Các tỉnh miền núi phía Bắc nỗ lực triển khai Chương trình RB-SupRSWS

Nhờ được tuyên truyền, người dân đã có ý thức xây nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh
Nhờ được tuyên truyền, người dân đã có ý thức xây nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh
Trong thời gian vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc tham gia Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (RB-SupRSWS). Bước đầu, đã có những kết quả khả quan trong cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh nông thôn.

Những con số khả quan

Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới triển khai tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó có 10 tỉnh miền núi được chọn tham gia chương trình bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.

Từ khi triển khai chương trình, các địa phương đã nhanh chóng lên kế hoạch, chủ động bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương để triển khai các hoạt động theo đúng những mục tiêu của chương trình. Theo đó các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi thái độ, hành vi của các cấp, ngành và nhân dân thông qua tập huấn kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vệ sinh an toàn môi trường và hành vi vệ sinh tại nông thôn.

Phát huy mọi nguồn lực tại tại địa phương, kết quả thu được tại nhiều tỉnh cho thấy  tín hiệu khả quan. Tại tỉnh Yên Bái, đến hết năm 2017, tại khu vực nông thôn đã có 85% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 62% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 96,2% trạm y tế có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Trong khi đó, tại Hà Giang đến nay, chương trình đã xây dựng 38 công trình cấp nước sinh hoạt, đạt 84,8% kế hoạch; xây mới và sửa chữa 58 công trình cấp nước vệ sinh trường học; xây mới và sửa chữa được 26 công trình cấp nước vệ sinh trạm y tế ở các xã; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu gia đình 3.433 hộ, đạt 66,7% kế hoạch.

Tại các địa phương khác, các kết quả bước đầu cũng cho thấy sự vào cuộc hết mình của các cấp chính quyền địa phương trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu của chương trình. Các kết quả này một phần cũng giúp người dân nhanh chóng được tiếp cận với những công trình đảm bảo an toàn vệ sinh, cải thiện chất lượng sống của cộng đồng.

Anh Nùng Văn Nên (xã Mường So, Phong Thổ, Lai Châu) phấn khởi chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi khi muốn đi vệ sinh đều vào bụi cây hoặc xuống bờ suối, rất mất vệ sinh, gây ảnh hưởng tới người khác. Nhưng từ khi được tuyên truyền xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, tôi đã vận động gia đình đi vay vốn để xây nhà vệ sinh mới đảm bảo an toàn vệ sinh”.

Nỗ lực “về đích sớm”

Với đặc thù của các tỉnh miền núi phía Bắc tập chung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn thấp. Từ nay đến năm 2020, việc thực hiện các mục tiêu còn lại của chương trình tiếp tục là một thách thức lớn với các địa phương.

Các tỉnh miền núi phía Bắc nỗ lực triển khai Chương trình RB-SupRSWS ảnh 1 Người dân huyện Bắc Mê (Hà Giang) được sử dụng nước sạch nhờ hỗ trợ từ chương trình RB-SupRSWS (Ảnh: An Giang/ báo Hà Giang)

Để sớm hoàn thành các tiêu chí mà chương trình dự kiến đã đề ra, các tỉnh đều đã xây dựng cho mình những kế hoạch mục tiêu cụ thể. Ví dụ, tỉnh Yên Bái xác định mục tiêu đến năm 2020 phải đạt được: trên 70% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% trạm y tế có công trình nước và vệ sinh đạt tiêu chuẩn; ít nhất 50 xã được công nhận đạt "Vệ sinh toàn xã”; vận động xây mới và cải tạo ít nhất 30.000 nhà tiêu cải thiện; xây mới, cải tạo 58 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế xã.

Muốn có được những kết quả tích cực đáp ứng đúng các tiêu chí mục tiêu của chương trình RB-SupRSWS cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, đơn vị, nhân dân tại địa phương.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.