Các trường phải công khai thu chi

Các trường phải công khai thu chi
TP - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục&Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cuối học kỳ I năm học 2009 - 2010, Bộ và các sở GD&ĐT sẽ kiểm tra đồng loạt các trường về việc thực hiện ba công khai, trong đó, có công khai hoạt động thu và chi.

Các sở sẽ xử lý trường nào làm trái luật pháp và quy định hiện hành.

Các trường phải công khai thu chi ảnh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân với học sinh trường THCS Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Quý Hiên

Thưa Phó Thủ tướng - Bộ trưởng, được biết, học phí phổ thông năm học này không thay đổi. Theo Phó Thủ tướng - Bộ trưởng, năm nay, phải làm gì để giảm thiểu tình trạng loạn thu tại các trường? Phải chăng các địa phương không chỉ chi đúng, chi đủ mà còn phải chi thêm cho giáo dục?

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Ngày 7/5/2009, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 04/2009/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo đó, mỗi trường học phải công khai ba nội dung (gọi là ba công khai): 1/ Cam kết của trường về chất lượng giáo dục và đánh giá thực tế chất lượng giáo dục của trường (tự đánh giá và đánh giá ngoài); 2/ Nguồn lực phục vụ GD&ĐT của trường (giáo viên, cơ sở vật chất, cán bộ quản lý); 3/ Thu và chi của nhà trường.

Đồng thời, các sở GD&ĐT, từ năm học 2009 - 2010, phải thực hiện bốn kiểm tra:

1/ Kiểm tra việc hội đồng nhân dân tỉnh/thành có quyết định chi cho GD&ĐT đủ theo định mức của chính phủ và từ các chương trình mục tiêu dành cho địa phương;

2/ Kiểm tra ngân sách cho giáo dục ở mỗi trường được sử dụng như thế nào;

3/ Kiểm tra học phí và các phần đóng góp tự nguyện của xã hội cho nhà trường được sử dụng như thế nào;

4/ Kiểm tra việc triển khai xây dựng trường học, nhà công vụ giáo viên bằng tiền trái phiếu như thế nào.

Cuối học kỳ I năm học 2009 - 2010, Bộ và các sở GD&ĐT sẽ kiểm tra đồng loạt các trường về việc thực hiện ba công khai, các sở sẽ xử lý các đơn vị nào làm trái luật pháp và quy định hiện hành.

Trước mắt, trường nào đưa ra các khoản đóng góp bắt buộc ngoài học phí mà phụ huynh không yên tâm thì cần hỏi ngay sở GD&ĐT hoặc gửi ý kiến về Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Văn Ngữ là Vụ trưởng. Địa chỉ thư điện tử: nvngu@moet.edu.vn.

Về việc một số trường đưa ra các khoản thu tự nguyện nhưng cách làm mang tính áp đặt mà dư luận xã hội có ý kiến, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các sở kiểm tra, xử lý kịp thời và báo cáo Bộ GD&ĐT, công bố cho nhân dân và các địa phương biết.

Nhân đây cũng xin nêu lại là trong khi Luật Giáo dục 2005 chỉ cho phép các cơ sở giáo dục thu học phí và lệ phí tuyển sinh như các khoản bắt buộc, Luật cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp cho giáo dục. Các cơ sở giáo dục được tiếp nhận sự đóng góp này và sử dụng theo đúng quy định hiện hành.

Sau năm 2010, kết thúc cuộc vận động “hai không”

2009 - 2010 là năm học thứ ba cả nước thực hiện cuộc vận động “hai không”, nói không với tiêu cực trong thi cử và nói không với bệnh thành tích trong giáo dục. Những ngày đầu phát động cuộc vận động, Phó Thủ tướng Bộ trưởng có nói rằng năm 2010 là năm “trả bài” của mình trước nhân dân cả nước về vấn đề này. Thời hạn trả bài sắp tới. Phó Thủ tướng Bộ trưởng đánh giá như thế nào về “bài thi” của mình?

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Sau ba năm triển khai, cuộc vận động đạt được những kết quả rất tích cực, có tính chất căn bản, bền vững, tạo tiền đề để triển khai nhiều giải pháp khác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Hiện tượng bắc thang vượt tường vào nơi thi để đưa lời giải cho thí sinh, tổ chức giải đề thi ngay trong khu vực thi, thí sinh mang phao vào phòng thi với quy mô rất lớn, sau khi thi sân trường trắng phao, v.v, đã hoàn toàn chấm dứt. Vi phạm kỷ luật giảm hẳn, chỉ còn ở mức rất thấp.

Năm 2007 tại kỳ thi tốt nghiệp PTTH triển khai theo tinh thần hai không, có 2.612 thí sinh và 32 giám thị vi phạm qui chế thi, bị đình chỉ thi và công tác coi thi.

Năm 2009 chỉ còn 299 thí sinh bị đình chỉ thi (giảm 88,5 phần trăm) và chỉ còn ba giám thị bị đình chỉ coi thi (giảm 90,6 phần trăm so với 2007). Tính bình quân, năm 2007, cứ 1.000 em đi thi, có 2,6 em bị đình chỉ thi trong khi, năm 2009, chỉ còn 0,3 em.

Đây là biểu hiện bên ngoài của một chuyển biến hết sức quan trọng bên trong. Đa số phụ huynh và học sinh đã coi việc phải chăm lo học thực chất, để các em có năng lực thực chất vào đời, mới là mục tiêu hàng đầu. Chính sự thay đổi trong động cơ học tập này ở phụ huynh và học sinh, cùng với nỗ lực to lớn, âm thầm của đội ngũ thầy cô giáo, làm cho chất lượng giáo dục phổ thông được từng bước nâng lên.

Năm học 2008 có 147.000 học sinh bỏ học (sau học kỳ I). Năm 2009, còn 86.000 em, giảm 41 phần trăm. Tính bình quân, năm 2008, cứ 1000 em đi học có 10 em bỏ học. Năm 2009, chỉ còn 6/1000 em bỏ học.

Năm 2007 tỉ lệ tốt nghiệp THPT qua kỳ thi lần I là 66,6 phần trăm, năm 2008 lên 76,1 phần trăm và năm 2009 là 83,8 phần trăm trong bối cảnh việc thi cử ngày càng nghiêm túc hơn.

Như vậy, với nỗ lực tiếp tục của toàn ngành, có thể dự báo, năm 2010, tỉ lệ bỏ học bình quân sẽ chỉ còn dưới 5/1.000 học sinh đi học và tỉ lệ tốt nghiệp THPT sẽ khoảng 90 phần trăm, một tỉ lệ khá cao song thực chất.

Trong quá trình thực hiện cuộc vận động hai không, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở giáo dục phổ thông, ngành giáo dục đã để xuất thêm một cuộc vận động Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo và phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (do năm tổ chức cùng tham gia: Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch, Đoàn TNCS HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học).

Cuộc vận động hai không sẽ kết thúc sau 2010. Còn cuộc vận động và phong trào thi đua vừa nói trên sẽ được triển khai lâu dài.

Các trường phải công khai thu chi ảnh 2
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân 

Sẽ thực hiện phụ cấp thâm niên

Khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng có hứa rằng, sẽ đến lúc giáo viên sẽ sống được bằng lương. Cho đến năm học này, lương của giáo viên có được cải thiện? Đến bao giờ, giáo viên sẽ sống được bằng lương?

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Theo sự phân công của Chính phủ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Yêu cầu lương giáo viên phải đủ sống đã được đưa ra từ đầu trong quá trình chuẩn bị đề án.

Tuy nhiên, thực tế là, lương công chức, viên chức cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống. Do đó trách nhiệm của Chính phủ không chỉ chăm lo cho giáo viên mà phải chăm lo cho cả hệ thống cán bộ công chức, viên chức.

Vì vậy, Chính phủ đã triển khai giải pháp tổng thể là xác định lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có giáo viên) từ 2006 đến 2011 với tinh thần, khi đó, thu nhập của cán bộ, công chức đáp ứng nhu cầu cuộc sống thực tế.

Tiền lương tối thiểu tăng dần hàng năm từ 420.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng và hiện nay là 650.000 đồng/tháng. Sắp tới Chính phủ sẽ triển khai tiếp tục tăng lương theo kế hoạch.

Ngoài ra, Nghị quyết 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD&ĐT, từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015, quyết định sẽ thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc này sẽ làm tăng thu nhập của giáo viên.

Các trường phải công khai thu chi ảnh 3
Nữ sinh trường Chu Văn An Ảnh: Hồng Vĩnh

Bắt đầu đưa dân ca vào trường học

Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực có tác dụng ngăn chặn bạo lực học đường?

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực có năm nội dung: Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; Dạy và học hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; Tìm hiểu chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá ở địa phương.

Chỉ sau một năm học triển khai, có 40.637 trường mầm non, phổ thông đăng ký tham gia từ một đến năm nội dung, chiếm hơn 95 phần trăm tổng số trường cả nước.

Ở hàng ngàn trường học, bộ mặt nhà trường đã sạch sẽ, đẹp hơn nhờ công sức học sinh, thầy cô và cả phụ huynh học sinh đóng góp. 91 phần trăm các trường có nhà vệ sinh, trong đó 70 phần trăm đạt tiêu chuẩn.

Ở các tỉnh/thành phố, các bài hát dân ca, điệu múa truyền thống của địa phương bắt đầu được đưa vào nhà trường. Hải Dương là một tỉnh điển hình tổ chức cho học sinh THCS học và hát chèo.

Ở hàng ngàn trường các trò chơi dân gian được tổ chức để học sinh chơi trong các giờ giải lao hoặc trong các buổi sinh hoạt tập thể, được các em và các phụ huynh rất hưởng ứng.

Nhiều trường xây dựng quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong trường, hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tự bảo vệ, phòng chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, tập bơi, an toàn giao thông, v.v.

Chỉ sau một năm triển khai, có 3.912 di tích văn hoá cấp quốc gia và cấp tỉnh (chiếm hơn 50 phần trăm số di tích này), 5.824 đền đài, nghĩa trang liệt sĩ được các trường nhận chăm sóc và phát huy giá trị.

Với nội dung, cách làm và sự hưởng ứng mạnh mẽ của học sinh, phụ huynh, các hội, đoàn thể, phong trào chắc chắn có tác dụng hạn chế bạo lực trong nhà trường.

Việc ở một số trường học, nhất là ở các đô thị, có hiện tượng đánh nhau trong học sinh mà báo chí phản ánh thực sự rất đáng quan tâm. Bộ GD&ĐT, nhà trường, các bậc cha mẹ, những người quản lý văn hoá, phim ảnh, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, cần có nghiên cứu và phối hợp giải quyết hiệu quả.

Tuy nhiên, gọi là nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng, theo tôi, cần có điều tra trên diện rộng, so sánh với thời gian trước.

Chân thành cám ơn Phó Thủ tướng - Bộ trưởng.

Cuộc vận động “Hai không” do toàn ngành giáo dục triển khai và được sự hỗ trợ tích cực của xã hội từ năm học 2006 – 2007 nhằm thực hiện giải pháp có tính đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, theo tinh thần của chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8/9/2006 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

Quý Hiên thực hiện

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.