Căn hộ nghỉ dưỡng có được cấp 'sổ đỏ'?

Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa có định nghĩa về loại hình bất động sản Condotel. Ảnh minh họa
Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa có định nghĩa về loại hình bất động sản Condotel. Ảnh minh họa
TPO - Mặc dù đã có hàng chục nghìn căn hộ nghỉ dưỡng ở các dự án được chào bán ở một số địa phương. Tuy nhiên chuyên gia lo ngại vấn đề pháp lý đối với dự án này bởi 'căn hộ nghỉ dưỡng' là một khái niệm mới mà chưa quy định rõ trong các văn bản luật

Phát biểu tại Hội thảo “Toàn cảnh thị trường bất động sản phân khúc Condotel: Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội bất động sản Việt Nam, báo Xây dựng tổ chức ngày 16/1, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) G5 cho biết: Loại hình căn hộ nghỉ dưỡng (Condotel) mới xuất hiện ở Việt Nam nên nhiều khách hàng chưa biết rõ về hình thức sở hữu. Các thủ tục pháp lý liên quan đến loại hình Condotel chưa được quy định chặt chẽ, rõ ràng dễ dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư nhập nhằng, lách luật để làm liều. Có rất nhiều loại hình Condotel có tính pháp lý khác nhau nên đôi lúc khó giải thích với khách hàng: Có dự án là sở hữu 50 năm và được ở, 50 năm không được ở, 70 năm, lâu dài khiến cho khách hàng khi mua gặp nhiều rắc rối.

Cũng theo ông Khánh, về vấn đề sở hữu Condotel, nhiều chủ đầu tư cam kết cung cấp sổ đỏ cho nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, việc cấp sổ đỏ cho Condotel cũng còn nhiều điều bất cập bởi luật pháp hiện hành còn chưa có quy định cụ thể. 

“Một vài dự án luật cho phép tách ra làm sổ đỏ, nhưng nhiều dự án không thực hiện được. Nên nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn, khi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng không bán được”, ông Khánh cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Khánh cũng đề xuất cần có những quy hoạch rõ ràng cho các vùng biển đảo cũng như đề ra các quy định thống nhất, chặt chẽ về pháp lý, điều kiện sở hữu BĐS ven biển và đất liền tương đương nhau; Nhà nước cần phải có cơ chế quy hoạch, quản lý và dự báo chính xác để cấp phép xây dựng cho các dự án Condotel để tránh gây lãng phí quỹ đất và tiền bạc. 

Để ngăn chặn rủi ro, ông Khánh khuyến cáo khách hàng mua sản phẩm Condotel cần tìm đến cho mình những nhà môi giới chuyên nghiệp, nhất là khi pháp lý chưa đủ công cụ để đảm bảo cho quyền lợi cho người mua nhà.

Ông Nguyễn Văn Nam – Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng trong Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa có định nghĩa về loại hình bất động sản Condotel. Vì vậy đã có nhiều cách áp dụng khác nhau trong quản lý thị trường. 

Cụ thể theo ông Nam, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định về Quy chế quản lý việc quản lý đất du lịch sang đất ở để xây dựng biệt thự du lịch trên địa bàn đảo Phú Quốc. Theo đó, cho phép cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng và được sở hữu lâu dài. Để đảm bảo không hình thành đơn vị ở tại các dự án du lịch, tỉnh Kiên Giang quy định quy mô dự án tối thiểu 40ha; Diện tích chuyển đổi tối đa là 10% diện tích đất dự án; hoàn thành 100% hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành tối thiểu 30% các công trình kiến trúc, không xây dựng các công trình hạ tầng xã hội; Chỉ sử dụng và mục đích nghỉ dưỡng, không đăng ký hộ khẩu. 

Tại tỉnh Khánh Hòa cho phép cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng và được sở hữu lâu dài tại các dự án này. Để quản lý không hình thành đơn vị ở, Sở Xây dựng đã trình UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành văn bản quy định về quản lý, giám sát các dự án condotel. Theo đó, chủ đầu tư có cam kết và được ghi cụ thể trong văn bản Chấp thuận đầu tư (Giấy chứng nhận đầu tư) là sử dụng như khách sạn, không hình đơn vị ở. 

Cũng theo đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng, một số hậu quả có khả năng xảy ra nếu cơ quan nhà nước không có giải pháp quản lý chặt chẽ việc đầu tư và sử dụng theo hình thức biệt thự và căn hộ du lịch đang có xu hướng gia tăng. 

Kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, để tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, bảo vệ người mua nhà, cần sửa đổi quy định của Luật Đất đai theo hướng tăng thêm quyền cho người mua bất động sản nghỉ dưỡng. 

“Hiện nay bất động sản nghỉ dưỡng phát triển trong phần đất dịch vụ nên người mua nhà không được quyền sử dụng lâu dài. Để thị trường phát triển, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng người mua bất động sản nghỉ dưỡng cũng được cấp sổ đỏ như nhà ở thông thường”, ông Võ đề xuất.

Ông  Đoàn Văn Bình Chủ tịch Tập đoàn C.E.O đề nghị đưa nội dung đất ở không hình thành đơn vị ở của condotel ven biển vào quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung của bãi biển. 

Cũng theo ông Bình, do mục đích sử dụng làm khách sạn phục vụ nghỉ dưỡng, không hình thành đơn vị ở nên việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật xây dựng chung cư cho condotel ven biển sẽ có những điểm bất cập, đặc biệt là với những yêu cầu của nhà chung cư nhằm phục vụ mục đích sinh hoạt của các hộ gia đình như diện tích chỗ để xe, hệ thống thu gom rác, không gian sinh hoạt chung. 

Ngoài ra, ông Bình cũng kiến nghị cần có quy định chi tiết đối với trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà; tạo thuận lợi cho người nước ngoài được mua bán. 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Ngọc Tuấn (Tổng cục Du Lịch Việt Nam) lưu ý, bên cạnh những thuận lợi vừa qua, việc đầu tư căn hộ khách sạn cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Chủ căn hộ thường nhận được sự hứa hẹn quá mức của chủ đầu tư. Lợi nhuận đem lại cho chủ đầu tư thường không cao như kỳ vọng. Chủ căn hộ phải chia sẻ chi phí vận hành các khu vực chung với công ty quản lý… 

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vừa chứng kiến sự hồi phục và bùng nổ ở ba thị trường: Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc với 44 dự án được chào bán trong năm 2016 cung ứng hơn 12.000 căn hộ (Condotel) và hơn 5000 căn biệt thự ra thị trường.

Trong khi đó theo TS, Lê Ngọc Tuấn - Tổng cục Du Lịch Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam đạt hai mốc kỷ lục từ trước đến nay trong năm 2016. Thứ nhất, tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất trong một năm (10 triệu lượt). Thứ hai, mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với cùng kỳ (trên 2 triệu lượt khách, tăng 30% so với năm 2015). Trong năm 2016, toàn ngành cũng phục vụ khoảng 62 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp của hoạt động du lịch đối với GDP của Việt Nam ước đạt 400.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG