Các nước đánh thuế bất động sản ngăn chặn đầu cơ như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nước áp dụng chính sách thuế bất động sản với nhiều cách tiếp cận khác nhau nhằm ngăn chặn đầu cơ và điều tiết thị trường nhà ở, phản ánh các chiến lược và ưu tiên riêng trong việc quản lý thị trường bất động sản.

Tại Singapore, chính phủ đã có những biện pháp mạnh mẽ để điều tiết thị trường bất động sản. Thuế bất động sản được quản lý chặt chẽ và phân loại thành nhiều nhóm khác nhau. Cụ thể, họ đã tăng thuế bất động sản và thuế trước bạ đối với những người mua nhà thứ hai nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ.

Đối với những người mua nhà lần hai trở đi, mức thuế mà công dân Singapore phải chịu là 20%, trong khi người thường trú phải trả 30%. Đặc biệt, người nước ngoài khi mua bất kỳ loại bất động sản nào sẽ bị áp thuế cao ngất ngưởng lên đến 60%.

Bên cạnh thuế mua, các chủ sở hữu bất động sản cũng phải đóng thuế hàng năm dựa trên giá trị thường niên của tài sản, xác định theo giá thuê thị trường. Mức thuế này áp dụng theo hệ thống lũy tiến. Đặc biệt, đối với các tài sản bị bỏ hoang sẽ bị áp mức thuế cao hơn nhằm khuyến khích chủ sở hữu sử dụng hoặc cho thuê tài sản thay vì để không.

Ở Vương quốc Anh, chính phủ cũng đã áp dụng chính sách thuế đối với tài sản thứ hai nhằm kiểm soát thị trường bất động sản và hạn chế đầu cơ. Các mức thuế cao hơn đối với bất động sản thứ hai. Ngoài ra, các căn nhà bỏ hoang từ năm thứ ba trở đi sẽ phải đóng thuế công ích, nhằm tạo ra áp lực cho các chủ sở hữu sử dụng tài sản của họ một cách hiệu quả hơn. Những chính sách này được thiết kế nhằm giảm thiểu tình trạng đầu cơ cá nhân và tạo điều kiện bình đẳng hơn trong quyền sở hữu nhà ở cho công dân.

Các nước đánh thuế bất động sản ngăn chặn đầu cơ như thế nào? ảnh 1

Người nước ngoài khi mua bất kỳ loại bất động sản nào tại Singapore sẽ bị áp thuế lên đến 60%.

Tại Đức, hệ thống thuế mang tính chất cơ cấu rất rõ ràng. Nếu một cá nhân bán bất động sản trong vòng 10 năm kể từ ngày mua, họ sẽ phải chịu thuế đầu cơ, với tỷ lệ có thể lên đến 45%, điều này phụ thuộc vào mức thu nhập của người bán. Ngoài ra, từ năm 2025, Đức sẽ áp dụng một hệ thống thuế bất động sản mới dựa trên giá trị bất động sản, với một mức thuế cụ thể cho từng thành phố.

Ở Trung Quốc, mặc dù chính phủ đã thử nghiệm một số chính sách áp thuế bất động sản, họ vẫn còn lo ngại về tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với thị trường bất động sản, gây mất ổn định thị trường tài chính và nền kinh tế đất nước. Do đó, họ đã tạm hoãn việc triển khai thuế này trên toàn quốc. Tuy nhiên, tại một số thành phố lớn như Thượng Hải và Trùng Khánh, chính quyền địa phương đã áp dụng thuế đối với các bất động sản đầu tư và các bất động sản có giá trị cao, mặc dù các quy định này chưa được áp dụng một cách đồng nhất trên toàn quốc.

Tại Việt Nam, việc áp thuế bất động sản đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng dự thảo luật. Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 năm 2024 và thông qua vào tháng 5 năm 2025. Mục tiêu của luật này là đánh thuế đối với bất động sản thứ hai và đất bỏ trống, nhằm tạo công bằng xã hội và ngăn chặn đầu cơ đất đai.

Hiện tại, hệ thống thuế đối với bất động sản đã bao gồm nhiều loại thuế như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho việc chuyển nhượng bất động sản và thuế giá trị gia tăng (nếu có). Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có mức thuế suất lũy tiến từ 0,03% đến 0,15% tùy thuộc vào diện tích và mục đích sử dụng đất.

Các đề xuất tăng thuế đối với người sở hữu nhiều nhà đất đã được bàn luận trong Quốc hội, với mục tiêu điều tiết thị trường và hạn chế đầu cơ.

Những động thái này không chỉ giúp ổn định thị trường mà còn góp phần vào việc phát triển bền vững trong thị trường bất động sản Việt nam.

MỚI - NÓNG
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
TPO - Ngày 14/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong đã thay mặt các nhà hảo tâm trao tặng số tiền ủng hộ trị giá 500 triệu đồng cho các nạn nhân tử vong do bão YAGI tại tỉnh Lào Cai và vào được Làng Nủ ở huyện Bảo Yên để chia sẻ nỗi đau thương của bà con nơi đây.