28 nước EU đều dùng sữa tươi
Chương trình sữa học đường xuất hiện tại châu Âu từ năm 1977. Năm 2017, chương trình đến với khoảng 20 triệu học sinh trên khắp 28 quốc gia thành viên EU. Ngân sách EU đóng góp khoảng 60,9 triệu euro, trong khi 54 triệu euro từ nguồn quốc gia hoặc quỹ tư nhân, báo Anh Independent dẫn thống kê từ EU.
Để giữ được các dưỡng chất và enzyme cần thiết trong sữa, tất cả sữa trong chương trình sữa học của EU đều phải là sữa tươi từ bò, dê hoặc cừu. Sữa bột hoặc sữa hoàn nguyên không được đưa vào danh sách trợ giá.
Châu Âu từng trải qua cuộc khủng hoảng thừa sữa nghiêm trọng. Năm 2016, Ủy ban châu Âu quyết định dành khoản ngân sách 500 triệu euro để giúp các nông dân chăn nuôi bò sữa vượt qua cuộc khủng hoảng thừa tồi tệ chưa từng thấy. Sau đó, EU đưa ra các biện pháp dài hạn hơn, trong đó có chính sách thúc đẩy chương trình sữa học đường.
Trung Quốc – nước đông dân nhất thế giới chỉ dùng sữa tươi học đường
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu chương trình sữa học đường từ năm 2000. Theo hiệp hội sữa Trung Quốc, chương trình cung cấp sữa cho khoảng 20 triệu học sinh. Số liệu thống kê cho thấy, học sinh uống 2 hộp sữa mỗi ngày trong 6 tháng cao hơn 0,72cm (trong nhóm 7 tuổi) và 0,46cm (nhóm 9 tuổi) so với các bạn không uống sữa.
Chương trình sữa học đường Trung Quốc không sử dụng sữa bột, mà dùng sữa tươi được sản xuất, chế biến và đóng hộp ở trong nước. Từ tháng 4/2016, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cấm pha sữa hoàn nguyên vào sữa tươi thanh trùng và tiệt trùng.
Thái Lan - sữa học đường tươi 100% và sự đột phá của ngành bò sữa
Tổ chức Xúc tiến Sữa Thái Lan (DPO) cho biết, sữa học đường tại nước này được triển khai từ năm 1992. Chương trình được mở rộng qua nhiều năm và hiện cung cấp 200 ml sữa miễn phí cho mọi trẻ ở trường công lập trên cả nước mỗi ngày đi học. Cùng với chương trình bữa trưa học đường, chương trình sữa học đường góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi từ 51% năm 1980 xuống còn 20% năm 1990 và dưới 10% vào năm 2006.
Từ năm 2013, chỉ có sữa tươi tiệt trùng được phân phối trong trường học. Trang trại sản xuất sữa nào muốn thành nguồn cung cho chương trình sữa học đường phải được xác nhận bởi Bộ Công nghiệp. Chính phủ Thái Lan đảm bảo mua sữa tươi ở mức 19 bat/kg (khoảng gần 15 nghìn đồng/kg).
Quyết sách này tạo đột phá cho ngành chăn nuôi bò sữa tại Thái Lan. Vào năm 2015, công suất sản xuất sữa nguyên liệu của Thái Lan rơi vào khoảng 2.800 tấn mỗi ngày. Có tổng cộng 40% lượng sữa tươi đó thuộc về chương trình sữa học đường, phần còn lại dành cho ngành sữa thương mại. Năm 2017, sản lượng sữa nguyên liệu của Thái Lan hiện lên đến con số 3.423,16 tấn mỗi ngày. Vì vậy, dù dùng toàn bộ sữa tươi cho sữa học đường, nhưng sữa học đường chỉ tiêu thụ hết 10%, còn 90% sữa tươi nguyên liệu còn lại bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia và Myanmar.
Nhật Bản – đất đai chật hẹp, đắt đỏ vẫn nuôi bò lấy sữa tươi cho trẻ
Bữa ăn trưa của học sinh Nhật Bản được gọi là shikuiku, nghĩa là “thực phẩm và giáo dục dinh dưỡng”. Ngoài các món ăn truyền thống, sữa tươi nguyên chất được bổ sung vào thực đơn cho trẻ trong những năm gần đây do tình trạng nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng.
“Cấp sữa cho học sinh trong trường học là cách tốt nhất để giúp trẻ có thêm canxi – dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển của trẻ”, báo Asia Aone dẫn lời GS Masayo Kaneda, công tác tại ĐH Dinh dưỡng Kagawa. Từ năm 2013, có đến 99,2% trong tổng số 20.789 trường tiểu học ở Nhật Bản cung cấp sữa tươi cho học sinh trong bữa trưa.
Chăn nuôi bò sữa đã trở thành một phần quan trọng trong nền nông nghiệp Nhật Bản khi chế độ ăn uống của người dân thay đổi. Các trang trại bò sữa gần thành phố lớn cung cấp sữa tươi cho người dân Nhật uống. Do diện tích chật chội và giá đất đắt đỏ, hầu hết các trang trại nuôi bò ở Nhật đều có quy mô nhỏ hơn các nước khác, với trung bình khoảng 50 con trong mỗi trang trại.
Trong những năm gần đây, trước tình trạng thiếu lao động và già hóa dân số, Nhật Bản đã tìm ra cách mới để bảo đảm nguồn sữa tươi cho trẻ em và người dân nói chung. Nhiều trang trại được chuyển đổi thành nhà máy vắt sữa tự động. Các robot vắt sữa từ 360 con bò sữa với tần suất 3 lần mỗi ngày, đồng thời bảo đảm chúng được ăn no và khỏe mạnh. Nhờ các biện pháp chăn nuôi bò sữa hiệu quả hơn, sản lượng sữa nguyên liệu của Nhật Bản đang hồi phục.