Các địa phương cần trợ giúp trực tiếp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 8/7, ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) cho biết, hiện có hơn 600 nghìn ngư dân trực tiếp tham gia khai thác thủy sản trên biển và gần 4 triệu lao động làm các nghề dịch vụ thủy sản ven biển. Do đó rất cần sớm hỗ trợ, miễn nhiều loại phí để giúp ngư dân an tâm bám biển.

Việc hơn một nửa số tàu cá trên cả nước ngừng hoạt động, nằm bờ vì giá dầu tăng mạnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, thu nhập của người dân, đồng thời tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo ông Cương, trong bối cảnh này, Bộ NN&PTNT cần đề xuất chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua dầu cho ngư dân khai thác thủy sản; hỗ trợ vốn cho ngư dân cải hoán nâng cấp, thay máy ít tiêu hao nhiên liệu. Trong tình hình nguồn lợi ven bờ đang suy giảm, Bộ NN&PTNT cần có cơ chế hỗ trợ ngư dân chuyển từ nghề đánh bắt hiệu quả thấp sang các ngành nghề khai thác chọn lọc, thân thiện với môi trường.

Các địa phương cần trợ giúp trực tiếp ảnh 1

Ngư dân đang chờ quyết sách hỗ trợ từ Nhà nước Ảnh: Cảnh Huệ

“Các địa phương cũng cần chủ động hỗ trợ trực tiếp chủ tàu cá thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản giảm thời gian đi lại, tranh thủ hoạt động sản xuất trên biển… Tại các ngư trường, các địa phương cần thành lập tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá có tàu dịch vụ chuyển tải sản phẩm về bờ để giảm chi phí xăng, dầu, tăng thời gian bám biển của ngư dân”, ông Cương cho hay.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, trong bối cảnh chi phí đi biển đánh bắt cá tăng cao, Bộ NN&PTNT cần đề xuất miễn phí tiền bảo hiểm tàu, giảm lãi suất tối đa để mua máy móc, ngư cụ cho ngư dân. Các địa phương cần xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh như thương lái, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản để giảm bớt gánh nặng đầu ra cho ngư dân. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần có giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, giúp ngư dân có sức bám biển, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng gây xáo trộn toàn ngành.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trước tình hình giá xăng tăng cao ảnh hưởng đến đời sống ngư dân và hoạt động khai thác thủy sản, Bộ NN&PTNT đề xuất gói an sinh hỗ trợ cho các thuyền viên có tàu cá nằm bờ. Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90 ngày 15/11/2019 của Chính phủ, (khoảng 3 - 4,4 triệu đồng/người) trong vòng 6 tháng.

Về trợ giá xăng dầu, Bộ NN&PTNT đang trao đổi với Bộ Công Thương để có chính sách phù hợp nhất. Theo ông Tiến, về lâu dài, để hạn chế rủi ro cho ngư dân, ngành thủy sản cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu khai thác thủy hải sản theo hướng tăng cường nuôi biển và trên bờ. Đây là giải pháp đảm bảo nguyên liệu chế biến sâu và xuất khẩu thủy sản.

MỚI - NÓNG