Cắm trại dã ngoại: Niềm vui qua đi, nỗi phiền ở lại

TP - Xu hướng cắm trại dã ngoại đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ Hà Nội, đặc biệt là vào những dịp cuối tuần. Việc được thoát khỏi thành phố “sống chồng lên nhau” để tận hưởng không khí trong lành và khám phá những vùng đất mới lạ là những lý do chính khiến hoạt động này thu hút nhiều người. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nó cũng tạo ra không ít hệ lụy.

Xu hướng du lịch mới

Theo một khảo sát gần đây của Hiệp hội du lịch Hà Nội, số lượng người tham gia cắm trại tại Hà Nội đã tăng 30% so với năm ngoái. Đặc biệt, giới trẻ từ 18-28 tuổi chiếm tỷ lệ lớn nhất, lên đến 65%.

“Hội này đi cắm trại từ lúc hồ Tuy Lai (huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km) chưa có ai, giờ cứ đến cuối tuần là hai mét có một cái lều. Tình trạng đông đúc tương tự ở những địa điểm được dân phượt mách nhau như núi Hàm Lợn (Sóc Sơn), đồi Bù (nằm ở ranh giới giữa huyện Chương Mỹ, Hà Nội và huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), hồ Quan Sơn (Mỹ Đức), hồ Đồng Mô (Sơn Tây)”… Chia sẻ của phượt thủ Trần Văn Thành cũng đồng thời là “tiếng lòng” của nhiều người thích tìm về nơi vắng vẻ. Theo họ, những mảng xanh dễ thở cách Hà Nội chừng 40-60km hiện nay chỗ nào cũng đã bị “du lịch khai phá” không còn hoang sơ vắng vẻ như năm, mười năm trước.

Cắm trại dã ngoại: Niềm vui qua đi, nỗi phiền ở lại ảnh 1

Có những khu dày đặc trại nghỉ cuối tuần

Một số điểm đến và công ty du lịch nắm bắt được nhu cầu cắm trại dã ngoại của du khách đã mở rộng dịch vụ kèm tua để đón đầu xu hướng.

Theo Giám đốc Trung tâm giáo dục và dịch vụ môi trường Vườn quốc gia Xuân Thủy Nguyễn Phi Hùng, hiện tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) đã xây dựng một số khu cắm trại ở độ cao từ 400m đến 600m so với mực nước biển.

Ông cho biết trung tâm đang làm việc với các bên có năng lực để cung cấp đồ dùng cắm trại như lều và bếp nướng ngoài trời, cũng như dịch vụ hướng dẫn đi bộ đường dài và tham quan các di tích lịch sử, văn hóa của Pháp.

Cắm trại dã ngoại: Niềm vui qua đi, nỗi phiền ở lại ảnh 2

Việc đốt lửa trại, nướng đồ ăn trong rừng mà không được quản lý chặt sẽ dễ gây ra nguy cơ hỏa hoạn

Một người quản lý của khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì Mountain Retreat cũng cho biết: cắm trại dã ngoại hiện đã trở thành sản phẩm du lịch được người dân Hà Nội ưa chuộng, nhiều người đã đăng ký dịch vụ tại khu nghỉ dưỡng trong mùa hè này.

8h sáng thứ Bảy, chúng tôi có mặt tại khu vực hồ Đồng Mô, một trong những địa điểm cắm trại được giới trẻ Hà Nội yêu thích nhất. Lúc này đã lác đác có những nhóm nhỏ chuẩn bị căng lều trại. Mai Anh, một sinh viên năm 3 (ĐH Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất thích cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, trốn khỏi sự ồn ào của thành phố. Cắm trại giúp chúng tôi thư giãn, giảm stress và có thêm nhiều kỷ niệm đẹp bên bạn bè”.

Cắm trại dã ngoại: Niềm vui qua đi, nỗi phiền ở lại ảnh 3

Đối tượng chính tham gia cắm trại dã ngoại là những thanh niên từ 18-28 tuổi và các gia đình trẻ

Ở bên cạnh, Tuấn, có vẻ là trưởng nhóm bổ sung thêm: “Cắm trại không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn là cơ hội để rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường sức khỏe và khám phá bản thân”.

Tuấn cũng cho biết, nhóm của anh (8 người) thường xuyên tổ chức các hoạt động cắm trại cuối tuần. Họ khởi hành từ Hà Nội vào sáng sớm thứ Bảy, mang theo lều bạt, đồ ăn, đồ nướng, hoa quả, bia và đàn guitar. Hôm nào có thời gian, nhóm sẽ ở qua đêm, chiều Chủ Nhật về lại Hà Nội, hôm nào có người bận thì chỉ cắm trại từ sáng đến tối là đủ vui.

Niềm vui qua đi, nỗi phiền ở lại

Trong số những địa điểm cắm trại quanh Hà Nội được giới trẻ săn lùng thời gian gần đây, núi Hàm Lợn (Sóc Sơn) đứng đầu bảng về sự phổ cập. Ở đây, dịch vụ cắm trại gần như đã được hoàn thiện, và nhà cung cấp là những gia đình sống trong vùng. Đến đây, không cần lỉnh kỉnh mang theo lều bạt, ai cũng có thể thuê lều của dân địa phương với giá từ 150.000 đến 300.000 đồng/ngày và 50.000 đồng tiền củi đủ để nướng ngô, khoai, sắn lẫn thịt gà, thịt vịt.

Cắm trại dã ngoại: Niềm vui qua đi, nỗi phiền ở lại ảnh 4

Sau mỗi cuối tuần, núi Hàm Lợn ngập rác của người cắm trại để lại

Tuy nhiên, sau mỗi cuối tuần khi khách rút đi, từng gốc cây ngọn cỏ đều chừa lại toàn là rác thải ni lông và đồ ăn thừa của du khách. Vào mùa nước cạn, các con lạch tại núi Hàm Lợn tràn ngập rác, bốc mùi hôi thối. Trên các diễn đàn phượt của khách nước ngoài, trekking (đi bộ đường dài) và camping (cắm trại) ở núi Hàm Lợn đã được khuyến cáo là: phải cân nhắc kỹ với lý do “chỗ này quá nhiều rác”!

“Một trong những lo ngại lớn nhất khi cắm trại dã ngoại kiểu tự phát tràn lan như hiện nay là tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Việc vứt rác bừa bãi, đốt lửa trại không đúng cách, gây ô nhiễm nguồn nước và phá hủy hệ sinh thái là những hành vi phổ biến. Điều này không chỉ làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của các địa điểm cắm trại mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của động thực vật sinh sống tại đó”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng (Viện nghiên cứu biến đổi toàn cầu và phát triển bền vững) chia sẻ.

Chị Trần Thị Hương, một người dân sống gần khu vực hồ Đồng Mô cho biết: “Chúng tôi rất vui khi thấy nhiều bạn trẻ yêu thích thiên nhiên và đến đây cắm trại. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong các bạn sẽ ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi và giữ gìn cảnh quan chung. Một số bạn trẻ còn thiếu ý thức khi di chuyển bằng xe máy, gây tiếng ồn và làm phiền những người xung quanh”.

“Bên cạnh đó, cắm trại hoang dã cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn. Thời tiết thay đổi đột ngột, địa hình hiểm trở, động vật hoang dã và các tình huống bất ngờ khác có thể đe dọa đến sức khỏe và an toàn của những người tham gia. Đặc biệt, với những người thiếu kinh nghiệm, việc xử lý các tình huống khẩn cấp là vô cùng khó khăn”, phượt thủ Trần Văn Thành bày tỏ. Theo lời kể của anh Thành, một số các bạn trẻ vì chưa có kinh nghiệm qua đêm nơi hoang dã và thiếu kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp đã nhiều lần phải gửi tín hiệu SOS lên các nhóm phượt có kinh nghiệm để xin trợ giúp.

Hiến kế để khách chủ cùng vui

“Xu hướng cắm trại dã ngoại để đổi gió cuối tuần ngày càng lan rộng, và rất khó để dập tắt, nhất là khi kinh tế vẫn còn khó khăn, người dân ít có cơ hội thực hiện những chuyến đi xa và dài. Tuy còn manh mún, phiền lụy nhưng việc này cũng không phải không có chỗ tốt. Ít nhất, nó tạo ra sinh kế cho dân địa phương, thúc đẩy sự phát triển của du lịch. Vấn đề là phải quản lý thế nào cho tốt thôi”, tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng chia sẻ.

Là nơi có địa hình đồi núi với cảnh quan tuyệt đẹp, Hà Nội tự hào có tiềm năng rất lớn để phát triển các tua cắm trại. Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng để đảm bảo phát triển bền vững loại hình du lịch này, các quận huyện ngoại thành Hà Nội cần xây dựng chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các khu cắm trại an toàn, trong khi các công ty lữ hành cần tổ chức nhiều hoạt động khác nhau đáp ứng nhu cầu của du khách ở nhiều độ tuổi khác nhau.

“Xác định các khu vực cắm trại phù hợp, tránh những khu vực nhạy cảm về môi trường hoặc ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương, đồng thời lập kế hoạch quản lý chi tiết cho từng khu vực, bao gồm quy định về số lượng người, loại hình hoạt động, giờ giấc, bãi đậu xe, và cấp phép cho các đơn vị tổ chức cắm trại, đảm bảo họ tuân thủ các quy định về môi trường và an toàn. Song song đó, cần nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng bằng cách tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo và đặt biển báo hướng dẫn, cảnh báo tại các khu vực cắm trại”, ông Quỳnh nói thêm.

Giám đốc công ty du lịch Suvina Travel Tạ Hữu Chiến đề xuất các đơn vị cung cấp dịch vụ đưa ra khuyến cáo, dự báo kịp thời để đảm bảo an toàn cho du khách, lồng ghép hoạt động trekking, bảo vệ môi trường vào các tua cắm trại.

Phượt thủ Trần Văn Thành còn đề nghị các địa phương có địa điểm cắm trại đẹp nên hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để nhận được hỗ trợ kỹ thuật về quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch bền vững và cùng nhau tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ môi trường.

“Tôi ví dụ hồ Tuy Lai chẳng hạn, thay vì để tự do như hiện nay, nên xây dựng các khu cắm trại tập trung, cung cấp nhà vệ sinh, thùng rác và khu vực đốt lửa trại an toàn. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm như chèo thuyền kayak, câu cá, tham quan các làng nghề truyền thống để hút khách. Hoặc như núi Hàm Lợn, hoàn toàn có thể xây dựng các đường mòn trekking rõ ràng, đặt biển báo hướng dẫn và cảnh báo đồng thời tổ chức các chương trình trồng cây, dọn dẹp rác thải để bảo vệ môi trường”, anh Thành nói.

MỚI - NÓNG