Nằm sâu trong khu phố tấp nập ở quận Đống Đa (Hà Nội), căn nhà của ông Nguyễn Công Nhân (57 tuổi) khiến người đi đường choáng ngợp với hàng trăm vỏ máy giặt, linh kiện điện tử điện tử nằm chất đống như "núi" từ tầng một lên tận mái nhà. |
Ông Nhân cho biết, ba căn nhà liền kề tổng diện tích 300m2, cao 6m, sâu 15m, hiện không đủ chứa hết các thiết bị, linh kiện điện tử, nên buộc đưa chúng lên mái nhà. "Mái tôn tuy từ thời bao cấp nhưng bền, chắc chắn và kiên cố, đủ sức chứa khoảng 300 vỏ máy giặt cồng kềnh. Tôi sử dụng dây xích để cố định chúng tránh bị rơi, nhất là những ngày mưa gió", người đàn ông vừa chỉ tay lên mái nhà, vừa miêu tả. |
Ông nói căn nhà trước đây là không gian sinh sống của vợ chồng ông cùng hai con (hiện 18 và 22 tuổi), nhưng phải nhường lại thành kho chứa đồ và làm việc. Họ đành chuyển xuống ở gian nhà phía sau. |
Dù là nơi gắn bó từ lâu, nhưng vì đồ đạc la liệt và bừa bãi, thỉnh thoảng bước vào căn nhà ông Nhân lại cảm thấy "rùng mình", không dám đi sâu bên trong. |
Năm 32 tuổi, ông Nhân bắt đầu "khởi nghiệp" bằng nghề sửa chữa điện tử, điện lạnh các loại, vì vốn ít lại học sẵn nghề điện, chỉ mất thêm một tháng "trau dồi kiến thức". Ông đặt tên cửa hàng là "Vua đồ cũ", chuyên thu mua đồ cũ, tháo gỡ và bán các linh kiện điện tử còn có thể tái sử dụng, sửa chữa các thiết bị trực tiếp tại cửa hàng. Ngoài ra, ông thuê thêm 7 người thợ, chia nhau đi khắp Hà Nội thu mua đồ, hoặc khắc phục các lỗi điều hòa, máy giặt, tủ lạnh… theo yêu cầu của khách. Ông khẳng định cửa hàng sở hữu "hàng độc, hiếm, khó tìm". "Tôi là một trong những đầu tiên tại Việt Nam theo đuổi công việc kinh doanh này. Mỗi ngày, chúng tôi đều tất bật với công việc từ sáng đến tối", ông nói. |
Mái nhà chất đống đủ loại lồng, vỏ máy giặt các hãng. Sau khi thu mua các thiết bị như máy giặt, điều hòa, tủ lạnh,… nhóm thợ của ông Nhân sẽ đánh giá chất lượng. Nếu thiết bị còn tốt, họ sẽ sửa chữa và bán lại với giá chỉ từ 1 - 1,4 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn nhiều so với mua mới. Nếu thiết bị cần thay thế, họ sẽ tìm kiếm các loại linh kiện điện tử khác nhau, có thể không cùng hãng rồi lắp ráp, tạo nên một thành phẩm hoàn chỉnh. Ngoài nhóm khách hàng chính là những người thợ sửa chữa điện tử mua các linh kiện điện tử, thì sinh viên và những người lao động thu nhập thấp cũng thường xuyên tìm đến cửa hàng của ông Nhân để mua các thiết bị với giá rẻ, độ bền trung bình 5 năm, thậm chí hơn 10 năm. |
"Công việc 25 năm qua không có gì mệt mỏi, chỉ hơi bận bịu vì tiếp nhiều khách hàng mỗi ngày. Khó khăn duy nhất là ba căn nhà không đủ để chứa hết các loại thiết bị", ông Nhân nói đang tính thuê một căn nhà đủ rộng để sắp xếp lại các thiết bị. |
"Vua đồ cũ" cho biết trung bình 5 năm sẽ thanh lý bớt những thiết bị không thể tiêu thụ bằng cách đập nát rồi bán lại cho các cửa hàng thu mua phế liệu. |
Lò Văn Chung, 25 tuổi, quê Sơn La, cách đây 4 năm xuống Hà Nội vừa học nghề vừa làm việc tại "Vua đồ cũ". Chung cho biết: "Lần đầu tiên nhìn thấy căn nhà, tôi từng nghĩ sao chỗ mình làm việc lại bừa bộn như vậy, cũng hơi nguy hiểm. Nhưng về sau, tôi thấy mọi thiết bị đều được cố định chắc chắn nên không ảnh hưởng". Cậu thường bắt đầu công việc lúc 8h; nhận và sửa chữa, tháo lắp các thiết bị, linh kiện điện tử. Do công việc đặc thù, nên cửa hàng không dám vứt bừa các linh kiện, sợ có lúc khách hàng sẽ cần đến. Đây cũng là lý do khiến căn nhà luôn trong tình trạng chất đống đồ đạc. "Mỗi lần đưa đồ từ trên mái nhà xuống, một người phía trên sẽ cố định thiết bị bằng dây rồi từ từ thả xuống dưới trong khi một người khác đứng đợi sẵn để đón lấy", Chung cho hay. |
Mặt sau căn nhà là khu vực máy giặt đã được sửa chữa hoàn thiện. Phan Văn Vũ, 23 tuổi, nghỉ học sớm, được anh rể dẫn từ Huế ra cửa hàng của ông Nhân học nghề cách đây 4 - 5 tháng. Vũ phụ giúp mọi người những công việc lặt vặt, từ đó học nghề và tích lũy kinh nghiệm hi vọng sau này có thể tự lập. |
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, 43 tuổi, chủ một cửa hàng sửa chữa điện tử điện lạnh ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho hay trung bình mỗi tháng sẽ đến "Vua đồ cũ" tìm mua linh kiện điện tử khoảng 3 - 4 lần. "Tôi là khách quen 6 năm qua của cửa hàng ông Nhân. Tại đây, có những linh kiện điện tử giá rẻ hoặc trên thị trường hiện không bán. Sau khi mua về, tôi sửa chữa, hoàn thiện sản phẩm cho khách hàng, thu mức giá rẻ hơn", anh Hùng nói. |
"Trung bình mỗi tháng tôi kiếm được 100 triệu đồng, cao điểm 150 triệu đồng, nhưng vẫn chưa là gì so với sức khỏe và chất xám đã bỏ ra. Tôi nghĩ mình có thể kiếm nhiều hơn thế nữa. Công việc tuy đơn giản, nhưng tôi tự hào đã đào tạo ra nhiều thế hệ học viên, đều đã trở thành 'tỷ phú' với mức thu nhập cao", ông Nhân cho biết. |