Các dự án giải cứu nguy cơ thiếu điện chờ… giải cứu

TPO - Khu kinh tế trong điểm phía Nam đang có nguy cơ thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân do hàng loạt dự án nhiệt điện chậm trễ tiến độ; trong khi các nguồn điện khác thay thế, trong đó có hàng loạt dự án điện gió được bổ sung ‘nhỏ giọt’ vì cơ chế giá và hạn chế về hạ tầng truyền tải điện.

Bánh ngon ăn… không ngon

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng vừa có văn bản số 2491/BCT-ĐL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kéo dài cơ chế giá điện gió cố định để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư phát triển điện gió, góp phần đảm bảo cung ứng điện giai đoạn đến năm 2025. Theo đó, việc tiếp tục phát triển các dự án điện gió theo cơ chế giá điện cố định (giá FIT) là rất cần thiết bởi phần lớn các nguồn nhiệt điện theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã chậm tiến độ từ 1-2 năm.

Cụ thể: Các nguồn nhiệt điện than miền Nam như Long Phú I, Sông Hậu I, Sông Hậu II; Long Phú III; Nhiệt điện Ô Môn III, IV và các nhà máy sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh có nguy cơ trễ tiến độ so với quy hoạch. Một số dự án nhiệt điện như Long An I, II không phê duyệt được quy hoạch địa điểm do địa phương không thống nhất chủ trương xây dựng nhiệt điện than, dẫn đến nguy cơ thiếu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam từ năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, kết quả rà soát tổng thể Quy hoạch điện VII điều chỉnh (quy hoạch điện) do Viện Năng lượng lập tháng 2/2020 đã chỉ ra để đảm bảo cân đối cung cầu hệ thống, một trong những giải pháp quan trọng trong giai đoạn tới là phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Việt Nam lại có tiềm năng rất lớn về điện gió với tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 475 GW (theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2019).

Các dự án giải cứu nguy cơ thiếu điện chờ… giải cứu ảnh 1 Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió 

Trong giai đoạn 2020 - 2025, với quy mô phát triển khoảng 11.630 MW điện gió, sản lượng điện bổ sung đến năm 2025 khoảng 3.400 GWh/năm - 7.400 GWh/năm sẽ thay thế cho sản lượng điện từ nguồn nhiệt điện than, giảm nhiệt điện chạy dầu vừa có chi phí rất cao vừa giảm phát thải khí CO2 khoảng 5 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, từ năm 2011 đến năm 2018, chỉ có 3 dự án điện gió được xây dựng và đưa vào vận hành phát điện (tổng công suất 153,2 MW) do mức giá mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định (QĐ) số 39 điều chỉnh tăng giá mua điện lên 1.927 đồng/kWh (điện gió trong đất liền) và 2.223 đồng/kWh (điện gió trên biển), áp dụng cho các dự án có một phần hoặc toàn bộ nhà máy vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và trong vòng 20 năm).

Theo Bộ Công Thương, QĐ 39 đã tạo động lực thúc đẩy thị trường nhưng đến thời điểm này cả nước mới có 11 dự án (377 MW) đưa vào vận hành do vướng Luật Quy hoạch. Sau khi QĐ 39 có hiệu lực thi hành (ngày 1/11/2018), việc đăng ký đầu tư và bổ sung quy hoạch đối với các dự án nguồn điện gió mới và các dự án truyền tải để tiếp nhận, giải tỏa công suất dự án điện gió bị ngừng trệ do chưa có hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch.

Để tháo gỡ vướng mắc trong thi hành Luật Quy hoạch, ngày 16/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 751 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Đến tháng 12/2019, Chính phủ cũng có Nghị quyết số 110. Từ đó, các vướng mắc về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp cũng được tháo gỡ.

Nhiều địa phương cầu cứu…

Mới đây, lãnh đạo hàng loạt địa phương như Trà Vinh, Đắk Lắk,… đã có văn bản “cầu cứu” Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng khẩn thiết mong được bổ sung một số dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để sớm được triển khai. Đây là những dự án có quy mô vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và được kỳ vọng không chỉ giải quyết nguy cơ thiếu điện mà còn mang lại những cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương.

Các dự án giải cứu nguy cơ thiếu điện chờ… giải cứu ảnh 2 Tập đoàn Trung Nam lắp đặt các tua bin dự án điện gió tại tỉnh Ninh Thuận

Riêng Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Dương Văn Trang đề xuất sớm bổ sung một số dự án điện gió lớn khác vào quy hoạch với lý do đã có phương án đầu tư đường dây đấu nối, giải tỏa công suất, trong khi nhiều dự án khác chưa có…

Có 9 địa phương khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên đã đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn trong đầu tư xây dựng đối với các dự án điện gió. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc phát triển điện gió tại các khu vực này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Đến nay, đã có gần 250 dự án với quy mô tổng công suất khoảng 45.000 MW đang được UBND các tỉnh gửi tới Bộ đề xuất được bổ sung vào quy hoạch điện. Tuy nhiên, tính đến tháng 3/2020, cả nước mới có 78 dự án (tổng công suất 4.800 MW) được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực.

Trong khi đó, theo kết quả tính toán cân bằng cung cầu của ngành điện, hệ thống điện miền Nam nhiều khả năng xảy ra thiếu điện trong giai đoạn 2021 – 2025, từ năm 2021 - 2025, dù phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, hệ thống điện không thể đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022). Mức thiếu hụt điện cao nhất là vào năm 2023 với khoảng 12 tỉ kWh.

Trao đổi với Tiền Phong, một số chuyên gia cho rằng việc bổ sung “nhỏ giọt” các dự án điện gió vào quy hoạch và đến nay vẫn còn 250 dự án (công suất khoảng 45.000 MW) mà các tỉnh đề xuất chưa được bổ sung vào quy hoạch là bởi Bộ Công Thương e ngại “vết xe đổ” của điện mặt trời. Việc phát triển quá nhanh các nhà máy điện mặt trời, trong khi tiến độ đầu tư hệ thống truyền tải của ngành điện không theo kịp, dẫn đến quá tải lưới truyền tải điện.

Các dự án giải cứu nguy cơ thiếu điện chờ… giải cứu ảnh 3 Tuy nhiên, số lượng dự án điện gió đang triển khai và bổ sung vào quy hoạch triển khai chưa thể bù đắp khoản thiếu hụt điện năng dự báo là sẽ rất lớn tại khu vực phía Nam từ năm 2021

Tại các dự án điện gió, lo ngại tình trạng này diễn ra nên Bộ Công thương liên tục đề xuất đầu tư bổ sung nhiều hệ thống truyền tải mới. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng truyền tải điện thường chậm do với kế hoạch.

Vì vậy, thay vì hạn chế đầu tư các dự án phát điện, theo nhiều chuyên gia, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư hệ thống truyền tải điện như vừa qua đã thí điểm cho phép một tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải và trạm biến áp 500 KV ở Ninh Thuận theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Bộ Công Thương, các dự án điện gió thời gian chuẩn bị dự án, thi công xây dựng kéo dài khoảng 2 năm (đối với điện gió trên bờ) và khoảng 3-3,5 năm (trên biển gần bờ). Trong khi, từ nay đến hết tháng 10/2021 (thời hạn được áp dụng cơ chế giá mua cố định theo QĐ 39) chỉ còn khoảng 18 tháng, không đủ để nhà đầu tư chuẩn bị và thực hiện xây dựng dự án.

Theo Bộ Công Thương, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp turbine, kéo dài thời gian thi công, lắp đặt và làm chậm tiến độ vào vận hành của các dự án điện gió. Hoạt động sản xuất và cung cấp thiết bị chính, linh phụ kiện của các dự án điện gió bị thiếu hụt, đình trệ; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của công nhân kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn...

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.