Cụ thể, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, đối tượng áp dụng thí điểm gồm: Cán bộ lãnh đạo có tiêu chuẩn sử dụng ô tô phục vụ công tác chung tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; Phó chủ tịch HĐND, UBND quận, huyện thí điểm. UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian thực hiện thí điểm việc khoán kinh phí sử dụng xe công bắt đầu từ ngày 1/3/2017. Quyết định nêu rõ các đơn vị được áp dụng khoán xe công gồm Sở Tài chính, KH&ĐT, GTVT, LĐTB&XH; các quận huyện như Hà Đông, Long Biên, Thanh Trì, Gia Lâm.
Thành phố Hà Nội lưu ý các đơn vị khoán kinh phí sử dụng ô tô phục vụ công tác chung phải đảm bảo đúng đối tượng, không phát sinh tăng chi phí hành chính hằng năm, không làm ảnh hưởng việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Được biết, có 52 người được khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác chung, trong đó khối sở là 20 người và khối quận, huyện là 32 người.
Mới đây, trong cuộc làm việc với lãnh đạo HĐND thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện Gia Lâm tiếp tục kiến nghị nội dung khoán xe công. Vị này cho biết, bản thân lãnh đạo huyện rất đồng ý với việc khoán xe công, nhưng thí điểm xong phải có tổng kết, đánh giá.
“Mình cứ thí điểm xong rồi để đấy. Rất vô lý”, vị này nói. Lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng phân tích, nếu có xe công thì có vụ việc nóng, cháy nổ, đê điều thì anh em còn có phương tiện đi lại, chứ tuổi cao sức yếu không tự lái xe được, mà nửa đêm gà gáy gọi taxi nào đến chở. “Thí điểm khoán xong rồi, 4 quận huyện, 4 sở ngành. Bây giờ cứ thế. Nếu tốt thì phải triển khai đồng loạt cả thành phố. Còn không thì trở lại như cũ, trả lại quyền lợi cho anh em. Thế mới ổn chứ bây giờ cùng một thành phố mà hai chính sách”, vị này phân tích thêm.
Dù thực hiện thí điểm khoán xe công, nhưng có một việc rất vô lý là những đơn vị như Viện Kiểm sát, Tòa án, một số đơn vị ở huyện lại được cấp xe công mới, trong khi lãnh đạo huyện thì lại không có xe đi.
“Chúng tôi lãnh đạo huyện đi xe biển trắng lên họp ở Sở GTVT, Sở Xây dựng thì các ông ở đó không cho đỗ, còn định kéo đi. Ở đó cứ biển trắng là mời ra ngoài. Bảo là của lãnh đạo huyện lên họp mới để lại. Phải thấy được cái bất cập, làm việc theo nguyên tắc chứ không phải cứ làm thế rồi thế nào cũng được”, vị này nói thêm.
Trong khi đó, một lãnh đạo cấp Sở thực hiện thí điểm khoán xe công cũng cho biết, việc thực hiện chủ trương này cũng có nhiều băn khoăn, hạn chế. Đơn vị nào cũng có những khó khăn riêng. Ví dụ, như đi họp trên thành phố, nếu trời nắng thì gọi xe còn dễ, chứ trời mưa đợi mãi không có xe đi. “Ví dụ một lãnh đạo cấp sở được khoán hơn 9 triệu tiền đi lại một tháng. Sở thì nhiều công việc, phải đi cơ sở suốt. Hà Nội thì rộng, đi về Ba Vì, Phúc Thọ là đã hết tiền triệu rồi. Chúng tôi toàn phải bỏ tiền túi ra thôi”, vị này cho hay.
Cùng với đó là những bất tiện khác. Đơn cử như việc tháp tùng các đoàn vào viếng lăng Bác hay có lễ hội lớn thì công an không cho xe biển trắng vào, đành phải cuốc bộ. “Tất nhiên tiết kiệm tiền cho nhà nước, nhưng công việc chúng tôi vẫn phải làm và vẫn phải bỏ tiền túi để bù thêm”, vị này nói.
Hay như việc đi grab, taxi đi họp, nhiều khi vào tuyến đường cấm một chiều, địa điểm họp ở xa, lại phải đi mấy loại phương tiện mới đến được. Thậm chí có trường hợp đi xe biển trắng còn bị mang lên phường... “Đơn vị không thí điểm thì họ vẫn sử dụng xe công bình thường. Chỉ có mấy ông chuột bạch là khổ thôi. Tôi kiến nghị quay trở lại như cũ cho đỡ khổ. Cũng chẳng ai dám đi xe biển xanh đi lễ hội hay đi việc riêng đâu”, vị này ngậm ngùi.