Cận cảnh những trạm BOT bị tài xế phản ứng

Trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang, liên tục phải xả trạm vì tài xế phản ứng.
Trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang, liên tục phải xả trạm vì tài xế phản ứng.
TPO - Thời gian gần đây, nhiều trạm thu phí BOT ở nhiều tỉnh, thành bị tài xế phản ứng. Cho đến thời điểm hiện nay, mâu thuẫn giữa tài xế và chủ đầu tư các trạm BOT vẫn chưa được giải quyết triệt để. 

Trạm thu phí BOT Bờ Đậu, Thái Nguyên

Sáng 27/7, nhiều người dân huyện Phú Lương, Đại Từ (Thái Nguyên) đi trên 13 ô tô treo băng rôn phản đối trạm thu phí BOT Bờ Đậu - nằm trên quốc lộ 3 cũ, thuộc huyện Phú Lương.

Dù chưa đưa vào thu phí nhưng trạm này đã vấp phải sự phản đối của người dân. Bởi tại khu vực này có hai trạm thu phí chỉ cách nhau 1 km, có mức thu như nhau, thấp nhất là 35.000 đồng/lượt. Một trạm đặt tại Km 72+9300 đường cao tốc Thái Nguyên – Bắc Kạn, trạm còn lại đặt trên quốc lộ 3 cũ (Km 78 + 080).

Trạm thu phí Cầu Rác

Trạm này được xây dựng từ năm 1979 để hoàn vốn cho quốc lộ 1A. Đến năm 2009 tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh dài 16 km từ xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) đến xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) được xây theo hình thức BOT đi vào hoạt động, trạm Cầu Rác được giữ nguyên để hoàn vốn cho công trình này.

Vì vậy, trạm thu phí vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân khi họ chỉ đi qua trạm thu phí, không qua tuyến tránh màvẫn phải trả tiền. Nhiều người ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã kéo đến trạm thu phí Cầu Rác căng băng rôn phản đối gây ách tắc giao thông.

Sau đó, Bộ GTVT đã giảm 100% giá dịch vụ  đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính ở huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh lưu thông qua trạm Cầu Rác.

Ngày 4/5, gần 50 tài xế ôtô ở thị xã Kỳ Anh dùng tiền mệnh giá 500 đến 2.000 đồng để mua vé qua trạm nhằm phản đối việc thu phí qua trạm Cầu Rác. Các tài xế cho rằng bất công khi người dân huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh được miễn phí còn mình thì không.

Trạm thu phí Tam Nông

Sáng 13/3, người dân các xã Hồng Đà, Thượng Nông, Dậu Dương huyện Tam Nông, Phú Thọ đã đỗ ô tô dàn hàng ngang trước 4 làn thu phí của trạm BOT Tam Nông (Phú Thọ) trên QL32 để phản đối trạm thu phí. Bà con cho rằng trạm đặt tại vị trí vô lý, chủ đầu tư chỉ thảm lại nhựa, nâng cấp 12 km quốc lộ 32 trên nền đường cũ, nhưng thu của người dân với mức phí 35.000 - 180.000 đồng/lượt mỗi xe, ngang đường mới là vô lý.

Việc đặt trạm thu phí tại đây khiến toàn bộ phương tiện, trong đó có các xe khách từ huyện Thanh Sơn, Tân Sơn về Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) và ngược lại phải đóng phí hoàn vốn cho cả tuyến đường, dù chỉ sử dụng 12 km từ ngã tư Cổ Tiết đến cầu Trung Hà.

Trạm thu phí Bến Thủy, Nghệ An

Trong ngày 2 và 6/4, nhiều tài xế ôtô ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và thành phố Vinh (Nghệ An) đã dùng tiền mệnh giá 200, 500 và 1.000 đồng để mua vé lượt qua cầu Bến Thuỷ 1 và Bến Thuỷ 2, nhằm phản đối việc nộp phí qua đây.

Nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí cầu Bến Thủy I và trạm thu phí cầu Bến Thủy II để hoàn vốn cho các dự án: Dự án Tuyến tránh TP Vinh (dài 25 km), Dự án Nam Bến Thủy - tuyến tránh TP Hà Tĩnh (dài 35 km), Dự án Nút giao QL46 và Dự án Cầu Yên Xuân. Vì vậy, người dân ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh nếu chỉ đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 sẽ phải cõng phí cho cả các dự án phía tỉnh Nghệ An.

Ngược lại, những người dân ở Nghệ An nếu không đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 để sang Hà Tĩnh thì có thể yên tâm sử dụng miễn phí tuyến tránh TP Vinh, cầu vượt nút giao QL46 với đường sắt Bắc - Nam và cầu Yên Xuân.

Sự bất bình đẳng này khiến những người chỉ đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 bức xúc, khiến Bộ GTVT phải giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại 2 trạm thu phí trên cho phương tiện của người dân sống gần cầu.

Trạm thu phí cầu Hạc Trì, Phú Thọ

Sáng 4/3/2016, hàng chục người dân đã đưa xe ra tụ tập tại trạm thu phí cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới), để phản đối chủ đầu tư xây dựng trụ bê tông ngăn ôtô trên đường lên cầu Việt Trì cũ.

Cầu Hạc Trí có mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt đối với xe dưới 12 chỗ, vì vậy, người dân thường đi cầu Việt Trì cũ thay vì phải đóng khoản phí được cho là cao này.Vì thế, chủ đầu tư đã xây dựng 3 trụ chắn đường lên cầu cũ khiến ôtô không đi được.

Sau nhiều ngày bị người dân phản đối, tháng 7/2016, Tổng cục Đường bộ đã phải sửa chữa cầu Việt Trì để xe 7 chỗ trở xuống lưu thông qua cầu cũ.

Trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia

Ngay từ khi được thông xe, người dân thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên Huế đã phản đối trạm thu phí hầm Phước Tượng - Phú Gia đặt cách hầm 6 km.

Hầm đường bộ này ở phía Bắc của thị trấn Lăng Cô nhưng thay vì đặt ngay tại đầu thị trấn thì với cách đặt ngay cửa hầm đường bộ Hải Vân, người dân Lăng Cô khi giao thương với Đà Nẵng (phía Nam) dù không đi qua hầm vẫn phải nộp phí trạm BOT Phước Tượng - Phú Gia.

Bộ GTVT lý giải đặt trạm thu phí cách hầm 6 km để tránh ảnh hưởng tới khách du lịch đến với Vịnh Lăng Cô. Bởi nếu đặt ngay tại cửa hầm thì khoảng cách giữa trạm Phú Bài và Phước Tượng - Phú Gia quá ngắn.

Trạm thu phí Biên Hoà

Sáng 2/10, một số tài xế đã dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí BOT quốc lộ 1, tuyến tránh Biên Hòa (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) khiến giao thông qua khu vực này bị ùn tắc.

Cũng vào thời điểm trên, nhiều tài xế lái xe đưa đón công nhân bắt đầu đỗ xe ở trạm rồi đi bộ vào phòng điều hành để mua vé tháng khiến tình hình giao thông ở đây hỗn loạn, khiến chủ đầu tư buộc phải xả trạm.

Trước đó, trạm BOT này đã phải nhiều lần xả trạm do các tài xế dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm. Theo các tài xế, việc họ dùng tiền lẻ mua vé nhằm phản đối việc trạm thu phí BOT này đặt ở vị trí không phù hợp.

 Trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng 

Đầu tháng 9/2017, nhiều chủ phương tiện đã trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí quốc lộ 5 nhằm phản đối mức phí và mục đích thu phí hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội- Hải Phòng. Hiện nay, lượng phương tiện lớn nhất lưu thông trên tuyến quốc lộ 5 là xe tải. Mức phí qua trạm thực thu thấp nhất là 40.000 đồng/lượt và cao nhất là 180.000 đồng/lượt.

Trước đó, từ năm 2003, các phương tiện đi trên quốc lộ 5 phải nộp phí sử dụng đường bộ với mức 10.000 đồng/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.