Các tỉnh miền Tây sẵn sàng ứng phó bão số 9

TPO -  Theo đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hồi 02 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, cách Vũng Tàu khoảng 80km, cách Bến Tre 120km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.  
Các tỉnh miền Tây sẵn sàng ứng phó bão số 9 ảnh 1

Hướng di chuyển của bão 

 Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Cam pu chia.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12-13. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7m, vùng gần bờ cao 2-4m. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông. 

Các tỉnh miền Tây sẵn sàng ứng phó bão số 9 ảnh 2 Lực lượng chức năng kiểm tra tàu thuyền ở Bến Tre 

Sáng sớm 25/11, tại Bến Tre mưa rả rít, gió thổi mạnh, lãnh đạo tỉnh Bến Tre chia nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế ở các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tạm ngưng hoạt động đối với các bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCH tỉnh Bến Tre đã liên lạc được tổng số 3.106 phương tiện đang hoạt động trên biển với 17.536 người vào đất liền tránh bão. Ngoài ra, Các huyện, thành phố đang triển khai công tác sơ tán, di dời dân ở các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng: trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng to, gió lớn, ngập sâu; khu vực có nguy cơ sạt lở, các cồn, người dân sống trong các nhà tạm bợ, không đảm bảo an toàn. Dự kiến số lượng người cần di dời, sơ tán tại 3 huyện ven biển khoảng 16 ngàn người (di dời tại chỗ 15 ngàn người, sơ tán 1 ngàn người). 

Các tỉnh miền Tây sẵn sàng ứng phó bão số 9 ảnh 3 đưa trẻ em đến nơi an toàn 

 Tại Tiền Giang, Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh cho biết, tại 2 huyện ven biển của Tiền Giang là Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã tổ chức sơ tán, di dời được 2.965 hộ dân đến nơi an toàn. Đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ, Tiền Giang đã kêu gọi di chuyển khỏi vùng nguy hiểm của bão số 9. Riêng với tàu thuyền ven bờ, đến chiều ngày 24/11 toàn bộ đã vào bờ, được sắp xếp nơi neo đậu an toàn.

Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh ký công văn khẩn trương triển khai ứng phó do ảnh hưởng bão số 9. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Cụ thể: UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động tuyên truyền cho người dân hiểu, biết các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ, ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Đảm bảo diện tích xuống giống, khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, chỉ đạo lắp đặt các trạm bơm điện, bơm dầu tạm…, để đề phòng các đợt mưa gây ngập úng cục bộ, bảo vệ tốt diện tích sản xuất vụ thu đông năm 2018 vụ đông xuân 2018 - 2019 (chú trọng diện tích sản xuất lúa và rau màu).

Đồng thời, tích cực triển khai có kế hoạch bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu; chuẩn bị vật tư và phương tiện để ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; thực hiện tốt chế độ trực 24/24 và báo cáo nhanh diễn biến cơn bão số 9 về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh (nếu địa phương có bị ảnh hưởng), để UBND tỉnh chỉ đạo ứng phó kịp thời.

MỚI - NÓNG