Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn:

Các cựu quan chức 'nhúng chàm' đã nhận bao nhiêu tiền?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại cuộc họp báo sáng 26/3, đại diện cơ quan cảnh sát điều tra ( Bộ Công an) cho biết, kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn đến nay xác định, bị can Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc ) và Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) đã nhận số tiền hàng tỷ đồng; Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn khai chuyển 64 tỷ đồng cho cựu Chánh Văn phòng huyện ủy Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long).
Các cựu quan chức 'nhúng chàm' đã nhận bao nhiêu tiền? ảnh 1
Cựu Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành

“Viên đạn bọc đường”

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đánh giá, trong vụ án liên quan đến Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu “pháo”) và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) và các đơn vị liên quan, nhiều cán bộ đã vi phạm vì gặp phải “viên đạn bọc đường”.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an nói rằng đây là vụ án lớn, xuất hiện một dạng tội phạm mới rất nguy hiểm.

“Thông qua điều tra vụ án, lời khai của một số bị can, trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, chúng tôi thấy Nguyễn Văn Hậu đã có những hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực, ép một số bị can nguyên là ủy viên ban thường vụ, thậm chí là thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để trục lợi. Để làm được việc này, họ đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn để thực hiện. Bộ Công an coi hành vi này là rất nguy hiểm, là một dạng tội phạm mới, không chỉ gây thiệt hại đối với tài sản của nhà nước và của nhân dân, mà còn có ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, làm xấu hình ảnh của đảng, của chính quyền nhân dân” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, trong vụ án này cơ quan điều tra đã khởi tố 15 bị can với 4 tội danh, trong đó có tội danh “Nhận hối lộ” liên quan các cựu lãnh đạo tỉnh tại Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc.

“Hậu thừa nhận đã chuyển tiền cho nhiều người. Trong đó, Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nhận được 64 tỷ đồng. Hoành đã sử dụng số tiền này cho nhiều mục đích khác nhau”, Phó cục trưởng C03 thông tin. Trước đó, ông Đặng Trung Hoành bị khởi tố, bắt tạm giam về tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Các cựu quan chức 'nhúng chàm' đã nhận bao nhiêu tiền? ảnh 2
Cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít (Vĩnh Long) Đặng Trung Hoành

Kết quả điều tra đến nay xác định, bị can Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) và Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) nhận số tiền hàng tỷ đồng. Bước đầu cả hai bị can đã khai nhận và nộp lại tiền nhận hối lộ cho cơ quan điều tra.

Xung quanh vụ việc nữ chủ tịch huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị “bốc hơi” số tiền hơn 100 tỷ đồng trong tài khoản, tại buổi họp báo, Thiếu tướng Tô Cao Lanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02) cho biết hiện cơ quan điều tra của Bộ Công an đã nhận được thông tin vụ việc trên.”Ngay khi nhận thông tin, đơn vị chức năng của Bộ Công an và địa phương đang tích cực điều tra, khi có kết luận sẽ công bố”, Cục phó C02 nói.

Tiếp tục điều tra các sai phạm khác

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kêu gọi các đối tượng có liên quan trong vụ án này khẩn trương đầu thú, tố giác tội phạm và khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 3 vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, cho biết trong quá trình điều tra bước đầu, xác định Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động từ năm 2004, ban đầu chỉ là một công ty vừa phải hoạt động ở cấp huyện trong lĩnh vực xây lắp. Tuy nhiên, từ năm 2015, công ty đã phát triển mạnh mẽ, nhận được nhiều dự án từ khu vực Bắc đến Nam. Hiện tại, công ty này đã có 21 dự án với tổng mức đầu tư trên 40.000 tỷ đồng.

Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết trong quá trình xem xét 2 dự án ở Vĩnh Phúc, cơ quan điều tra phát hiện công ty đã gian lận sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước lên đến 640 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty này hiện còn nợ hàng chục ngàn tỉ đồng tiền thuế.

Cơ quan điều tra cũng phát hiện nhiều dự án bất động sản của công ty chưa đáp ứng đủ điều kiện để bán, nhưng đã bán và không giao đất cho các nhà đầu tư, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng cho người dân và tạo ra nhiều bất ổn trong thị trường. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, mặc dù các công ty không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và thuế, nhưng vẫn được cấp phép hoạt động và không nắm được thực tế về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi nhận dự án. Ông cũng nhấn mạnh rằng cơ quan quản lý Nhà nước đã thiếu kiểm tra và giám sát hoạt động của doanh nghiệp này.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin tại cuộc họp báo

MỚI - NÓNG