Cách nào phòng vi khuẩn ăn thịt người?

Cách nào phòng vi khuẩn ăn thịt người?
Sự xuất hiện của vi khuẩn Aeromonas hydrophila (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) ở VN làm nhiều người quan tâm. Có bạn đọc đặt câu hỏi đi bơi, lội nước bình thường có nhiễm bệnh không?

Cách nào phòng vi khuẩn ăn thịt người?

> Mắc bệnh hiếm gặp từ vi khuẩn dưới nước
> Hàng chục người Việt Nam dính vi khuẩn ‘ăn thịt’ dễ tử vong

Sự xuất hiện của vi khuẩn Aeromonas hydrophila (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) ở VN làm nhiều người quan tâm. Có bạn đọc đặt câu hỏi đi bơi, lội nước bình thường có nhiễm bệnh không?

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, khi có vết xước ở da mọi người nên tránh tiếp xúc với nước bẩn.

Cách nào phòng vi khuẩn ăn thịt người? ảnh 1

Chủ yếu gây bệnh cho cá

Aeromonas hydrophila là vi khuẩn có ở nước bẩn, chủ yếu gây bệnh cho cá, tôm và các loài ếch nhái. Đôi khi vi khuẩn này gây bệnh cho người, biểu hiện là ba bệnh: tiêu chảy do uống phải nước bẩn nhiễm Aeromonas hydrophila, với bệnh cảnh giống bệnh tả nhưng mức độ nhẹ; nhiễm trùng đường mật dẫn đến nhiễm trùng huyết ở bệnh nhân xơ gan; viêm mô mềm hoại tử, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết ở người khỏe mạnh, có vết thương, sây sát và tiếp xúc với nước bẩn, bùn có vi khuẩn. Do các tổ chức viêm nhiễm bị hoại tử nhanh chóng nên vi khuẩn này còn được gọi tên là vi khuẩn ăn thịt người.

Tại Việt Nam, bác sĩ Cấp cho biết từ năm 2009-2013 có hàng chục ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt người được ghi nhận, trong đó những trường hợp nhiễm bệnh khi làm việc dưới nước bị đứt chân, tay.

Cá biệt có người bắt cá bị ngạnh cá đâm vào tay và nhiễm bệnh. Bác sĩ Cấp cũng nói trước đây có một số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, bị hoại tử da tay, chân nặng nề nhưng sau điều trị và được vá da, hiện bệnh nhân rất khỏe mạnh.

Khó khăn trong chẩn đoán

Điều khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người là bác sĩ tuyến cơ sở hầu như chưa tiếp cận với bệnh nhân do đây là loại bệnh hiếm gặp nên khó chẩn đoán, dù diễn biến bệnh rất nhanh, bệnh nhân sốc và suy đa phủ tạng. Vì vậy dù vi khuẩn còn nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh, nhưng có đến 7/11 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người được xác định thời gian qua đã tử vong. Theo bác sĩ Cấp, có những khu vực tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người lên đến gần 100%.

Trong báo cáo khoa học mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết rải rác trên thế giới hằng năm vẫn có những ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt người. Tại VN, nhiều ca bệnh có biểu hiện lâm sàng giống bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người nhưng nuôi cấy vi khuẩn không phát hiện nếu bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh. Nhiều trường hợp không xác định được căn nguyên nhiễm bệnh mà chỉ cho biết ban đầu trên da tay chân chỉ có vết xước nhỏ.

Cách phòng bệnh tốt nhất là nên tránh lội vào vùng nước có bùn, nước nhiễm bẩn khi có vết xước ở tay chân mà không có phương tiện bảo hộ. “Người làm nghề đặc thù như làm việc trên bè cá tôm, bè tre nứa, công nhân vệ sinh... nên trang bị đủ phương tiện bảo hộ. Không nên chơi đùa ở vũng nước có bùn bẩn do tại Úc năm 2002 đã có một nhóm 26 thanh niên đá bóng bùn và cả 26 thanh niên nhiễm bệnh”- bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Theo Lan Anh
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.