Tiến tới Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 59-2018:

Cảm nhận trên đường chạy Tiền Phong 2018 của một “runner”

Hồng Thủy (trái) bên Tượng đài Chiến thắng, ngã 6 Buôn Ma Thuột trong một buổi tập chạy. Ảnh:NVCC.
Hồng Thủy (trái) bên Tượng đài Chiến thắng, ngã 6 Buôn Ma Thuột trong một buổi tập chạy. Ảnh:NVCC.
TP - Sau 18 năm, Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong mới trở lại với thành phố Buôn Ma Thuột. Trong quãng thời gian đó, rất nhiều sự thay đổi đã diễn ra trên vùng đất Ban Mê. Tiền Phong giới thiệu cảm nhận của một “runner” (người chạy) trên cung đường tuyệt đẹp của thành phố sẽ diễn ra giải đấu vào ngày 25/3 tới.

Sinh ra và lớn lên tại Buôn Ma Thuột nhưng tôi lại bắt đầu môn chạy bộ tại thành phố mang tên Bác. Đã tham gia nhiều giải phong trào theo cự ly tăng dần như DNIM 2017 (10km), Long Biên Marathon 2017 (Half-Marathon), Techcombank Ho Chi Minh International Marathon 2017 (Half Marathon), HCM Marathon 2018 (Marathon) nhưng tôi chưa từng mơ một lần được chạy cùng các VĐV điền kinh chuyên nghiệp ở một giải quốc gia như Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong.

Cơ hội đến khi giải năm nay mở rộng cho các VĐV phong trào tham gia với cut-off time (thời gian được phép thi đấu, VĐV quá thời gian này bị buộc dừng thi đấu và không được tính thành tích) mà tôi có thể đạt được (dưới 6 giờ cho nữ). Một điều đặc biệt nữa là nơi diễn ra giải lại là Buôn Ma Thuột quê hương tôi. Thế là tôi quyết định đăng ký và lên kế hoạch tập luyện ngay sau giải HCM Marathon.

Cảm nhận trên đường chạy Tiền Phong 2018 của một “runner” ảnh 1 Bản đồ cung đường chạy cùng các thông số thời gian chạy, tốc độ chạy trung bình và quãng đường chạy của Hồng Thủy tại Buôn Ma Thuột ngày mùng 2 Tết. Ảnh: NVCC.

Vì giải diễn ra sau Tết cổ truyền nên còn gì tuyệt vời hơn khi Tết này vừa về thăm nhà vừa được chạy thử cung đường của giải. Vì vậy hành lý tôi mang về Ban Mê ăn tết là 3 đôi giày chạy và 1/2 vali là quần áo và phụ kiện chạy bộ.

Cảm giác thoát ra được con đường đầy sỏi và bụi quanh nhà vào mỗi sáng ở quận 8 để hoà mình vào các con đường đầy dốc và gió nhưng rộng thênh thang của Ban Mê thật sảng khoái, bằng chứng là về quê 7 ngày thì sáng sớm tôi chạy long nhong ngoài đường hết 5 ngày (tự nhủ mọi người nhìn mình như thú quý hiếm khi nhong nhong chạy ngoài đường mấy ngày Tết).

Những buổi đầu tôi chỉ chạy nhẹ để làm quen với khí hậu và địa hình đồi dốc nên tôi thường hoàn thành trước khi nắng lên. Ngày chạy trên cung đường Nguyễn Tất Thành nơi giải đấu diễn ra sẽ là ngày chạy dài với cự ly dự định 30km. Cung đường là những vòng lặp với 2,5km lên dốc và 2,5km xuống dốc, có độ cao chênh nhau chừng 30m. Những tưởng thời tiết cao nguyên sẽ thuận lợi hơn thời tiết đồng bằng vì khí hậu mát mẻ, nhưng thực tế không như mong đợi. Sáng sớm bước ra khỏi nhà thì thời tiết lạnh teo và gió thì vù vù, nhưng chỉ sau 7 giờ sáng thì trời lại quay ngoắt nắng gắt và nóng cứ thốc vào mặt.

Chưa từng chạy đồi dốc nhưng với kinh nghiệm chạy qua nhiều cây cầu trong đó cây cầu dốc nhất mà tôi từng leo là cầu Phú Mỹ với độ cao 50m, tôi tự tin cho là mình có thể “xử lý” được con dốc này. Tuy nhiên sau khi chạy một vòng tôi mới thấy là nó không dễ nuốt như tôi nghĩ. Đặc biệt là đoạn gần chỗ quay đầu tượng đài ngã sáu, tôi ước lượng nó phải đến 500m dốc nhất. Chạy xuống thì băng băng ở tốc độ 5 phút 30 giây/km nhưng khi lên lại thì ôi thôi chỉ có thể bò như rùa ở pace (tốc độ) 7 phút/km nếu không muốn “gãy gánh” giữa đường ở các vòng tiếp theo.

Ban đầu tôi nghĩ chạy 42km là quay vòng 8 lần cho nguyên cung đường 5km chắc ngán ngẩm chết mất, nhưng khi vào chạy tôi mới nhận ra độ hấp dẫn của cung đường này khi ta phải vượt qua 2,5km dốc và gió ngược chiều lên để tận hưởng cảm giác phấn khích đổ dốc liên tục với tốc độ dưới 6 phút/km. Trong đầu tôi lúc đó cứ vang lên câu hát “Có cái nắng, có cái gió, có cái dốc... ôi mê ly người ơi “.

Lúc mới bắt đầu đề pa chạy, đứng đầu cung đường mà nhìn thẳng tắp cuối cung đường thấy tâm lý hơi bấn loạn vì dốc cao và gió mạnh, nhưng khi nhập cuộc tôi mới thấy lợi thế của cung đường sạch sẽ, không khói bụi, mặc dù leo dốc mệt. Không khí rất trong lành vì được hoà quyện giữa núi đồi, cây cối và các dòng suối quanh thành phố, nên mình thoải mái há to miệng ra mà hít oxy. Kết thúc bài tập 30km mà bản thân có rất ít mồ hôi, áo chưa ướt hẳn nên không lo tình trạng mướt mồ hôi đứng trong gió sẽ bị cảm lạnh.

Nuốt trọn 30km theo kế hoạch của HLV trên một cung đường quê nhà đầy thử thách có thể được cho là một thành tích (PR) đáng kể của bản thân. Ra khỏi nhà lúc trời tối và về tới nhà lúc nắng chói chang đã thấy cả bố và mẹ ra đứng ngóng ở cổng (chắc sợ con gái xinh đẹp bị ai đó bắt cóc mất). Mẹ thì lẩm bẩm suốt ngày “con gái mà chạy thế thì chết dọc đường à?”, còn bố thì mấy ngày liền gặp ai cũng khoe “mùng 2 nó mới chạy 30km đó, sắp tới giải Việt dã báo Tiền Phong ở Ban Mê ngày 25/3 nó chạy 42km luôn!”.

Sau khi trải nghiệm chạy cung đường của Giải Báo Tiền Phong mấy ngày qua, kèm những lời giới thiệu hơi bốc tới nóc của bố với bạn bè, trở lại thành phố mang tên Bác tôi sẽ phải tích cực tập luyện nhiều hơn nữa. Ưu tiên số một sẽ là tìm hiểu thêm một số bài tập bổ sung để xử lý leo - đổ dốc. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ lên phương án chống lạnh sáng sớm và chống nắng nóng lúc mặt trời lên. Ngoài ra, dinh dưỡng trong lúc chạy cũng quan trọng không kém. Mục tiêu là hoàn thành trước thời gian cut-off của giải cũng như không bị quá mệt để luôn luôn xuất hiện xinh tươi trước các ống kính “phó nháy” trên cung đường quen thuộc ở quê nhà Ban Mê!

À bật mí thêm với mọi người là nếu được chạy cùng một nửa kia của mình ở chính ngay trên quê hương mình thì việc phá được PR của bản thân không thành vấn đề nhé! Điển hình là vài ngày sau, tôi đã hoàn thành 5km đổ dốc và 5 km leo dốc cao hơn cung đường Giải Báo Tiền Phong nhiều với tốc độ 6 phút/km cùng với một nửa kia của mình mà bản thân không thấy mệt gì cả.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.