Cái chết của ngôi sao

Cái chết của ngôi sao
TP - Sự ra đi của Whitney Houston tuy đột ngột nhưng đã được báo trước.

> Aaron Ramsey ghi bàn, Whitney Houston qua đời

Cái chết của ngôi sao ảnh 1

Whitney Houston và con gái Bobbi

Chị chỉ nối dài danh sách những ngôi sao có quá trình chết không tự nhiên do dính líu đời mình với chất gây nghiện. Nhưng rút cuộc thì rượu, ma túy hay các loại thuốc an thần chỉ là chất xúc tác, là một loại phương tiện gây án. Nguyên nhân của những cái chết gây bàng hoàng vẫn là sự mất cân bằng trầm trọng đã kéo dài đủ lâu trong đời sống của sao.

Khi người ta phải đảm bảo rất nhiều tiêu chuẩn ít nhất về hình thức để có thể đảm đương vai trò là người hát, người giải trí cho toàn thế giới thì sức ép tất nhiên là rất ghê gớm. Tuy nhiên sau bề ngoài hào nhoáng tầm cỡ quốc tế chắc vẫn là một con người với những phẩm chất và nhu cầu thông thường.

Trong trường hợp của một số ngôi sao, rất có thể phần con người thông thường ấy đã không được quan tâm đúng mức. Họ có thể nghiện ngập, có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình, có thể rất cô đơn hay bị cô lập… nhưng song song đó, họ vẫn tỏa sáng trên sân khấu khắp các châu lục, vẫn là viên nam châm hút tiền.

Thế nên trên cùng một tờ báo, ta có thể bắt gặp hình ảnh lộng lẫy của sao trên sân khấu hay thảm đỏ, rồi lật trang sau để háo hức xem những hình ảnh chụp trộm sao khi đang say xỉn, đang cãi vã, hay ra đường quên mặc đồ lót… Một cách kỳ cục, khía cạnh nào của đời sao cũng có thể giải trí được cho ta. Thì biết làm sao, ai bảo họ trót… làm sao!

Một trong những lợi thế của sao Anh - Mỹ là được phát triển sự nghiệp trong một nền công nghiệp giải trí hùng mạnh. Họ có những ê-kip chuyên nghiệp nhất để lo liệu mọi thứ giúp họ có thể đứng (dù có thể không còn vững) trên sân khấu, cho đến khi gục ngã. Nhưng kể cả khi họ ngã, rất có thể những vấn đề liên quan phần con người trong họ vẫn ở đó. Để rồi rất có thể một ngôi sao đến sau lại vấp phải. Đằng sau bao nhiêu ngôi sao đang tỏa sáng kia, có những mảng tối nào đang chờ đợi để đổ ụp xuống?

Hy vọng đó chỉ là sự lo lắng vô căn cứ. Vì có vẻ như thế giới đang chào đón một thế hệ những ngôi sao mới thông minh hơn, đa tài hơn, và rất có thể cứng rắn, biết tự bảo vệ mình hơn. Dù sao thì Amy Winehouse- tấm gương gần gũi cho các sao mới nổi- cũng đã ra đi trước cả Whitney.

Nhưng sự ra đi của Whitney còn như đánh một dấu chấm cho thời kỳ của các diva. Họ có thể không chơi nhạc cụ, không sáng tác, không dùng vũ đạo… nhưng giọng hát đẳng cấp của họ chắp cánh cho hàng triệu tâm hồn. Tất nhiên mang các khả năng của nghệ sĩ ra đong đếm là một việc nực cười, nhưng Whitney là một hình ảnh ca sĩ hoàn hảo.

Gần đây, nền văn hóa giải trí Hàn Quốc bật hẳn lên như một học trò xuất sắc của mô hình Anh-Mỹ. Và khá nhiều những ngôi sao Hàn Quốc đã phải hy sinh theo nghĩa đen cho thành công đến quá nhanh này. Cho dù các sao Hàn hay Mỹ ra đi dưới hình thức tự vẫn hay dùng thuốc quá liều gì đi nữa, thì sự việc vẫn cho thấy một thực tế: con người đang bị nền công nghiệp giải trí nghiền nát.

Thế nên có lẽ những ngôi sao Việt đang ôm mộng giải trí cho cả thế giới cứ tạm hài lòng với khán giả trong nước, cũng như với nền “nông nghiệp” giải trí hiền lành quanh quẩn của chúng ta. Nhưng thực ra công nghiệp giải trí có hình thành cũng chính vì con người với nhu cầu giải trí vô độ. Không chỉ tài năng của nghệ sĩ, mà cả mọi thứ thuộc về họ cũng đang trở thành đối tượng giải trí cho công chúng. Nhiều khi chúng ta quên cả nghệ thuật, mà quay ra thưởng thức con người.

Cách đây vài thập kỷ, nhạc sĩ Văn Cao đã viết: “Những bó hoa mang tới/ Chúc tụng/ Thành công một con người/ Hằng ngày hằng ngày/ Xây thành cái mồ chôn/ Con người thành công ấy/ Người ta đôi khi bị giết/ Bằng những bó hoa”. Là một khán giả chân chính của nghệ thuật, bạn phải làm gì?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG