Tưởng như sẽ có một trận chung kết ngang ngửa và kịch tính, nhưng cuối cùng U19 Việt Nam đã thua toàn diện đối thủ, chịu thất bại với tỷ số rất đậm 0-6. Sau thất bại này, có lẽ nhiều người không còn trách U19 Việt Nam đã chơi tệ như nào, mà chủ yếu nhận ra rằng khoảng cách trình độ giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan vẫn còn quá lớn.
Sau trận thua người Thái, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng phải thừa nhận bóng đá Việt Nam hãy xem đây là bài học, để có những hướng đầu tư cho bóng đá trẻ, theo cách mà bóng đá Thái Lan đang làm.
Rất nhiều chuyên gia trong nước cũng lên tiếng cho rằng bóng đá Việt Nam còn lâu mới đuổi kịp Thái Lan và những trận thắng trước đối thủ này chỉ là nhất thời. Nếu không có sự phát triển bài bản, thì việc chúng ta thua người Thái sẽ còn xảy ra nhiều trong tương lai.
Về cách làm bóng đá, phải sau chức vô địch của U19 Thái Lan, nhiều người mới giật mình bởi cách làm rất “dị” của đội bóng này. Đội U19 Thái Lan cũng có quá trình chuẩn bị cho giải U19 Đông Nam Á không dài đến 3 tháng như nhiều chuyên gia bóng đá Việt Nam từng nhận định. Theo đó, HLV Anuruck Srikerd – chiến lược gia từng dẫn dắt CLB Bangkok Glass giành chức vô địch Cúp Quốc gia Thái Lan 2014 nắm đội U19 Thái Lan chỉ từ hồi đầu tháng 7.
Nhưng khoảng thời gian chuẩn bị chưa phải là điều đáng nói, mà ở cách tuyển quân của U19 Thái Lan. Theo đó, HLV Anuruck Srikerd cùng các đồng sự đã đi đến quyết định tổ chức thi tuyển vào đội U19 Thái Lan với một chiến dịch mang tên: “Thai Team U19 – Thai Future”.
Ngày 11/7, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) cho đăng tải thông tin: “Nhận thi tuyển cầu thủ vào danh sách 23 tuyển thủ U19 Thái Lan dự giải vô địch U19 Đông Nam Á 2015. Các cầu thủ đủ điều kiện đam mê bóng đá và sinh năm 1997 hoặc 1998 trên cả nước có thể đến thi tuyển tại sân Muang Thong Thani của CLB Muang Thong United vào ngày 18 và 19/7.
Như vậy, thay vì phải đi khắp các sân cỏ cả nước để xem giò cầu thủ, HLV Anuruck Srikerd và bộ phận chuyên môn chỉ phải ngồi 1 chỗ để xem từng cầu thủ thi tuyển, trước khi đưa ra quyết định tuyển chọn 30 người, rồi sau đó chốt lại danh sách 25 gương mặt tham dự giải U19 Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, danh sách bất cứ đội tuyển nào luôn để lại nhiều vấn đề về cách tuyển chọn. VFF sẽ đưa ra một bản danh sách để HLV lựa chọn, sau đó đi các sân để thẩm định chuyên môn. Tất nhiên, HLV trưởng sẽ là người có quyết định cao nhất, nhưng ít nhiều bị can thiệp về chuyên môn. Ở nhiều đội tuyển cũng có chuyện “quân anh, quân tôi”, khi lên danh sách tập trung.
Còn tại Thái Lan, ai có năng lực thực sự, sẽ được tuyển chọn và đó là cách làm “dị” nhưng lại vô cùng hợp lý và khoa học. Xong nhiệm vụ, các đội tuyển lại giải tán và lần sau sẽ có những cuộc tuyển quân tương tự, qua đó những ai muốn được lên tuyển phải không ngừng cố gắng tập luyện.
Một số quan điểm cho rằng việc tuyển chọn như vậy các cầu thủ không có nhiều thời gian để làm quen với nhau, với môi trường trên tuyển. Thế nhưng, với sự phát triển bài bản, đồng bộ, các cầu thủ U19 Thái Lan đã chứng minh họ chỉ cần hơn 1 tháng tập luyện với nhau để lên ngôi vô địch.
Muốn làm được như bóng đá Thái Lan, Việt Nam phải có một hệ thống đào tạo trẻ quy mô, từ đó phát hiện ra hàng nghìn nhân tài sẵn sàng lên tuyển làm nhiệm vụ. Tiếc là bóng đá Việt Nam mới chỉ có vài lò đào tạo được cho là có tiếng tăm, nhưng cũng không làm tới nơi tới chốn.