Cần nhất là giảm thuế, giải phóng hàng tồn

Nhiều DN ngành than khốn đốn vì hàng tồn kho
Nhiều DN ngành than khốn đốn vì hàng tồn kho
TP - Đề án giải cứu doanh nghiệp chưa biết khi nào được Bộ Công Thương hoàn thành, còn các doanh nghiệp vẫn đang “chết dần, chết mòn”. Họ chỉ mong được miễn giảm thuế ngay và giải phóng hàng tồn kho.

> 'Không lấy tiền thuế của dân giải cứu doanh nghiệp'

Ngành nào cũng gặp khó

Theo Tổng Giám đốc Tổng Cty Thép Việt Nam (VnSteel), ông Lê Phú Hưng, kết thúc 6 tháng đầu năm 2012, có 13 trên tổng số 41 đơn vị trực thuộc bị lỗ.

Sang tới tháng 7, sản lượng sản xuất thép của VnSteel giảm 13% so với tháng trước. Dù giá bán và chiết khấu giảm thêm từ 300 đến 900 đồng/kg, thậm chí đến 1.200 đồng/kg nhưng vẫn rất khó tiêu thụ.

Đến nay, các đơn vị trong Tổng Cty và các bạn hàng đều gặp khó khăn về vốn, suy kiệt về tài chính.

“Tổng Cty đã có 3.000 lao động phải nghỉ việc, trong đó 900 lao động nghỉ việc trọn tháng. Số còn lại phải nghỉ luân phiên do nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng, chỉ chạy 40-45%, thậm chí 30% công suất. Các nhà máy Thép miền Nam, tấm lá Phú Mỹ, gang thép Thái Nguyên, Nhà Bè… phải ngừng sản xuất trong nhiều ngày để giảm sản lượng”, ông Hưng cho biết.

Với Tổng Cty Giấy Việt Nam, 7 tháng đầu năm, tiêu thụ chỉ bằng 48% kế hoạch năm, bằng 85% so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho cao, ở mức 38.962 tấn.

Tính riêng 7 tháng, vay ngắn hạn công ty mẹ tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước, nợ khách hàng tăng 62,7% so với cùng kỳ, khả năng thanh toán của tổng công ty giảm đáng kể.

Khó khăn không chỉ gõ cửa các doanh nghiệp sản xuất, mà lan sang cả những doanh nghiệp khoáng sản, nhất là ngành than.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp thuộc Vinacomin ở Quảng Ninh cho biết, doanh nghiệp có vốn chỉ ở mức 100 tỷ đồng nhưng đến nay, khoản nợ của các đối tác, đơn vị trong ngành đối với công ty đã lên tới 1.000 tỷ đồng.

"Cty phải vay ngân hàng để trả lương nhân viên từ nhiều tháng qua. Do hàng tồn kho lớn, nợ của khách hàng nhiều nên tính bình quân mỗi ngày mở mắt ra công ty phải trả lãi vay ngân hàng tới 200 triệu đồng. Chính phủ cho phép giảm thuế xuất khẩu than xuống dưới 10% thì ngành than sẽ phần nào thoát được tình trạng khó khăn hiện nay”, ông nói.

Chủ tịch một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ cơ khí và lắp ráp động cơ chia sẻ, từ đầu năm đến nay, công ty chỉ cầm cự để không phải đóng cửa. Sản phẩm không bán được nên công ty phải nhận gia công, sản xuất thêm các sản phẩm khác, nhưng vẫn không đủ chi phí, phải đi vay ngân hàng để trả lương cho nhân viên.

“Hàng không bán được, chi phí duy trì nhà máy vẫn phải trả hằng tháng, các ngân hàng liên tục đòi nợ. Các cuộc hẹn gặp bạn bè, tiếp khách phải hạn chế tối đa. Thậm chí điện thoại cũng hãn hữu mới nghe máy vì sợ bị nhân viên ngân hàng, các đối tác giục trả nợ. Hy vọng mức lãi suất cho vay dài hạn của ngân hàng hạ xuống dưới 10% thì doanh nghiệp mới có thể dễ thở hơn”, ông nói.

Nên giảm thuế cho doanh nghiệp

Từ thực tế khó khăn của ngành mình, Tổng Giám đốc VnSteel Lê Phú Hưng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách kích cầu với ngành xây dựng, đẩy nhanh giải ngân vốn các dự án đầu tư nhằm tăng cầu sử dụng thép, mới giảm được hàng tồn kho.

Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách khuyến khích xuất khẩu sản phẩm thép sang các nước ASEAN, đồng thời xem xét giảm thuế GTGT nhằm kích thích tiêu dùng.

Lãnh đạo Tổng Cty Giấy đề xuất, Chính phủ cho phép đảm nhiệm việc xuất trả nợ cho Chính phủ bằng mặt hàng giấy để giảm tồn kho và đề nghị cho phép công ty mẹ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế GTGT trong 5 tháng cuối năm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đinh Tuấn Minh, chuyên gia thuộc nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô, cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp thực chất nhất trong bối cảnh hiện nay là giảm các loại thuế cho doanh nghiệp.

Đi kèm với đó là cam kết của Chính phủ trong cắt giảm chi tiêu, để tránh gây áp lực bội chi ngân sách.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, để giải quyết hàng tồn kho, cần tìm giải pháp kích cầu để giúp tiêu thụ sản phẩm như thông qua đẩy nhanh tốc độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản.

Doanh nghiệp cũng có thể tận dụng hợp tác để đưa hàng xuất khẩn sang các nước mà Việt Nam đã ký kết tham gia.

“Cần phải xác định rõ các biện pháp tháo gỡ về vấn đề lãi suất vay, về thuế, giảm chi phí, kích cầu trong đầu tư đưa ra phải đi ngay vào cuộc sống và quan trọng hơn là các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải tích cực, quyết liệt đưa chính sách vào cuộc sống”, ông Hoàng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.