“Ba chung” và “một riêng”
Về phương án tuyển sinh, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nhìn nhận, đã đến lúc chúng ta có thể triển khai đề án “Đánh giá trình độ học vấn phổ thông để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT”, do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT đưa ra từ năm 2008.
Tuy nhiên, theo hiệp hội sẽ bổ sung, hoàn thiện đề án đó để nâng cao tính khả thi và giá trị của đề án đó.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc - Giám đốc Trung tâm Đo lường, Đánh giá và Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho rằng: “Phải thừa nhận một cách khách quan, ba chung vừa qua là một bước đổi mới mang lại sự ổn định tương đối trong thi tuyển sinh ở nước ta. Chính vì thế, khi có chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh hoàn toàn cho các cơ sở đào tạo, phần lớn những cơ sở này lại cho rằng, chỉ cần cải tiến thôi chứ đừng bỏ ba chung”.
Ông Ngọc cho biết, hiệp hội đề xuất sẽ tiến hành “ba chung” và “một riêng” cho cuộc thi “đánh giá trình độ học vấn phổ thông trung học” để xét tốt nghiệp THPT và để làm tiêu chuẩn tối thiểu cho tuyển sinh đào tạo sau THPT.
Nội dung "ba chung" và "một riêng" có thể tóm tắt: “Chung đề, chung đợt, chung điểm sàn tốt nghiệp THPT; một riêng cho tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT”.
Cũng theo ông Ngọc, phương án cải tiến "ba chung" này sẽ đạt được các mục tiêu: đảm bảo một thang đo trình độ học vấn THPT quốc gia tối thiểu có tính đến những yếu tố vùng miền, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục THPT, đảm bảo không có xáo trộn về phân ban.
Ngoài ra, ông Ngọc cũng cho rằng, nó đảm bảo công bằng cơ hội, khách quan về đánh giá trình độ học vấn trong tuyển chọn cho giáo dục đào tạo sau trung học; đảm bảo phù hợp với bối cảnh hiện nay: giảm thiểu tiêu cực, phù hợp với điều kiện thực hành, từng bước hoàn thiện phương án, không tạo nên xáo trộn sau mỗi giai đoạn phát triển; đảm bảo sự đồng thuận của các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đào tạo sau trung học, từ người học đến dư luận xã hội.
Chỉ cần kết quả THPT là vào được đại học?
Đồng ý với phương án cải tiến “ba chung” chứ không bỏ hẳn, ông Hoàng Trọng Yêm, Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) cho rằng, "ba chung" có ưu điểm và khiếm khuyết. Đã đến lúc Bộ GD-ĐTnên giao tự chủ cho các trường kết hợp với thanh tra, kiểm tra.
“Sau khi học sinh tốt nghiệp THPT, các trường top trên có thể tổ chức thi đại học, còn lại một số trường, tùy theo kết quả phổ thông, Bộ sẽ giao chỉ tiêu. Chúng ta có thể lấy kết quả phổ thông tuyển vào đại học” - ông Yêm nói.
Ông Yêm cũng chia sẻ: “Với cách làm như hiện nay, chỉ 4-5 năm nữa các trường sẽ bị ăn vào vốn và dẫn đến giải thể. Công văn của hiệp hội đề nghị kéo dài thời gian tuyển sinh, tôi cho là không nên vì nguồn tuyển không có nữa”.
Ông Trần Hữu Nghị (ĐH Hải Phòng) cũng đặt câu hỏi: Sao không lấy chuẩn phổ thông vào đại học?: “Nếu tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp đúng nghĩa thì sẽ phân tầng được toàn bộ. Phải lấy chuẩn phổ thông làm cơ sở để xét đại học thì sẽ hay hơn nhiều hiện nay.
Ông Nghị cũng cho biết thêm, thực ra, chúng ta đã tổ chức thi THPT nhưng hầu như không sử dụng được kết quả ấy. Chúng ta tốn bao nhiêu tiền của nhưng lại chỉ lấy nó là điều kiện dự thi đại học. Chúng ta sẽ làm cho cuộc thi ấy trở thành cuộc thi chính và như thế không phải thay đổi gì cả mà tiết kiệm nhiều tiền.
Ý kiến giữ “ba chung” nhưng bỏ điểm sàn không được sự đồng thuận của nhiều trường: “Còn ba chung mà không có điểm sàn, để cho các trường tự do thì tôi cho rằng, không được. Điểm sàn vừa rồi không chuẩn xác, vì chúng ta có một triệu học sinh thi nhưng không lấy nổi 300.000 thí sinh vào các trường”- Ông Trần Hữu Nghị chia sẻ.
Vì thế, ông Nghị cho biết, do điểm sàn của chúng ta không xác định đúng chuẩn theo đúng với thực chất nên năm nay, cạn nguồn đến mức dù có kéo dài thêm một năm cũng không lấy đủ được.