Các nước hối hả 'ngăn sông cấm chợ' vì Covid-19

Hai em bé đứng trên cửa sổ căn hộ chung cư ở Rome với biểu ngữ “Mọi thứ sẽ ổn thôi” hôm 13/3 ảnh: AP
Hai em bé đứng trên cửa sổ căn hộ chung cư ở Rome với biểu ngữ “Mọi thứ sẽ ổn thôi” hôm 13/3 ảnh: AP
TP - Thêm nhiều quốc gia trên khắp thế giới phải áp dụng các biện pháp quyết liệt như phong toả, giới nghiêm và hạn chế đi lại, trước tình trạng Covid-19 lan nhanh chóng. 

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 14/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez thông báo cụ thể các biện pháp khác thường được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần nhằm chống Covid-19 lây lan. Chỉ trong ngày 13/3, nước này có đến 1.500 ca nhiễm mới, vợ ông Sánchez nằm trong số đó.

Trong tình trạng phong tỏa tương tự như ở Italy, người dân Tây Ban Nha chỉ được phép rời khỏi nhà để mua thực phẩm và thuốc, đi làm, đến bệnh viện và ngân hàng, hoặc di chuyển vì mục đích chăm sóc trẻ em, người già. Trường học các cấp phải đóng cửa, cùng với nhà hàng, quán bar, khách sạn và các hoạt động kinh doanh không
thiết yếu.

Giới chức Tây Ban Nha cho biết, số ca nhiễm ở nước này đã lên đến 5.700, với một nửa tập trung ở thủ đô Madrid. Nước này ghi nhận 136 ca tử vong và trở thành nước có số bệnh nhân Covid-19 cao thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc, Italy, Iran và
Hàn Quốc.

Pháp yêu cầu đóng cửa mọi địa điểm mà cả thế giới yêu thích như tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, các quán café, nhà hàng để người dân hạn chế đến gần nhau, trong bối cảnh nước này đã có ít nhất 3.600 ca nhiễm. Pháp vẫn tiến hành bầu cử cấp thành phố ngày 15/3 nhưng triển khai những biện pháp đặc biệt để duy trì khoảng cách giữa mọi người và sát khuẩn bề mặt tiếp xúc.

Tại 13 sân bay trên khắp nước Mỹ, du khách trở về từ châu Âu phải xếp hàng dài để chờ kiểm tra y tế sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh ngắt kết nối giao thông với 26 quốc gia châu Âu. Anh và Ireland cũng vừa bị bổ sung vào danh sách này. Thêm nhiều thành phố của Mỹ cấm tụ tập đông người. New Jersey còn áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Mỹ có 60 trường hợp tử vong và hơn 2.100 ca nhiễm. Washington là bang có dịch nghiêm trọng nhất với 40 trường hợp tử vong và hơn 550 người nhiễm. Trước nhiều hoài nghi của dư luận, bác sĩ của Tổng thống Trump thông báo ông có kết quả xét nghiệm âm tính với virus.

Rõ ràng tâm dịch đã chuyển sang châu Âu và Bắc Mỹ. Hơn 150.000 người trên khắp thế giới đã nhiễm bệnh và hơn 5.600 người thiệt mạng.

Hầu hết bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, như ho và sốt. Một số người, đặc biệt là người già, có triệu chứng nặng hơn như viêm phổi. Đa số ca bệnh bình phục sau vài tuần. Dù chính quyền các nước nỗ lực trấn an, người dân ở nhiều nơi như Tây Ban Nha vẫn kéo đến chật kín các siêu thị từ buổi sáng để mua đồ tích trữ.

Số ca tử vong vì Covid-19 ở Italy đã vượt mốc 1.400 và số ca nhiễm tăng hơn 20% chỉ qua 1 đêm lên hơn 21.000 bệnh nhân tính đến ngày 15/3. Giới chức cho rằng, nguyên nhân là do hành vi vô trách nhiệm của người dân khi vẫn tụ tập bất chấp biện pháp hạn chế. Nhiều thành phố như Rome và Milan quyết định đóng cả các sân chơi, công viên.

Anh có thêm 21 ca nhiễm, nâng tổng số lên hơn 1.100. Ireland có 90 ca và 1 trường hợp tử vong. Hy Lạp có tổng số 230 ca và 3 người tử vong.

Nhiều nước châu Âu cũng triển khai biện pháp ngắt kết nối với các nước láng giềng. Đan Mạch đóng cửa biên giới, ngăn du khách đến hoặc ra khỏi nước này. Ba Lan đóng cửa biên giới từ đêm 15/3. CH Czech và Slovakia có hành động tương tự. Nga đóng cửa biên giới với Na Uy và
Ba Lan.

Châu Á vẫn nghiêm trọng

Tại Philippines, vùng thủ đô Manila với 12 triệu dân bắt đầu chịu các biện pháp hạn chế từ hôm qua. Các kết nối bằng đường bộ, đường không và đường biển với khu vực này bị ngắt trong 1 tháng. Lệnh giới nghiêm ban đêm cũng được áp dụng.

Tụ tập đông người bị cấm và hầu hết hoạt động của khối văn phòng cũng phải dừng đến ngày 15/4. Philippines đến nay có 140 ca nhiễm, trong đó có 11 người tử vong. Úc và New Zealand thông báo tất cả du khách đến hai nước này đều phải cách ly 14 ngày.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua cho biết ông sẽ xét nghiệm xem có nhiễm virus Sars-CoV-2 hay không. Nhiều bộ trưởng nước này cũng được khuyên đi xét nghiệm sau khi bộ trưởng giao thông nhiễm Covid-19. Ông Widodo nói rằng, ông sẽ để các chính quyền vùng quyết định có tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay không.

Tại Trung Quốc, những người đến từ nước ngoài bị dồn vào một trung tâm triển lãm cải hoán để kiểm tra trước khi được phép về nhà hoặc đến nơi cách ly, trong bối cảnh giới chức nước này đang lo ngại về xu hướng dịch lây ngược.          

MỚI - NÓNG