Hiệu quả sau một tháng Hà Nội đổi giờ:
Cần lắng nghe và điều tra tiếp
>Đổi giờ làm, đường chưa hết tắc
Giảm do giờ cao điểm kéo dãn
Ông Nguyễn Quốc Hùng, GĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, lưu lượng phương tiện đi lại tại các nút giao thông vào khung giờ cao điểm thường giảm 5 đến 15%. Theo kết quả điều tra ngày 16-12-2011 và ngày 22-11-2011 (trước đổi giờ), giờ cao điểm hầu hết các nút giao thông lớn lưu lượng người tham gia giao thông đều vượt khả năng lưu thông từ 1,5 đến 2,3 lần; Cá biệt có nút vượt 4 đến 5 lần, như Ngã Tư Sở (17.247 lượt phương tiện/h), Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch (13.967 lượt phương tiện/h), Láng - Trần Duy Hưng (10.406 lượt phương tiện/h).
Từ khi thực hiện đổi giờ, thời điểm điều tra ngày 23-2 (sau đổi giờ) lưu lượng phương tiện tại các nút trên đã giảm ít nhất là 5%, trong đó nút Ngã Tư Sở giảm 16%, Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch giảm 12%, Láng - Trần Duy Hưng giảm 9%... “Cùng với đó, thời gian phương tiện lưu thông trên đường cũng giảm 10 đến 15 phút tại nhiều lộ trình”, ông Hùng nhấn mạnh.
Là đơn vị độc lập được TP Hà Nội giao nhiệm vụ khảo sát hiệu quả của việc đổi giờ, ông Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, sở dĩ phương tiện lưu thông giảm được là nhờ khung giờ cao điểm kéo dài khiến phương tiện được kéo dãn, phân bố ra nhiều khung giờ khác nhau chứ thực chất không làm giảm số lượng xe, tuần suất tham gia giao thông trên địa bàn.
Theo ông Công, qua khảo sát, ngoài các nút giảm được ùn tắc, mật độ phương tiện thì đổi giờ cũng làm phát sinh một số điểm ùn tắc mới như: Đường Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, phố Lê Thanh Nghị, La Thành, Lê Duẩn- Khâm Thiên...
“Do vậy cùng với đổi giờ hay phân làn, cấm dừng đỗ xe, thời gian tới TP cần thực hiện nhanh và mạnh những giải pháp khác như giảm mật độ dân số, văn phòng công sở trong khu vực nội đô để tăng diện tích lòng đường cho giao thông”, ông Công kiến nghị.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông cũng cho rằng, kết quả trên rất chung chung so với các kết quả mà một số thành phố trên thế giới đạt được khi chống ùn tắc. Kết quả này chỉ qua quan trắc trên một số nút giao thông.
Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện vẫn còn quá lớn, sức hấp dẫn của khu trung tâm vẫn cao nên ùn tắc có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào. “Cùng với đổi giờ, TP cần phải tính đến hạn chế phương tiện đang chiếm dụng lòng đường nhiều, nhất là ô tô con”, ông Hùng nhấn mạnh.
Xử lý các trường không đổi giờ
Theo Thiếu tướng Trần Thuỳ, PGĐ CA Hà Nội, qua một tháng đổi giờ vẫn còn hơn 10 trường ĐHCĐ chưa thực hiện nghiêm chủ trương của thành phố. Đa số các trường này nằm trong khu vực nội đô, các tuyến đường lớn, việc các trường không thực hiện gây khó khăn lớn cho các đơn vị triển khai.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho rằng, huyện Từ Liêm là địa bàn có nhiều trường ĐH, CĐ chưa thực hiện nghiêm việc đổi giờ nhất. Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ quản lý các trường phổ thông, còn các trường ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT quản lý, tuy nhiên về phía ngành dọc, Sở GD&ĐT sẽ có báo cáo với Bộ về việc này.
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tỏ ra khá bức xúc với việc này và cho rằng, đổi giờ của TP Hà Nội hiện nay là một quyết định hành chính, các trường ĐH, CĐ không thực hiện là không phù hợp. “Sở GTVT phải kiểm tra, đôn đốc việc này. Nếu sau khi đôn đốc các trường vẫn không thực hiện thì cần báo cáo cơ quan chủ quản”, ông Thảo yêu cầu.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để việc đổi giờ thời gian tới hiệu quả hơn các ngành liên quan cùng vào cuộc và đưa những đánh giá khách quan nhất về tình hình giao thông thành phố.
“Tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng đây mới chỉ là nhận xét, đánh giá ban đầu của cơ quan quản lý, còn nhân dân dư luận thế nào phải lắng nghe, điều tra tiếp để có những kết quả rõ ràng nhất”.
Chủ tịch TP Hà Nội Thảo cũng chỉ đạo các sở ngành liên quan phải quyết liệt trong việc thực hiện các bãi đỗ xe.