Dịch COVID-19 đã trì hoãn công cuộc sản xuất của nhiều bộ phim được đón chờ, buộc các rạp chiếu đóng cửa và các công ty phải thay đổi ngày, và thậm chí cách phát hành phim.
Mặc dù việc quay phim đã bắt đầu trở lại, và việc kiểm tra dịch tễ diễn viên và thành viên ê-kíp trở thành lẽ đương nhiên, Hollywood về căn bản vẫn phải đối mặt với nhiều đình trệ do sự xuất hiện của những ca nhiễm mới, nổi bật gần đây là trường hợp của diễn viên Robert Pattinson trên trường quay “The Batman” tháng Chín vừa rồi.
Trong khi các công ty sản xuất phim tiếp tục chật vật, tác động của dịch bệnh cũng không chừa cả các rạp chiếu phim, nơi luôn cần những sản phẩm mới để tiếp tục thu hút người xem và đối đầu với các trang phát trực tuyến như Netflix, Amazon và Hulu.
Những hãng phim có khởi chiếu phim năm 2020 vừa rồi đã chọn hai phương án khác nhau, cả hai đều ảnh hưởng tới ngành chiếu phim. Một vài hãng quyết định bỏ qua hoàn toàn các rạp chiếu, và thẳng tiến tới các dịch vụ phát phim online tính phí. Nếu bình thường các rạp chiếu phim và hãng phim sẽ chia đôi tổng doanh thu của một phim, nếu phát hành trực tuyến các hãng phim lại được hưởng phần lớn– khoảng 80%. Tức là phát hành trực tuyến hấp dẫn hơn với các hãng phim
Hãng Universal đã làm thế với một vài phim của họ năm vừa rồi, bắt đầu vào tháng Tư với “Trolls World Tour” (Quỷ lùn tinh nghịch), được khởi chiếu trên các dịch vụ phát phim theo yêu cầu vào ngày mà đáng lẽ nó phải lên màn bạc. Họ cũng đã dời một số phim như “The Invisible Man” (Kẻ vô hình) và “The Hunt” (Săn lùng) lên TV.
Disney cũng theo bước ngay sau đó với “Mulan” (Hoa Mộc Lan), sau nhiều lần hoãn lịch khởi chiếu. Chỉ những rạp chiếu phim ở châu Á mới chiếu bộ phim, trong khi đó Mỹ và châu Âu chỉ có thể xem được “Mulan” trên dịch vụ Disney+.
Hơn thế nữa, “Mulan” không thu lại được nhiều doanh thu như đã dự tính vào thời điểm tiền Covid-19. Đối với các rạp chiếu phim, điều đó như thể là một lát nhỏ hơn của một cái bánh đã nhỏ sẵn.
Trong khi đó, những hãng phim khác đã quyết định “đâm đầu làm tới” và vẫn cho ra mắt phim như thường ở các rạp chiếu phim quốc tế và một số rạp Mỹ nhất định, ví dụ như “Tenet” (ở Việt Nam tên phim để nguyên không dịch) của Christopher Nolan. Bộ phim đã thu về thành công tạm ổn ở phòng vé, với 20 triệu USD vào tuần đầu tiên khởi chiếu.
Cho đến giờ, doanh thu toàn cầu của “Tenet” đã lên tới 300 triệu USD, tuy nhiên những con số của nó đánh dấu một vấn đề nan giải của các rạp chiếu phim: Khán giả vẫn bày tỏ ái ngại với việc quay trở lại rạp chiếu phim. Tại Mỹ, nơi các ca nhiễm mới vẫn xuất hiện mỗi ngày, chỉ có một số rạp chiếu phim lớn được phép mở cửa trở lại. Có ba bang, trong đó bao gồm New York, vẫn chưa có rạp chiếu phim nào hoạt động.
Theo Mooky Greidinger, CEO của Cineworld, các hãng phim vẫn đang chần chừ bởi vì vẫn còn quá nhiều rạp chiếu phim đóng cửa không chỉ ở Mỹ, mà vòng quanh thế giới. Những quy định ở những vùng này đang ngăn chặn việc công chiếu phim, và ngoài ra, để rạp chiếu phim có thể mở trở lại thì cũng cần phải có phim mới, hiện nay đang bị thiếu hụt trầm trọng.
“Chúng ta hiện giờ giống như một cửa hàng tạp hóa mà không hề có sản phẩm gì để bán - Greidinger nói - Những rạp chiếu phim nào được cho phép đều đang đón chờ khách… nhưng không có phim mới nào cả”.
Nhà phân tích truyền thông Rich Greenfield nói rằng tần suất ghé thăm giảm có nghĩa là người xem chưa sẵn sàng quay trở lại rạp chiếu phim, và điều này đã buộc Hollywood nhận ra rằng chúng “đã không còn là một cơ chế kiếm tiền khả thi cho phim của họ nữa”, ít nhất khi Covid-19 vẫn hoành hành.
“Hollywood đang bối rối như một con nai trước đèn ô tô vậy. Họ không thể cho ra mắt phim ngoài rạp. Nhưng họ cũng không thể bán chúng thẳng cho người xem, bởi vì như thế họ sẽ không thể thu lại đủ lợi nhuận” - Greenfield nói - Chỉ tồn tại hai lựa chọn: Hoặc bạn làm giống Netflix, hoặc bạn ngồi đợi. Và giờ hầu hết các hãng phim Hollywood truyền thống đang chọn cách đợi”.
Hiệp hội Chủ rạp Quốc gia, Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ, cùng với Hiệp hội Điện ảnh và hơn 70 đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch đã gửi thư yêu cầu các lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện giang tay cứu trợ các rạp chiếu.
“Các rạp chiếu phim đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Nếu không sớm tìm được giải pháp, các rạp chiếu phim có thể không tồn tại được trước tác động của đại dịch”, họ viết, các rạp chiếu phim cần sự hỗ trợ cụ thể tùy vào hoàn cảnh của họ. Chúng tôi kêu gọi các bạn hãy cùng nhau chung tay cung cấp sự hỗ trợ này”.
Bức thư này, với sự ủng hộ của những đạo diễn nổi tiếng như Sofia Coppola, Lee Daniels và Clint Eastwood, nêu ra rằng 93% các công ty chiếu phim đã hứng chịu thua lỗ lên tới 75% trong nửa sau của năm 2020.
“Nếu tình trạng này tiếp tục, 69% các rạp chiếu phim cỡ trung và nhỏ có thể sẽ bị buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản, hoặc chấp nhận đóng cửa vĩnh viễn, và 66% người làm trong ngành chiếu phim sẽ mất việc”. Bức thư viết. “Chúng ta không thể đánh mất những giá trị xã hội, kinh tế và văn hóa mà rạp chiếu phim đã trao cho chúng ta”.
Theo Greenfield, trong những năm gần đây, ngành chiếu phim đã gặp nhiều khó khăn với sự thâu tóm của những dịch vụ phát phim online, và rồi giờ sự xuất hiện của COVID-19 càng làm cho nó khó thể sống sót một cách vẹn toàn.
Ông dự đoán rằng trải nghiệm ra rạp xem phim sẽ có thể biến thành giống một sự kiện hơn, giống như đi dự hòa nhạc hoặc một trận đấu thể thao. Nếu như vậy, vé xem phim sẽ đắt hơn, nhưng sẽ bao gồm nhiều dịch vụ độc quyền khác để có thể đối đầu với các dịch vụ xem phim tại nhà.