Trị gãy xương thành vẹo tay
Chị Nguyễn Thị Hội (35 tuổi, Bát Tràng, Hà Nội) là một người vướng phải “vụ” như thế. Bát Tràng cũng là nơi nổi tiếng có “mẹo” nắn chỉnh xương và điều trị gãy xương bằng cao và lá cây. Chị Hội bị tai nạn lao động năm 2010. Trong một lần dùng xe đạp đi chở hàng, chị bị ngã xe. May mắn thay, chị chỉ bị gãy xương kín mà không bị gãy xương hở, tức là đầu xương chưa chọc thủng da và chưa chồi ra ngoài. Mặc dù không bị chảy máu nhưng tay chị đau tê dại, không dám cử động.
Chị được cấp cứu sơ bộ rồi nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện 103, Học viện Quân y (Hà Đông, Hà Nội). Sau khi được khám xét cẩn thận, chị được các bác sĩ ở đây chỉ định cho chụp phim X-quang cẳng tay. Kết quả, chị bị gãy 1/3 trên hai xương cẳng tay phải, có dấu hiệu phạm khớp. Chị được các bác sĩ khuyên nên phẫu thuật để nhanh chóng làm liền vết thương và trả lại sự vận động tự do của khớp khuỷ. Tuy nhiên, chị xin bó bột vì không đủ kinh phí. Sau 30 phút, bột được làm xong và chị được điều trị đủ. Chị được về nhà kèm theo những lời dặn chi tiết, đặc biệt là không được tháo bột sớm trước khi thời điểm xương liền. Chị cũng được hẹn ngày tái khám.
Song không hiểu lý do thế nào mà khi về đến nhà thì chị lại không tuân thủ theo chỉ dẫn điều trị. Chị đã tự động phá bỏ bột bó vào ngày hôm sau. Vì chị cho rằng bột không có phép “màu nhiệm” bằng đắp lá. Đi đắp lá, “thầy” còn khấn cho. Ngay tức khắc, chị đến một cơ sở điều trị của một thầy lang để xin đắp lá.
Bỏ ngoài tai những lời cảnh báo, chị Hội đã thực hiện và lãnh đủ hậu quả của việc làm thiếu cơ sở này. Phần bó lá không đủ chặt, tay chị sau đó bị lệch vẹo. Sau hơn 2 tháng bó lá, phần xương gãy đã liền. Nhưng oái oăm thay, tay chị bị cong vồng ra ngoài như thể biến dị bởi sự cẩu thả trong nắn chỉnh và điều trị. Quay lại bệnh viện xin xử lý thì không thể sửa lại được bởi xương đã quá liền.
Cần chú ý khi chọn đắp lá
BS. Yên Lâm Phúc (Học viện Quân Y) cho hay, về phương diện y học hiện đại, việc điều trị gãy xương gồm hai biện pháp cơ bản là phẫu thuật và bó bột. Bản chất của hai biện pháp này là làm sao cố định hai đầu gãy tiến lại gần nhau theo đúng tư thế mà khi nó chưa gãy. Sau đó một thời gian, sự tích lũy đủ calci, chất cơ bản của xương, sẽ giúp xương liền lại. Cố định vững hay không, chắc hay không chắc, bền bỉ hay không bền bỉ là yếu tố quyết định đến thành công.
Nếu vi phạm nguyên tắc trên thì không thể có được kết quả dù có dùng phương tiện hiện đại và đắt tiền. Phẫu thuật được coi là một biện pháp cố định mạnh nhất vì xương không thể di chuyển sau khi đã được khoan “vít” theo đúng nghĩa đen. Trong một số trường hợp, người ta tiến hành bó bột ngoài để can thiệp. Do cấu tạo từ thạch cao nên bột rất cứng và chắc, đủ sức giữ cho xương liền nếu chúng ta không cố tình “đập vỡ”
Dựa trên nguyên lý này, nhiều thầy lang đã điều trị mang tính “khống” cho bệnh nhân và tung ra những động tác “giả” để đánh lừa người bệnh. Thực chất của vấn đề ở đây chỉ là cố định mà thôi. Và việc liền xương đến từ chính cơ thể. Hoàn toàn không hề có một thế lực siêu nhiên nào làm cho liền xương. Đốt hương, bùa phép, thần chú chỉ là những chiêu bên ngoài giả tạo che mắt bệnh nhân mà không làm suy chuyển hay có một chút tác động nào tới ổ gẫy.
Những lời quảng cáo là thần dược hay cao thuốc bí truyền gần như là “bịa” để mang tính chất tự quảng cáo. Những loại lá cây, chất bột hay công thức gia truyền nào đó không tác động nhiều tới ổ gãy. Công dụng lớn nhất ở đây là sự cố định thật chắc chắn chứ hoàn toàn không phải nhờ vào phép của thầy hay chất thần kỳ trong lá cây.
Một trong các biến chứng đáng ngại nhất là làm chậm liền xương, khớp giả và liền lệch. Hậu quả là có thể làm xương không liền được. Bởi vì sự cố định đòi hỏi thật khoẻ thì mới có thể làm cho xương liền tốt. Điều này thì bó lá thường không đảm bảo. Hệ quả tất nhiên là hai đầu xương cách xa nhau, khó liền, nếu xa quá thì không liền.
Trong quá trình điều trị, sự nắn chỉnh “mò” của các thầy lang không dựa trên hướng dẫn của phim X-quang có thể làm lệch đầu xương. Đương nhiên, sau đó ổ gãy sẽ bị liền lệch. Tay vì thế mà mất đi sự khéo léo, chân do vậy mà thiếu đi sự vững chãi vì xương không liền đúng trục. Can thiệp xử lý những trường hợp này chỉ còn mỗi cách này là làm… tái gãy xương rồi điều trị lại.
Biến chứng thứ hai mà cũng là biến chứng hay gặp nhất đó là loét da và nhiễm trùng. Đặc biệt là gãy xương mà có vết rách da. Cần lưu ý là tất cả những vết thương tại ổ gẫy dù to hay nhỏ, dù chảy máu ít hay nhiều thì đều có nguy cơ nhiễm trùng như nhau và mức độ nặng không khác nhau. Việc điều trị phải tuân thủ nguyên tắc vô trùng tuyệt đối.
Trong bó lá, người ta sử dụng những phương pháp thủ công, phơi và sấy khô lá cây, tạo thành một thứ bột nhão đắp lên da. Phần hỗn hợp này không đảm bảo vô trùng. Chúng sẽ keo dính lên da và gây nhiễm vào vết thương. Đấy là chưa tính tới những thời điểm điều trị mà thời tiết nóng bức, sản phẩm hủy hoại của lá cây kết hợp với mồ hôi của cơ thể sẽ làm cho da hoại tử thứ phát. Lúc này, việc điều trị sẽ vô cùng phức tạp.
Do đó, khi bị gãy xương, chúng tôi khuyên bạn hãy tới các cơ sở y tế có đủ trang thiết bị để được hướng dẫn và điều trị bài bản. Đừng nên tin vào những điều huyễn hoặc mà làm phức tạp thêm trong điều trị. Và nên nhớ liền xương hay không là do chính cơ thể bạn quyết định, chẳng hề có một thế lực siêu việt từ một thầy lang nào cả. Thế nên, ngoài điều trị, việc bổ sung đầy đủ canxi chính là một biện pháp tốt nhất để thúc đẩy xương mau liền và liền “đẹp”.