Các nhà kinh tế học tranh cãi về sự ra đời của IS

Nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp - Thomas Piketty. Ảnh: Slate
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp - Thomas Piketty. Ảnh: Slate
Thomas Piketty (Pháp) khẳng định sự bất bình đẳng khổng lồ tại Trung Đông đã hình thành nên IS, trong khi các nhà kinh tế người Mỹ cho đó là chuyện vô lý.

Trong một bài phân tích gây tranh cãi đăng trên tờ Le Monde cuối tháng trước, Piketty cho rằng khủng bố là phiên bản cực đoan của một cuộc khởi nghĩa nông dân. Toàn bộ tiền từ dầu mỏ ở Trung Đông chỉ tập trung vào tay số ít người giàu tại vài nước giàu có.

"Có một điều rất rõ ràng là khủng bố phất lên nhờ sự bất bình đẳng tại Trung Đông - thùng thuốc súng mà chính chúng ta cũng góp công rất lớn để hình thành", Piketty viết. Ông là nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp, tác giả một cuốn sách bán chạy năm 2013 về sự bùng nổ về bất công tại Mỹ và châu Âu.

Dù vậy, nhiều người cho rằng luận điểm của Piketty về IS là không thỏa đáng. "Ông ấy chẳng có bằng chứng gì về việc này cả", Doug Holtz-Eakin - Chủ tịch Diễn đàn Hành động Mỹ và cựu giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết trên CNN.

Holtz-Eakin chỉ ra rằng chủ nghĩa khủng bố không chỉ đến từ những nơi nghèo khó. Osama bin Laden là một người giàu, và kẻ kế nhiệm hắn - Ayman al-Zawahiri còn là một bác sĩ. Nhiều người trung lưu tại Mỹ và châu Âu cũng bị lôi kéo gia nhập IS và nhiều nhóm khủng bố khác, bất chấp việc lớn lên tại những quốc gia giàu nhất thế giới. "Kể cả những đứa trẻ nhà giàu ở Bắc Virginia cũng trở thành khủng bố", Holtz-Eakin nói.

Nhà kinh tế học tại Princeton - Alan Krueger là tác giả cuốn sách "Điều gì đã tạo nên khủng bố - Kinh tế học và gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố". Ông tập trung vào tiểu sử của những người tham gia các nhóm khủng bố trên thế giới và tìm ra rằng cả người giàu lẫn người nghèo đều có thể tham gia những tổ chức này.

Giáo dục không phải là yếu tố có liên quan, Krueger kết luận. Những kẻ khủng bố vẫn có học vị cao chứ không đơn thuần chỉ là bỏ học. Ví dụ, với người Palestine, gần 60% những kẻ tham gia đánh bom liều chết học hết phổ thông. Trong khi tỷ lệ tốt nghiệp cấp 3 của cả nước chỉ là gần 15%.

Vì vậy, việc này liên quan đến hệ tư tưởng hơn là kinh tế học. "Phần lớn những kẻ khủng bố không phải nghèo cùng cực đến nỗi không còn gì để sống. Thay vào đó, họ là những người quá nhiệt tình với một cái gì đó đến nỗi có thể sẵn sàng chết vì nó", Krueger kết luận.

Tuy nhiên, Piketty lại đổ lỗi cho phương Tây vì khiến Trung Đông trở thành khu vực "bất bình đẳng nhất thế giới". Vấn đề này trở nên tồi tệ hơn sau cuộc chiến tranh Iraq nhằm giải phóng Kuwait. Ông cho biết những tài phiệt dầu mỏ hiện nắm tới 70% tài sản trong khu vực, dù chỉ chiếm 10% dân số Trung Đông.

"Sự phát triển không đồng đều chỉ có thể dẫn đến thảm kịch. Dù bằng cách nào đi chăng nữa, để cho việc này xảy ra là hành vi tội lỗi", ông viết.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế học Mỹ lại cho rằng có quá nhiều ví dụ để bác bỏ luận điểm của Piketty. Và nguyên nhân còn vượt xa sự bất bình đẳng.

David Kotok - Giám đốc đầu tư tại Cumberland Market Advisors cho biết khoảng cách giàu nghèo tại nhiều nước Hồi giáo lớn như Indonesia, Malaysia và Ấn Độ cũng rất xa. Nhưng ở đây vẫn chưa xuất hiện các phần tử cực đoan.

"Sự bất bình đẳng không phải là gốc rễ, hay thậm chí cũng chẳng phải là nguyên nhân nhỏ, gây ra sự cuồng tín tôn giáo. Lý lẽ của ông ấy quá đơn giản rồi", Bernard Baumohl - Kinh tế trưởng tại The Economic Outlook Group kết luận.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG