Cái tết đoàn viên của người đàn ông "phượt" 5.800km sang tận Pakistan

Vừ Già Pó ngày đoàn tụ.
Vừ Già Pó ngày đoàn tụ.
Từ một thanh niên Mông suốt ngày quanh quẩn với ruộng nương, Vừ Già Pó bỗng chốc nổi tiếng theo cái cách không giống ai. Cho đến hôm nay, được ăn cái tết đầu tiên sau hành trình tha phương lưu lạc, anh mới hiểu được giá trị hạnh phúc đích thực cuộc đời mình.

Bỗng dưng... nổi danh như cồn

Có lẽ, nếu không có sự việc xảy ra hồi đầu năm 2014, thì cũng không mấy người biết được, vùng cao núi đá lởm chởm Mèo Vạc, bên cạnh cái chợ tình Khau Vai nổi tiếng cả nước với những điệu múa, khèn Mông say đắm lòng người, men say rượu ngô ngây ngất, còn có thêm một nhân vật nữa cũng nổi tiếng không kém được biết đến, đó là Vừ Già Pó.

Gần như Vừ Già Pó chưa bao giờ nghĩ đến việc được phiêu du đây đó, thậm chí thành phố Hà Giang cũng chưa được đặt chân. Thế nhưng, Vừ Già Pó... bỗng được đi hẳn... 6.000km trong tình trạng không ba lô, không a lô, không tiền đô, không ô tô, để khi mọi người thân gần như tuyệt vọng vì mất tăm tung tích thì Pó lại trở về bằng máy bay từ đất nước Pakistan xa xôi, như một câu chuyện thần thoại.

Điều khiến mọi người nhớ nhất khi nghe kể lại hành trình không tưởng của Pó chính là một niềm tin gần như bất diệt về ngày về đoàn tụ với gia đình, giữ vững một tính cách hiền lành, chất phác, nhưng hiên ngang như tính cách của những người con bất diệt trên Cao nguyên Đá.

Câu chuyện phiêu lưu của anh đã từng được chúng tôi phản ánh rõ nét qua những ký sự dài kỳ trên báo điện tử Dân trí vào đầu năm 2014. Hồi đó, khi tiếp xúc nghe Pó kể chuyện, chính chúng tôi cũng chưa thể lý giải được với biết bao câu hỏi được đặt ra: Anh đã đi qua những đâu? Anh đã gặp những chuyện gì? Anh làm cách nào để tồn tại trong suốt hơn 2 năm qua khi trên người chỉ có mỗi bộ quần áo rách nát?... Cho đến hiện tại, câu chuyện vẫn còn luôn nóng bỏng, và mảnh đất Lũng Lầu cũng được khá nhiều người biết đến khi ở đó có một Vừ Già Pó với kiểu nổi tiếng cả nước theo cách không giống ai.

Tôi sợ lắm rồi

Vừ Già Pó của những ngày đầu năm 2015 trông đen hơn, gầy hơn, và thỉnh thoảng lại thở hắt ra từng cơn, do hậu quả của việc xả láng be bét với rượu và thuốc lào từ lúc trở về, cho bõ những tháng ngày lang thang và phải ''cai'' cái thú vui này suốt 2 năm trên đất khách quê người, chỉ có ánh mắt là tự tin và rạng rỡ hơn nhiều...

Đã gần một năm, nhưng Pó vẫn chưa bao giờ quên được ký ức kinh hoàng về cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ mà đầy bão táp của mình.

PV: Giờ nếu có cơ hội anh có đi tiếp không?

Vợ con của tôi đây rồi, quê hương của tôi đây rồi, nhà của tôi đây rồi, tôi không đi đâu hết (cười)!

PV: Gia cảnh của anh vẫn còn quá nghèo mà, đi làm thuê lương cao hơn hẳn đó chứ? Nếu có người rủ anh đi sang bên kia làm thuê tiếp?

Giờ ai rủ, hoặc kể cả không rủ nhưng tôi tình cờ biết chuyện, sẽ báo công an bắt ngay tức khắc, đừng hòng ai lừa tôi được nữa, tôi sợ lắm rồi.

PV: Anh có thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại?

Hai năm phiêu bạt, có những lần suýt chết, tôi thèm được nghe tiếng gọi cha của các con, thèm được quây quần bên bếp lửa cùng gia đình, lúc đi làm về thấy mọi người chạy ra đón, thèm nghe tiếng khèn mời gọi bạn trên đỉnh núi...

Giờ chỉ biết cố gắng làm lụng để mua bò, làm nương, lo cho các con ăn học đầy đủ, với tôi đó là cuộc sống hạnh phúc, là những ngày vui nhất trong đời...

PV: Tết này anh đã chuẩn bị được gì cho gia đình?

Cũng không có gì nhiều nhà báo à, đủ ăn, mua cái áo mới, và mua thêm ít thịt ngựa, vài con gà, chai rượu... cũng đủ ấm cúng.

Quan trọng nhất là được đón tết cùng gia đình, đồng bào tôi, trên quê hương Mèo Vạc, một cái tết đúng nghĩa, thứ mà đến giờ tôi mới hiểu được hết giá trị của nó. Năm đầu tiên, cảm nhận không khí tết rất rõ rệt khi thấy khắp nơi đều treo đèn lồng, câu đối màu đỏ, những lúc như vậy cảm thấy nhớ nhà, nhớ vợ con da diết. Tết năm thứ 2 bị giam cầm ở Pakistan, tôi thậm chí từng nghĩ mình hết đường về, bi quan quẫn trí tự tử, may còn sống sót, vì tôi biết mọi người ở nhà đang mong chờ (cười).

Sức sống mới trên Cao nguyên Đá

Vừ Già Pó. 

Vừ Già Pó. 

Tháng 5/2014, Vừ Già Pó trở về Mèo Vạc, có bóng dáng người đàn ông trụ cột trong gia đình, người con trai lớn mới học lớp 7 Vừ Mí Sua không còn phải chịu cảnh vất vả thay cha gánh vác mọi việc lớn trong gia đình, đã yên tâm tập trung học hành trở lại. Các con nhỏ khác cũng không còn cảnh khóc gọi tên bố mỗi khi đêm về, người vợ hiền tần tảo Ly Thị Lía cũng yêu đời hơn, yên tâm cùng chồng ngày lên nương trồng ngô, chăn bò, rảnh rỗi lại đi dựng nhà, trát vữa...

Nhẹ nhàng ngồi xuống bên chồng, Lía nói chuyện đầy tự tin: ''Từ ngày anh về, gia đình đỡ vất vả, do đã vay mượn chuộc lại nương, không còn bỏ bê như trước nên ngô thu được nhiều hơn, vừa rồi cũng sắm sửa được chiếc ti vi mới. Gia đình cũng được nghe chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước. Thậm chí còn được nhìn thấy anh Pó cùng mọi người trên ti vi nữa cơ. Mới đây, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi còn mua thêm được một con bò''. Đợt vừa rồi, có công trình xây dựng nông thôn mới, Vừ Già Pó cùng với 10 thanh niên làng đã được nhận thi công công trình. Làm một tháng thì hoàn thành, số tiền công thu về được 28 triệu đồng, Pó cười sung sướng: ''Tốt hơn nhiều so với đi làm thuê rồi. Không bị đánh đập, không bị bỏ đói, được gần gia đình và đồng bào mình... ''.

Vừ Già Pó dự định sẽ mua thêm bò, thêm nương, mua quần áo mới cho các con, và hy vọng năm sau mình sẽ tìm được nhiều công việc mới hơn trên đất Mèo Vạc, bên cạnh chuyện nương rẫy, sẽ cố gắng phấn đấu làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương. Có một đặc điểm dễ nhận thấy, trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh cứ một chốc lại nhắc: ''Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn các nhà báo''.

Tôi thấy, ý chí mãnh liệt đã trở lại và hun đúc trong mỗi câu nói, mỗi cử chỉ của anh thanh niên dân tộc Mông hiền lành chân chất này. Anh đã có niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn, một cuộc sống mới. Điều quan trọng nhất, Pó đã trở về, và anh cũng như Lía, các con đang tích cực đón một cái tết mới sum vầy, đầm ấm, sau hơn 2 năm phiêu bạt, và... 6.000 km xa cách.

PV: Xin chúc mừng anh!

MỚI - NÓNG