Căn nhà bê tông đầu tiên ở giữa rừng của vị cựu chiến binh người Tày

Vị chiến sĩ người Tày Vi Văn Thịnh với cuộc sống hàng ngày bên căn nhà cũ
Vị chiến sĩ người Tày Vi Văn Thịnh với cuộc sống hàng ngày bên căn nhà cũ
Thôn Bản Tha (xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) vắt nửa mình một bên dãy Nà Thun, một bên con sông Lô. Nơi đó, từng có một vị chiến binh 5 lần 7 lượt giấu bố mẹ đăng ký tình nguyện ra trận, 3 năm vào rừng mang về những ôm gỗ to để dựng căn nhà đàng hoàng cho vợ, và gánh gạo vượt đồi đi bán cả ngày dưới phố để đổi cho con những thỏi đường phên.

Đó là câu chuyện của ông Vi Văn Thịnh (55 tuổi), vị cựu chiến binh người Tày từng tham chiến chống giặc phương Bắc những năm 1979-1988 tại Vị Xuyên.

Sau năm 1989, trở về quê nhà, ông Thịnh từng 2 lần đổ cơn bạo bệnh. Đến nay, ông phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tinh hoàn và sỏi thận. Mỗi lần như thế, trong căn nhà sàn cũ nát của ông lại mất đi một đàn gà, vài con lợn và bữa ăn của những đứa con.

Với ông, năm tháng chiến tranh không thể giết đi tinh thần hy sinh vì Tổ Quốc. Nhưng cuộc sống khó khăn đã khiến vị cựu chiến binh chưa bao giờ dám mơ ước về một căn nhà.

Mặc dù, chiếc nhà sàn, giờ nó chỉ còn là những khúc gỗ mọt, đợi ngày sụp đổ.

Căn nhà xây suốt 3 năm, bằng những ôm gỗ gùi về từ trong rừng

Nhắc nhớ lại ký ức cũ, ông Thịnh kể: Từ  năm 1979 đến năm 1987, huyện Vị Xuyên (Tỉnh Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang cũ-PV)) đã hứng chịu hàng loạt “cơn mưa” đạn pháo từ quân giặc phía Bắc. Trước tình hình lực lượng kêu gọi đồng bào tham gia mở đường, bảo vệ biên giới, ông Thịnh đã không ngần ngại lên đường.

Hơn 1 năm, con đường hoả tiến lên xã Cao Bồ (H. Vị Xuyên, T. Hà Giang) đã nhiều lần giúp bộ đội Việt Nam chặn đứng được kế hoạch tiến đánh của quân giặc.

Đến năm 1984, tình hình chiến tranh biên giới ngày càng căng thẳng. Đứng trước lựa chọn trở về, ông Thịnh cùng người anh trai tiếp tục giấu bố mẹ, làm đơn tình nguyện tham gia chiến đấu.

“Một tuần sau khi nhập ngũ, mẹ mới nghe tin. Hôm đó, bà gùi 1 con gà lên quân khu tìm chú. Ngồi ở quân khu, bà khóc nhưng vẫn động viên: “Các con đã đi thì xác định chắc chắn khi nào hoàn thành nhiệm vụ thì mới trở về. Không được bỏ giữa chừng…”. Từ hôm đó, chú quyết tâm rằng có sống chết thì cũng phải đợi được tin chiến thắng mới trở về”.

Giữa bom đạn giăng đầy trời, ông Thịnh mỗi ngày vẫn cùng đồng đội vào rừng, chặt tre để vót thành những cây chông nhọn. Ban đêm, họ men theo con đèo, gùi chông lên biên giới cắm thành những đường biên.

Đến năm 1989, nhiệm vụ hoàn thành, người Tày lần lượt trở về quê nhà làm kinh tế. Người đồng bào ở trong núi, nuôi gà, chăn trâu, trồng lúa… nhằm cải thiện cuộc sống.

Riêng ông Thịnh, vì mơ ước có một căn nhà cho vợ con, mỗi tuần, ông đều vào rừng, chặt gỗ, gom thành những ôm to rồi kéo trâu trở về. Suốt 3 năm, ông Thịnh cần mẫn một mình xây nhà bằng cách như thế. Đến năm 1991, căn nhà sàn đầu tiên trong mơ được hoàn thành.

“Lúc đó còn khó khăn nhiều! Cả nhà phải trộn sắn với gạo, ăn lá cây rưng để đủ ăn. Nhưng cứ đợi ngày người đồng bào hẹn nhau xuống phố bán con gà, trái ngô thì chú cũng đi theo, đổi kẽm, đinh để về có thể xây dần từng thứ trong nhà”.

Nhà vừa dựng xong chưa lâu thì năm 1999, cây gỗ bắt đầu gãy dần. Mỗi đêm, trong cơn ngủ, nghe thấy tiếng răn rắc sắp đổ của cột chống, ông Thịnh cùng vợ lại ôm con chui xuống sàn nhà trốn. Gần 20 năm, ông vẫn phải bảo vệ gia đình như thế!

“Đúng thời điểm ấy chú ở chiến trường thì khoẻ nhưng về thì lại đổ cơn bạo bệnh. 2 lần vào viện vì huyết áp cao, viêm tinh hoàn, sỏi thận,… trong nhà lại phải mất đi một đàn gà, vài còn lợn nên chưa bao giờ nghĩ xây nhà. Cứ biết sống ở đây được ngày nào hay ngày ấy” - ông kể.

Căn nhà bê tông đầu tiên giữa núi rừng Bản Tha

Lắng nghe hoàn cảnh của vị cựu chiến binh Vi Văn Thịnh, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) đã kết hợp cùng với UBMTTQ huyện Vị Xuyên tham gia hỗ trợ, trao tặng căn nhà tình nghĩa cho ông.

Sau 2 tháng xây dựng, cuối tháng 10, căn nhà xây dựng bằng bê tông đầu tiên ở thôn Bản Lát cuối cùng đã hoàn thành. Những ngày này, mỗi lần đi qua lên rừng, người đồng bào thấy căn nhà, ai nấy đều ngắm nhìn, vui chung niềm hạnh phúc của ông Thịnh.

“Cả một tuần, chú còn chẳng dám tin rằng đây là sự thật. Bà con đi rừng về, sang nhà lại ghé sang chơi, có người khen: “Nhà bự đấy, to nhất bản” khiến chú rất vui mừng…”

Căn nhà bê tông đầu tiên ở giữa rừng của vị cựu chiến binh người Tày ảnh 1 Bà con làng xóm tất bật giúp ông Thịnh chuẩn bị cho lễ khánh thành căn nhà tình nghĩa

Ngày 30/10, buổi lễ trao tặng nhà được tổ chức trước khoảng sân nhà. Từ sớm, ông Thịnh cùng người con trai đã tất bật đi chở những xe sỏi, cát, trải dài con đường từ chân núi vào nhà. Con đường bằng sỏi ấy để chào đón những vị khách từ Hà Nội ghé thăm và chào đón cả sự khởi đầu mới cho vị lính ở nửa cuối cuộc đời.

Căn nhà bê tông đầu tiên ở giữa rừng của vị cựu chiến binh người Tày ảnh 2 Tổng Giám đốc Công ty Xổ số điện toán Việt Nam và Chủ tịch huyện Vị Xuyên chúc mừng ông Thịnh nhận căn nhà mới

“Vị Xuyên là một huyện miền núi biên giới rộng 1500 km2, có trên 110.000 dân sinh sống. Với địa hình rộng, nhiều núi cao, khe sâu bị chia cắt mạnh,… nên đời sống kinh tế người đồng bào hết sức khó khăn. Hiện nay huyện vẫn còn 5848 hộ nghèo, 150 nhân khẩu đang sống trong các nhà tạm.

Khi nhận được thông tin công ty Vietlott hỗ trợ cho 2 vị cựu chiến binh nghèo tại huyện có được một căn nhà mới, chúng tôi hết sức vui mừng và hạnh phúc. Từ đây, dựa trên nền tảng đời sống vật chất ổn định mà gia đình người có công với cách mạng sẽ ngày càng phát triển hơn” - ông Thiều Văn Bốn (Uỷ viên Ban thường vụ Huyện uỷ - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Huyện Vị Xuyên) chia sẻ.

 

Tại chương trình bàn giao nhà, ông Trần Ngọc Hà - Giám đốc chi nhánh Hải Phòng (thuộc Vietlott) nói: “Với Giá trị cốt lõi là TRUNG THỰC, TRÁCH NHIỆM và TÔN TRỌNG, từ khi triển khai kinh doanh, Công ty Vietlott luôn luôn đi đôi với hoạt động an sinh xã hội cộng đồng. Việc tham gia trao nhà đại đoàn kết cho người nghèo, nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng là hoạt động nhân văn hằng năm của công ty.

Trong năm 2020, Vietlott đã xây dựng mái ấm mới cho hàng chục bà con tại các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Yên Bái, Cao Bằng,… Đối với Hà Giang, đây là địa bàn vùng núi vô cùng khó khăn nên tháng 7/2020, ngay khi Vietlott chính thức triển khai kinh doanh, công ty đã tổ chức trao tặng 2 căn nhà tình nghĩa tại H. Vị Xuyên (Hà Giang).

Trong tương lai, Vietlott sẽ tiếp tục phát huy với số lượng nhiều hơn, quy mô lớn hơn, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.”

MỚI - NÓNG