Cài đặt phần mềm 'Hệ thống bảo vệ Bộ Công an' nhiều người bị lừa đảo

TPO - Các đối tượng tự xưng là công an, gọi điện thông báo cho các nạn nhân liên quan đến một vụ án và yêu cầu hợp tác điều tra bằng cách cài phần mềm “Hệ thống bảo vệ Bộ Công an”. Qua đó, chiếm đoạt tiền của nhiều người.  

Ngày 31/12, thông tin từ Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, cơ quan này đang đang xác minh làm rõ các đối tượng tự xưng Bộ Công an để lừa đảo nhiều nạn nhân trên địa bàn.

Theo đó, chị N.T.A (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, An Phú, An Giang) cho biết, vào khoảng 10h30 ngày 23/12, chị nhận được cuộc điện thoại xưng là nhân viên Bưu điện TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) thông báo, chị có thư bảo đảm nhưng sao không nhận và đề nghị mở thư đọc nội dung cho chị A. nghe.

Nội dung thư, thông báo chị này đang nợ Ngân hàng Saigonbank 36,8 triệu đồng và đề nghị giúp chị A. kết nối đến đường dây của Bộ Công an tại Hà Nội để hỗ trợ điều tra. Mặc dù, chị A. khẳng định mình không có tài khoản mở tại ngân hàng này.

Sau đó, có một người tự xưng là “Trung úy Thắng”, thuộc Đội Cảnh sát điều tra phòng chống ma túy yêu cầu chị A. cung cấp thông tin cá nhân như: Số CMND, ngày cấp, nơi cấp, số điện thoại...và khẳng định chị A. có liên quan đến đường dây rửa tiền đến hơn 120 tỉ đồng và có thể bị bắt, truy tố. Đồng thời, yêu cầu chị này không được trao đổi với ai ngoài cơ quan điều tra.

Tiếp theo, đối tượng yêu cầu chị A. cài phần mềm “Hệ thống bảo vệ Bộ Công an”. Sau khi cài đặt xong, trên màn hình hiển thị giao diện có chữ “Bộ Công an”. Đối tượng hướng dẫn chị điền các thông tin gồm: Tên, số CMND, tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu… vào “phần mềm của Bộ Công an”. Đồng thời, gửi thêm tiền vào tài khoản để chứng minh nguồn tiền hợp pháp. Chị A. nghĩ tiền cũng chuyển vào tài khoản của mình nên đã chuyển vào 204 triệu đồng.

Cài đặt phần mềm 'Hệ thống bảo vệ Bộ Công an' nhiều người bị lừa đảo ảnh 1 Phần mềm mà các đối tượng yêu cầu nạn nhân cài đặt để lừa đảo - Ảnh: Công an An Giang.

Không dừng lại ở đó, đối tượng liên tục hối thúc nạn nhân gửi thêm tiền nên chị A. đến phòng giao dịch Ngân hàng VietinBank kiểm tra thì thấy số tiền hơn 200 triệu đồng đã được đối tượng chuyển sang tài khoản mang tên DAU NGOC NHAT, số tài khoản 19034235510017 mở tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam. Lúc này chị A. mới biết bị lừa đảo nên đến cơ quan Công an trình báo.

Cũng với thủ đoạn tương tự, vào ngày 20/12 chị N.T.D bị một đối tượng gọi điện thoại nói rằng chị D. bị người khác dùng thông tin cá nhân để mở tài khoản ngân hàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có khả năng bị bắt giảm, yêu cầu chị D. chuyển tiền chứng minh thu nhập để đối tượng giúp chị minh oan. Tin là thật nên chị D. đã chuyển số tiền 88 triệu đồng.

Theo cơ quan Công an, quy định pháp luật hiện hành Cơ quan điều tra không tiến hành làm việc, thu giữ tài liệu, tang vật, tiền, lấy lời khai... qua điện thoại, mạng xã hội (zalo, facebook). Việc tạm giữ tài sản, đồ vật luôn được lập biên bản theo quy định và có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao, giả danh cơ quan Công an các cấp, thủ đoạn tinh vi có kịch bản rõ ràng và mang tính chất có tổ chức phân công vai trò cụ thể của từng đối tượng để tác động tâm lý gây hoang mang lo sợ cho các nạn nhân. Từ đó tấn công lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Từ những vụ án đã xảy ra, cơ quan Công an cảnh báo đến người dân, khi nhận được các thông tin thông báo của những cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc nợ cước, trúng thưởng, khuyến mãi…, cần kiểm tra kỹ các thông tin tại website chính thức của đơn vị thông báo; không được vội vàng thực hiện các yêu cầu của đối tượng; không cài đặt các ứng dụng không đáng tin cậy vào máy của mình để tránh bị các đối tượng lừa đảo.

MỚI - NÓNG