Cầm cố để có tiền tiêu Tết, trả lương

TP - Thời điểm sát Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các tiệm cầm đồ tại các con phố như Lê Thanh Nghị, Láng, Nguyễn Quý Đức… (thành phố Hà Nội) nhộn nhịp khách hàng đến cầm cố tài sản để trang trải nợ nần, chi tiêu nóng.

Đường Láng - nơi có hàng chục cửa hàng cầm đồ tại Hà Nội những ngày cuối năm tấp nập khách ra vào. Lúc 9h30 sáng ngày 1/2, bạn Nguyễn Văn Minh, sinh viên một trường đại học tại quận Cầu Giấy dắt chiếc xe máy đến cửa hàng cầm đồ số 688 đường Láng để cầm cố. Thấy Minh, bà chủ đon đả, hỏi han nhu cầu của khách. Chỉ cần 10 phút làm thủ tục, trao lại những thứ giấy tờ cần thiết, cậu sinh viên nhận số tiền 2 triệu đồng cùng giấy hẹn.

Cầm cố để có tiền tiêu Tết, trả lương ảnh 1 Bạn Nguyễn Văn Minh làm thủ tục, cầm cố chiếc xe máy

Minh cho biết, do cuối năm có nhiều khoản phải chi tiêu như mua quần áo, tất niên, vé về quê… nên số tiền bố mẹ gửi không đủ, buộc phải cầm chiếc xe máy. “Không muốn bố mẹ lo lắng, em cầm cố tạm. Vừa có tiền, xe mình lại được trông hộ vì để ở phòng trọ không yên tâm. Ra Tết, dành tiền em sẽ chuộc lại. Nhiều bạn của em không có tiền về quê, còn cắm cả thẻ sinh viên”, Minh nói.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, không chỉ sinh viên, nhiều người là chủ các cửa hàng, giám đốc Cty vì cần khoản tiền lớn, cũng phải đưa ô tô, sổ đỏ nhà đất cầm cố. Anh Trần Trường Thắng, chủ một cửa hàng ăn uống tại quận Hà Đông cho biết, mình vừa phải mang chiếc ô tô ra tiệm cầm đồ ở phố Nguyễn Quý Đức vay nóng 200 triệu đồng để thanh toán lương, thưởng cho nhân viên. “Năm vừa rồi, vì dịch bệnh COVID-19, doanh thu của cửa hàng sụt giảm mạnh, số tiền tích trữ đã dùng hết. Cuối năm, dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi cũng cố gắng thu xếp khoản thưởng cho nhân viên về quê. Nếu vay ngân hàng thủ tục rất khó và lâu”, anh Thắng nói thêm.

Mang tập giấy tờ nhà đến cầm cố tại tiệm cầm đồ trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), anh Lê Văn Minh, giám đốc một Cty xây dựng chia sẻ, nhiều đối tác vì khó khăn, chưa thanh toán kịp nên anh đành cầm sổ đỏ, lấy tiền trả lương, thưởng Tết nhân viên. “Tôi muốn vay khoảng 500 triệu đồng, lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày thì khoản lãi là 2,5 triệu đồng/ngày. Mức lãi cao hơn vay ngân hàng, nhưng thủ tục nhanh gọn, có tiền giải quyết công việc. Nếu không làm như vậy lấy đâu tiền trả lương thưởng cuối năm, chẳng lẽ lại nợ nhân viên?”, anh Minh nói.

“Dìm” giá trị tài sản

Lượng khách tăng, chủ các hiệu cầm đồ vô tư dìm giá vật dụng, xe cộ cầm cố, nâng lãi suất cao ngất ngưởng. Tại tiệm cầm đồ 432 đường Láng, nhân viên trực ở cửa hàng hai tuần nay tất bật với công việc do lượng khách mang xe máy đến đặt nhiều gấp 2-3 lần so với ngày thường. Một nhân viên cho hay, cuối năm là thời điểm ăn nên làm ra. Từ giữa tháng Chạp Âm lịch, số lượng xe máy mang đến cầm đồ tăng nhanh. Tuy nhiên, cũng có nhiều sinh viên, công nhân do không có chỗ gửi xe máy, để tại nhà trọ, lo mất, cũng mang đến tiệm cầm đồ. Những người này thường chỉ cầm lấy từ 1-2 triệu đồng, để trả lãi ít.

Theo một nhân viên cửa hàng cầm đồ tại đường Láng, thường ngày, khách cầm ô tô, xe máy chỉ ở mức 2.000 đồng/triệu/ngày, nhưng cuối năm, mức giá tăng vọt lên 5.000-7.000 đồng/triệu đồng/ngày. Tính ra, lãi suất đang đạt tới 180%-252%/năm, cao gấp nhiều lần so với lãi suất cho vay tối đa theo quy định. Các cửa hàng cầm đồ hiện lách luật bằng cách thu lãi trước, trừ ngay vào khoản tiền cho khách vay.

Luật sư Nguyễn Văn Thanh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, khoản 1 điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Pháp luật còn quy định, nếu ai đó cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu tội danh Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt thấp nhất với tội danh này là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

“Thực chất của cầm đồ chính là “vay nóng”, vay nặng lãi. Tuy vậy, do lãi suất cầm đồ thường thấp hơn “vay nóng” nên được nhiều sinh viên, công nhân, người lao động lựa chọn. Cầm đồ chỉ giải quyết vấn đề tiền bạc trước mắt song mang đến những gánh nặng lâu dài. Việc cầm cố giấy tờ quan trọng của cá nhân có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”, luật sư Thanh nói thêm.

MỚI - NÓNG