng khám tư nhân không đảm bảo chuyên khoa về mắt. Vì khi nghe những biểu hiện, triệu chứng như trên, con có thể “bị” đeo kính cận thị. Và lúc này, chuyện giả cũng thành thật, con sẽ bị cận thị thật.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG