> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải để cán bộ sống được bằng tiền lương
> Chủ tịch nước làm việc với Bộ Công an
Đà Nẵng xới xáo được nhiều vấn đề
Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng Đề án chính quyền đô thị, và kiên trì đề nghị cho phép thực hiện thí điểm; đề xuất tên gọi của UBND quận huyện, phường là Ủy ban hành chính.
Một dẫn chứng được ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban Nội chính T.Ư, Bí thư Thành ủy nêu ra, đó là với thành phố đô thị, nên giao Sở Phòng cháy chữa cháy về UBND thành phố sẽ chủ động, linh hoạt hơn trong việc giải quyết các sự cố.
Còn như hiện nay, tiếng nói của địa phương đối với ngành này rất hạn chế, như cách nói của ông Thanh, thì “giỏi lắm trừ điểm thi đua của họ là cùng”. Như tôn giáo là lĩnh vực rất lớn và quan trọng, nhưng Ban Tôn giáo lại thuộc Sở Nội vụ, ngành du lịch của một thành phố như Đà Nẵng lại nằm chung với các ngành khác nên “không sâu, không chuyên”.
Đà Nẵng đang thí điểm thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tại 14/56 phường xã; thí điểm không tổ chức HĐND tại 45 phường.
Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, Đà Nẵng hiện có 2 quận thực hiện Bí thư kiệm Chủ tịch. “Nhưng cũng tùy vào từng người. Ai có khả năng thực sự mới làm được. Chứ có ông 1 việc không làm xong, bắt ông gánh thêm thì thở cũng không nổi”.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận việc có cơ chế phân biệt rõ mô hình chính quyền đô thị với nông thôn đang là vấn đề lớn bao trùm hiện nay. Đã có ý tưởng, chủ trương, cần chuẩn bị kỹ để luật hóa vào năm 2014.
Việc tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương tới cơ sở, Chủ tịch nước cho biết bên cạnh mô hình phổ quát của cả nước, thì tại một số địa phương, sẽ tính toán việc xây dựng những mô hình tổ chức tùy theo đặc thù riêng.
Việc này phải rất khoa học, chứ không thể áp đặt. Như với lĩnh vực tôn giáo, du lịch, thủy sản … có thể tách, nhập một cách phù hợp. Về cải cách tiền lương, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng quỹ tiền lương phải đi đôi và phù hợp với tốc độ phát triển GDP.
Cần xây dựng mô hình cơ sở mới
Buổi sáng cùng ngày, đoàn khảo sát đã làm việc với phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cũng về nội dung trên. Ông Nguyễn Thanh Nam, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường phân tích: cái khó là khối lượng công việc ở phường quá nhiều, trong khi các tổ chức dưới phường chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Nhiều hoạt động cấp phường gặp khó khăn do sự phân cấp quản lý giữa cấp phường với cấp quận và cả thành phố, khiến không ít chỉ tiêu, nhiệm vụ khó triển khai như vấn đề an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường...
Ông kiến nghị: Nên sát nhập một số cơ quan đoàn hội có chức năng nhiệm vụ gần nhau và “công chức hóa” một số người hoạt động không chuyên trách.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định: Đời sống cán bộ công chức cấp cơ sở còn nhiều khó khăn. Dư luận mong chờ vào sự thay đổi, tuy nhiên, do biên chế lớn, tổng quỹ tiền lương không thay đổi nên khó triển khai cải cách tiền lương.
“Cần phải nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức cơ sở mới, phù hợp, theo hướng giảm biên chế, khuyến khích kiêm nhiệm nhưng đảm bảo khối lượng công việc cấp phường. Đây là điều kiện để trình T.Ư đề án cải cách tiền lương, cải thiện đời sống của cán bộ công chức”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cũng chỉ ra vấn đề tồn tại ở bộ máy cơ sở, vấn đề cơ chế giám sát của mặt trận, các hội đoàn thể; đặc biệt việc phân cấp giữa phường với quận và cả thành phố còn lẫn lộn, chồng chéo. Như xử lý một vụ tai nạn, hay hành vi xả thải ô nhiễm của một doanh nghiệp trên địa bàn phường.
Nếu quy hết trách nhiệm cho ông chủ tịch phường có đúng không? Họ thiếu công cụ, phương tiện và cả con người. Nhưng nếu anh phường không phát hiện ra thì cũng không làm hết chức trách.
Theo Chủ tịch nước: Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 có hơn 970.000 cán bộ cơ sở, sau đại hội, số cán bộ này tăng lên gần 1,5 triệu người. Nhưng nhiều địa phương vẫn kêu thiếu. Gốc vấn đề ở đây là do phân định chức năng nhiệm vụ giữa phường với các cấp chưa rõ ràng. Phải minh thị điều này mới xây dựng quy mô đội ngũ cán bộ phường bao nhiêu là phù hợp.