Cam sành rớt giá, nông dân lỗ nặng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tháng 12 đang là chính vụ thu hoạch cam sành, nhưng giá giảm sâu khiến nông dân trồng cam tại Vĩnh Long lỗ nặng.

Vĩnh Long là một trong các địa phương có diện tích trồng cam hàng đầu ở miền Tây, nhưng vụ cam năm nay nông dân đang lâm cảnh mất giá, thương lái chẳng buồn mua. Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, vụ này ông thu hoạch khoảng 40 tấn cam sành, thương lái đến mua chỉ 2.500 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất khoảng 8.000 đồng/kg.

Cam sành rớt giá, nông dân lỗ nặng ảnh 1

Thu hoạch cam sành ở Vĩnh Long.

“Giá rớt sâu quá, đã tới ngày thu hoạch nên đành bán lỗ, không neo được. Nếu neo thêm giá cũng không tăng, ngược lại còn làm cây cam mất sức, khó phục hồi về sau” - ông Thanh nói.

Không chỉ giá thấp, thương lái cũng không mặn mà đến mua cam hoặc chỉ mua xô chứ không mua theo ký. Tại xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, nhiều vườn cam chỉ bán được với giá 2.000 đồng/kg, thậm chí thương lái còn kỳ kèo chưa chịu mua. Theo ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, do sản lượng cam vào chính vụ rất nhiều, lại chỉ tiêu thụ nội địa, khi ế ẩm, người dân phải mang ra chợ, bán lề đường, từ 4.000- 7.000 đồng/kg nhưng sức mua không cao.

Theo các thương lái, từ nay đến cuối năm, giá cam sành khó có thể cải thiện bởi thị trường các tỉnh phía Bắc đang bước vào mùa lạnh, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Các tiểu thương cũng cho biết, họ chỉ mua đi bán lại cầm chừng…

Thông tin với PV Tiền Phong, đại diện Hợp tác xã (HTX) Cam sành Khánh Nhân (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, khoảng 1 tháng nay, giá cam tại vườn chỉ khoảng 3.000 đồng/kg. Theo ước tính, chi phí sản xuất cho 1 công (1.000m2) cam khoảng 100 triệu đồng; nếu năng suất khoảng 10 tấn, với giá bán 3.000 đồng/kg, nông dân lỗ 70 triệu đồng.

Nguyên nhân giá cam sụt giảm mạnh được xác định do thị trường tiêu thụ ít, trong khi diện tích trồng cam ngày càng mở rộng. Bình thường HTX cung cấp cho thị trường mỗi ngày 80 tấn nhưng hiện nay tối đa chỉ được 15-20 tấn. Riêng thị trường TPHCM trước đây mỗi ngày bán ra 20 tấn, hiện chỉ được một vài tấn… “Cam trên cây còn quá nhiều, có người không bán ký nữa mà họ bán xô luôn, không thì chờ rụng thôi. Chúng tôi cũng đã gửi thư ngỏ nhờ huyện, tỉnh và các bạn hàng ở Hà Nội hỗ trợ trong việc thu mua” - vị này nói.

Những năm gần đây, diện tích trồng cam sành ở Vĩnh Long tăng mạnh do lợi nhuận hấp dẫn, có lúc giá từ 13.000-18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do diện tích phát triển nóng (hiện có 18.000ha), nếu sản xuất rải vụ quanh năm, sẽ cung cấp khoảng 3.000 tấn cam/ngày, rất khó tiêu thụ. Trong khi đó, nông dân áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác nên năng suất cam sành không ngừng cải thiện. 5 năm trước, mỗi ha cam sành cho thu hoạch khoảng 36 tấn, giờ đã lên hơn 44 tấn, cá biệt có nhiều vườn đạt gần 100 tấn/ha. Sản lượng cam sành của Vĩnh Long vượt 900.000 tấn/năm.

Đại diện Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết, sản lượng cam sành tăng nhưng chi phí đầu tư sản xuất cũng tăng mạnh. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phương tiện, công lao động, giống… đều tăng rất cao. Bình quân giá thành sản xuất gần 8.000 đồng/kg, tương đương trên 350 triệu đồng/ha, chưa tính chi phí thuê đất từ 50-80 triệu đồng/ha/năm.

Diện tích và sản lượng cam sành tăng mạnh trong khi sức mua yếu dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân muốn chuyển đổi sang trồng cam phải nghiên cứu kỹ điều kiện nông hộ của mình; trồng cam trên đất ruộng phải tập trung theo vùng có điều kiện, tránh tràn lan, da beo, khó quản lý nước và các điều kiện khác...

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.