Các BV sản làm thế nào để 'chống' giao nhầm trẻ sơ sinh?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Ngay khi em bé sinh ra ( kể cả bằng phương pháp sinh thường hay sinh mổ), nữ hộ sinh tách đôi vòng nhận diện dưới sự chứng kiến của bà mẹ, xác minh tên tuổi, mã số bệnh nhân rồi đeo 1 cái vào tay cho mẹ 1 cái vào chân cho em bé. 

Về việc trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, không có văn bản cụ thể quy định xử phạt những trường hợp trao nhầm trẻ sơ sinh do đây là vấn đề dân sự, nếu có thể giải quyết thì giữa hai bên tự thỏa thuận, nếu không giải quyết được thì đưa ra tòa án.

Theo ông Quang, vụ trao nhầm con ở Ba Vì 6 năm trước là rất phức tạp do diễn biến tâm lý tình cảm của những người liên quan và thiệt hại không thể tính hết được khi những người trong cuộc phải chịu tổn thất về tinh thần.

      Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là Bệnh viện chuyên khoa Sản tuyến cuối. Là bệnh viện có số lượng sinh lớn nhất miền Bắc, mỗi năm đón  khoảng trên dưới 40000 em bé sơ sinh ra đời. Vì thế, bác sĩ Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Khám Sản khoa Tự nguyện II (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) cho biết, vấn đề an toàn trẻ sơ sinh được đưa lên hàng đầu.

Quy trình đón trẻ cực kỳ chặt chẽ trong mọi khâu với sự tham gia của bà mẹ để tránh sai sót. Hiện nay, tại bệnh viện sử dụng một cặp vòng định danh dính liền nhau trên đó có ghi tên tuổi mã số, mã vạch của bà mẹ và em bé.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế không ban hành quy trình trao nhận trẻ sơ sinh chung cho tất cả các cơ sở y tế. Theo ông Vinh, mỗi bệnh viện, cơ sở y tế các tuyến tự xây dựng quy trình này.

Ngay khi em bé sinh ra ( kể cả bằng phương pháp sinh thường hay sinh mổ) bé được đưa lên ngực bà mẹ “da kề da”, lúc này chưa cắt rốn. Nữ hộ sinh tách đôi vòng nhận diện dưới sự chứng kiến của bà mẹ, xác minh tên tuổi, mã số bệnh nhân rồi đeo 1 cái vào tay cho mẹ 1 cái vào chân cho em bé. Vòng này không tháo ra và lắp lại được nó theo em bé suốt thời gian nằm viện. Khi em bé ra viện sẽ dùng kéo cắt rời ra và bỏ đi.

Tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, quy trình trao – nhận trẻ sơ sinh được thực hiện rất chặt chẽ. Sau khi đón em bé vừa chào đời, hộ sinh lập tức đưa em bé cho người mẹ, giám sát giới tính, giờ sinh, bác sĩ trao con cho sản phụ nhận con (với sản phụ mổ đẻ cũng đã gây tê tủy sống, mẹ hoàn toàn tỉnh táo) để mẹ ôm con. Trong lúc này, nhân viên y tế sẽ hỏi tên bé, viết bệnh án, ghi thông tin 2 mẹ con và số thứ tự vào bộ vòng đeo tay nhựa bằng loại mức không phai. Sau khi cùng người mẹ xác nhận lại thông tin, chiếc vòng lớn được đeo vào tay mẹ, vòng nhỏ đeo vào cổ chân (hoặc cổ tay) con, đưa cho mẹ nhìn kiểm chứng. Bộ vòng mẹ-con có đặc điểm là tháo ra sẽ không dùng được, nên không thể có chuyện tháo từ bé này đeo sang bé khác.

Tại khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai, quy trình bàn giao trẻ sơ sinh rất chặt chẽ. Nhân viên được yêu cầu kiểm tra, so sánh mã số của bé trước khi ra khỏi giường sản phụ, sau khi tắm và trước khi trả cho mẹ. TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch cho biết, hai năm nay, Khoa Sản dùng các vòng nhận diện đeo vào cổ tay mẹ và con nên độ an toàn khá cao. Trên vòng ghi tên bé, mẹ và mã hồ sơ của mẹ. Chiếc vòng này được thiết kế bằng nút khá chặt, khi đã đeo vào thì rất khó rơi. Ngoài ra Bệnh viện Bạch Mai vừa kết hợp vòng đeo nhận diện vừa dùng một loại bút mực ghi mã số lên đùi bé. Loại mực này nếu bé tắm hoặc lau, rửa sẽ không bị mờ, vết mực cũng tự biến mất trong vòng 5-7 ngày.

Ông Vũ Cao Cương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, chiều ngày 12/7, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã có báo cáo gửi Sở Y tế Hà Nội về vụ bệnh viện này trao nhầm trẻ sơ sinh 6 năm về trước. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì thừa nhận, đây là sai sót hy hữu, nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại bệnh viện trong hàng chục năm qua. Những nhân viên y tế trong kíp trực gây sự cố đáng tiếc này đã bị xử lý kỷ luật, không cho tham gia công tác chuyên môn như trực, đỡ trẻ, tắm bé mà chuyển sang làm hành chính.

MỚI - NÓNG