Không được gì nên càng “nhũng nhiễu” hơn?
Năm 2022 có 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục là phổ biến. Con số này tăng vọt so với 57,4% của năm 2021 và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Một số câu hỏi trong bộ khảo sát như: “Hãy cho biết ý kiến của doanh nghiệp bạn về những nhận định sau trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại địa phương?” hay “Trong các đợt thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp có phải đưa quà hay trả các khoản chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra không?”, “Chi trả “hoa hồng” (chi phí không chính thức) là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu?”…
Khảo sát cũng cho thấy, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính xảy ra thường xuyên hơn với các doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ, số năm hoạt động ít và không có hoạt động xuất khẩu.
Chia sẻ với Tiền phong, GS.TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị thế giới - tỏ ra lo ngại: "Tỷ lệ chi chi phí lót tay có xu hướng giảm, mà tình hình nhũng nhiễu tăng thì có thể do không ‘được gì’ nên nhũng nhiễu, gây khó hơn".
Năm 2022 có 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục là phổ biến. Con số này tăng cao so với nhiều năm trước (ảnh: PCI 2022). |
Ông Lược cho biết, thực tế phản ánh từ báo chí vẫn thấy, nhiều lĩnh vực còn tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết hoặc làm không đúng quy định, không công bằng, khách quan với doanh nghiệp.
“Làm đúng, làm nhanh cũng không được gì, đó là vấn đề không hề hiếm trong tâm lý, thái độ làm việc của cán bộ. Họ có thể gây “nhiễu” cho doanh nghiệp bằng nhiều cách, như tăng cường kiểm tra, triển khai cứng nhắc các quy định, “ngâm” hồ sơ… hoặc nhiều cách khác”, ông Lược nói và cho rằng "kinh tế vốn khó khăn, thêm sự nhũng nhiễu, yêu sách, doanh nghiệp nào chịu được".
Cải cách thu nhập là giải pháp quan trọng
Vấn đề về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà với doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cũng từng nhiều lần được đem ra nghị trường Quốc hội.
Trao đổi với Tiền phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, xu hướng giảm chi phí không chính thức là phù hợp trong bối cảnh quyết liệt xử lý các đại án tham nhũng như vừa qua. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu khi thực thi công vụ của một số cán bộ nhà nước gia tăng khiến ông thấy băn khoăn. Theo ông, công cuộc để tạo môi trường thuận lợi, giảm tối đa những yêu sách, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp là “một quá trình dài”.
Vậy giải pháp là gì? Đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh đến trách nhiệm noi gương của người đứng đầu các cơ quan, đặc biệt những nơi dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. “Phải thay đổi hành vi nhũng nhiễu từ việc thay đổi nhận thức. Đặc biệt là người đứng đầu phải làm gương, chống nhũng nhiễu, cấp dưới noi theo”, ông Hoà nhấn mạnh.
Theo ông Hoà, cần sự phản ánh mạnh mẽ hơn từ phía doanh nghiệp để chống lại thói “nhũng nhiễu, tham nhũng vặt”… “Đừng làm thinh, đừng sợ mất lòng”, ông Hoà nói. Thực tế ông Hoà cũng hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, không ít người sợ “mất lòng”, “sợ khó làm ăn”… nếu thẳng thắn quá; cần đẩy mạnh hơn việc đưa chính quyền điện tử vào hoạt động.
“Mối quan hệ người với người vẫn tồn tại, nên bên cạnh việc thúc đẩy chính quyền số, chính quyền điện từ thì vẫn phải nâng cao nhận thức của cán bộ về vấn đề này”, ông Hoà nói thêm.
Từng phát hiện nhiều vụ cán bộ "vòi" tiền doanh nghiệp (ảnh minh họa). |
Bàn về giải pháp, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng cải cách tiền lương là quan trọng, vì lương cán bộ công chức, viên chức ở Việt Nam quá thấp.
“Nhiều người không sống đủ với tiền lương. Họ dễ có tâm lý uể oải, không có động lực làm tốt, làm nhanh. Trong khi đó, nếu như nhận tiền hối lộ sẽ vi phạm, bị xử lý. Có dầu bôi trơn thì sẽ chạy, không có thì sẽ trục trặc, đó là vấn đề cần giải quyết hiện nay”, ông Lược trao đổi và nói thêm, ngoài vấn đề thu nhập thì có tình trạng “sợ sai không dám làm”, dễ phát sinh các vấn đề như kéo dài thủ tục hồ sơ, gây khó khăn, hạch sách về thủ tục…
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - cho biết, tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính là điểm chưa đạt kỳ vọng trong PCI 2022. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế/phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.
Theo ông Công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự là một trong những ưu tiên chính sách quan trọng và nhất quán của ba nhiệm kỳ Chính phủ gần đây. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ngày càng quan tâm đến việc rà soát, loại bỏ các chồng chéo của hệ thống pháp luật, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh, hài hòa hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế.