>> Mười dạng người tôi không bầu làm lãnh đạo
Nhà thơ Dương Thuấn: Hội không nên chỉ chú ý sự vụ
Nhà thơ Dương Thuấn. |
Những năm qua, hoạt động của Hội Nhà văn hầu như như không có gì thay đổi, không có đột phá về tổ chức cũng như nội dung để đem lại sinh khí mới cho văn học. Một nền văn học sẽ rất buồn tẻ nếu Hội chỉ chú ý sự vụ mà không bao quát được các khuynh hướng và tác phẩm văn học.
Một số hoạt động như Hội nghị quốc tế truyền bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, tuy có gây ấn tượng nhưng ít hiệu quả. Việc trao giải thưởng văn học và xét kết nạp hội viên chất lượng chưa cao. Hội viên gặp nhau thường hay phàn nàn lãnh đạo Hội chỉ cốt yên thân, né tránh mọi vấn đề, không dám ủng hộ xu hướng mới, không bênh vực khi họ bị tai nạn nghề nghiệp.
Hội Nhà văn có vị trí quan trọng trong việc hướng tới một nền văn học tương lai của nước nhà. Những năm qua Hội chưa làm được việc đó. Không những không bồi đắp gì thêm cho Hội mà còn làm giảm đi một số giá trị vốn có. Chẳng hạn giải thưởng Hội Nhà văn dần đến chỗ mất thiêng.
Nhiệm kỳ khóa 7 vừa qua có sự mất đoàn kết trong BCH, đó là điều rất đáng tiếc. Trong chỉ thị hướng dẫn Đại hội 8 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Người nào trong BCH quá lâu thì nên thôi. Thế hệ chúng tôi tuổi đời trên dưới 50, nhiều người có thành tựu, hoàn toàn đảm nhiệm được công việc của Hội. BCH mới cần phải có đại diện của dân tộc thiểu số.
Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái: Hội Nhà văn hay Hội ái hữu?
Trong 5 năm qua, theo tôi, Hội Nhà văn đã làm một số việc cho hội viên rất tốt. Một số cuộc thảo luận có ích. Tuy nhiên, việc chính nhất là khơi nguồn nội lực sáng tạo của nhà văn thì Hội chưa làm được. Hội Nhà văn ta hiện giống với một hội ái hữu nhiều hơn. Hình như việc chính của Hội là quan tâm đến hỉ, nộ, ái, ố hơn là văn học.
Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái. |
Giải thưởng là một trong những yếu tố quan trọng làm nên uy tín của Hội Nhà văn, song thực tế, giải của Hội trung ương không uy tín bằng giải của Hội thủ đô. Việc chấm giải có vấn đề. Tôi là thành viên Hội đồng lý luận phê bình, tôi có thể nói rằng các hội đồng chấm giải hoạt động rời rạc, chả liên quan gì đến nhau.
Ý kiến của các hội đồng chuyên môn gần như không được tôn trọng. Nhà văn không chịu đọc nhau đã đành. Các thành viên BCH Hội cũng vậy. Vì không có một Hội đồng nghệ thuật đủ uy tín nên không phát hiện ra tác phẩm hay. Thiếu chuẩn mực chung trong việc chấm giải thì giải thưởng không có uy tín là đương nhiên.
" Nên có khoảng 20 người, biết lo toan. Bầu bán phải có tiêu chí rõ ràng. Bầu ai, làm việc gì phải cụ thể. Nếu cứ à uôm, sẽ không tìm được những người tốt nhất, tử tế nhất lo lắng cho công việc của Hội" - Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái thẳng thắn |
Việc đầu tư sáng tác cũng cần xem lại. Có phải là thứ bổng lộc để ban phát hay không? Việc mở và đi trại viết hiện nay theo tôi, lãng phí. Trại sáng tác chỉ dành cho nhà văn già, về hưu, có thời gian rỗi rãi. Có nhà văn một năm đi trại mấy lần. Trong khi người trẻ, có nội lực thì dù muốn cũng không đi được vì công việc của họ không cho phép.
Và một khi có nội lực thì không cần đi trại, vẫn sáng tác đều đều. Vậy thì, trại mở ra có ích hay không? Và khi đã mở trại thì phải có hoạt động gì, ngoài việc đưa nhà văn đến đấy ngồi chơi xơi nước, sửa chữa vài bản thảo cũ rồi về?
Một điều nữa tôi bức xúc, là cơ quan báo chí, xuất bản của Hội quá già nua. NXB Hội Nhà văn in ấn đủ thứ thượng vàng hạ cám thay vì phục vụ đời sống văn học như tôn chỉ ban đầu của nó. Những tác phẩm rẻ tiền đều có thể ra lò nơi đây. Báo chí của Hội không trở thành diễn đàn của hội viên cũng là bất cập.
Chúng ta kêu một số thành viên BCH nhiệm kỳ vừa rồi không làm việc, thì phải hỏi ngược lại là Hội đã dùng đúng sở trường của họ chưa? Báo chí của Hội yếu về nhân lực thế, sao không để họ đảm đương? Mong rằng đại hội lần này bầu được một BCH trên tinh thần một hội nghề nghiệp, tập trung vào chuyên môn.
Hội phải thay đổi. Nếu không, Hội sẽ biến mất trong lòng những người viết văn đúng nghĩa. Khi đó, mảnh đất này sẽ chỉ còn là nơi “làm mưa làm gió” của một số cá nhân mà thôi.