Thuốc bổ cũng có thể độc
Chị Nguyễn Thị Lan, ở Hoài Đức, Hà Nội, có thai được hơn 2 tháng. Chị khỏe mạnh, lại không nghén nên ăn uống không tốt. Nghe mọi người mách bảo, chị cũng đi cắt thuốc Đông y về tẩm bổ. Nhưng chưa hết 2 thang thuốc, chị thấy có biểu hiện đau bụng và sau đó băng huyết phải nhập viện.
Thấy thuốc nhân dân, BS. Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, thực tế nghiên cứu cho thấy có một tỷ lệ nhất định bị sảy thai do dùng thuốc bổ Đông y không đúng cách. Cần nhớ rằng dùng thuốc bổ trong Đông y là cả một nghệ thuật vì các vị thuốc được coi là bổ trong Đông y không phải lúc nào cũng bổ. Chúng có thể bổ với người này nhưng lại gây hại với người kia.
Ví dụ: chỉ một vị thuốc nhân sâm (đây là một vị thuốc bổ trong Đông y) nhưng nếu là thai hàn thì không được uống sâm Trung Quốc (vì sâm Trung Quốc có tính hàn). Khi thai nhiệt thì lại không được uống sâm của Hàn Quốc (vì sâm Hàn Quốc lại có tính ôn) và không phải người phụ nữ nào có thai cũng uống được sâm.
Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể do trình độ của thầy thuốc kém nên không biết xem mạch. Ví như trường hợp thai nhiệt mà thầy thuốc lại cho các vị nóng hay trường hợp tử cung hàn (bào cung hàn) lại cho uống thuốc có tính hàn hoặc trong lúc dọa sảy thai nếu cho uống thuốc kích thích vào... sẽ gây sảy thai.
Để biết chính xác thai phụ đang ở thể nào thì đòi hỏi người thầy thuốc phải có kinh nghiệm và trình độ. Nhưng có rất nhiều người đã đi cắt thuốc ở những nơi không có uy tín, thầy thuốc không có giấy phép hành nghề, không có kiến thức chuyên môn.
Tương tự, Ths. BS Hoàng Khánh Toàn (Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện TƯ Quân đội 108) cũng đưa ra ý kiến: Có người cho rằng, thuốc bổ Đông y rất “lành” nên có thể dùng cho bất kỳ ai, kể cả thai phụ. Lại có người cho rằng, các loại thuốc dưỡng thai Đông y chỉ là một mớ “hổ lốn”, chẳng biết có những chất gì độc hại bên trong, lại chỉ được dùng theo kinh nghiệm nên không thể tin cậy được. Thậm chí có người còn sợ dùng Đông dược dưỡng thai thì da trẻ sẽ đen, hoặc thai nhi phát triển quá lớn.
Cả hai quan điểm trên đều không đúng. Trong Đông y, theo cổ nhân, không có thứ thuốc nào không độc, thuốc nào cũng có vài ba phần độc hại, kể cả thuốc bổ. Vậy nên, việc dùng thuốc bổ nói chung phải được xem xét một cách thận trọng và tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, đặc biệt đối với thai phụ, những người mà Đông y luôn đặt trong tình thế “gái chửa là cửa mả”. Cũng vì thế, các dược thư cổ luôn ghi rõ những vị thuốc cấm dùng cho phụ nữ có thai, trong đó có cả những vị thuốc thuộc nhóm bổ dưỡng.
Chỉ uống khi có sự bất thường
Theo BS. Nguyễn Xuân Hướng, đối với người phụ nữ có thai không gì có thể thay thế được chế độ dinh dưỡng. Nếu ăn uống tốt, đầy đủ, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, thai nhi phát triển bình thường, mẹ khỏe thì không cần phải dùng đến thuốc gì cả. Phụ nữ chỉ cần tìm đến sự hỗ trợ của Đông y khi có thai người mẹ bị nôn oẹ nhiều, không ăn uống được, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thai hoặc trường hợp dọa sẩy thai, thai nhi không phát triển được…
Còn bác sĩ Toàn thì nhận định: Khi mang thai, trạng thái sinh lý của cơ thể thai phụ biến đổi rất lớn. Người mẹ rất dễ mắc một số bệnh như ốm nghén, phù, đi tiểu khó, động thai, băng huyết, trụy thai (sảy thai, đẻ non), tử giản (sản giật)....
Ngoài ra, trong thời kỳ này người phụ nữ cũng cần lượng dinh dưỡng và huyết lớn để nuôi con, trong khi đa phần phụ nữ lại bị thiếu máu sinh lý… vì vậy nếu việc bồi bổ bằng thức ăn mà không đảm bảo thì nên dùng thuốc.
Trước hết, nên trọng dụng các “món ăn - bài thuốc” vì đây là phương thức bồi bổ đơn giản, có hiệu quả, dễ dùng, dễ chế và dễ được chấp nhận. Việc bồi bổ bằng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc, “Hư đâu bổ đó”, nghĩa là dùng phải đúng chỉ định, âm hư thì bổ âm, khí hư thì bổ khí... Mọi dược liệu nói chung và thuốc bổ Đông y nói riêng đều có tính thiên lệch, người ta lợi dụng tính thiên lệch đó để điều chỉnh sự thiên lệch trong nhân thể, mà sự thiên lệch đó trong cơ thể thai phụ lại rất phức tạp.
Nếu lạm dụng vô độ thì có khi lại làm xuất hiện sự thiên lệch mới, rất có hại cho cơ thể người mẹ và thai nhi. Do đó, tốt nhất, nếu muốn bồi bổ bằng thuốc Đông Y, nhất thiết thai phụ phải có sự thăm khám, chỉ định và hướng dẫn sử dụng tỉ mỉ của các thầy thuốc có chuyên khoa, tại các cơ sở tin cậy.