Các Bộ trưởng giáo dục ASEAN thông qua Tuyên bố chung 'Xóa mù công nghệ'

Các Bộ trưởng giáo dục ASEAN thông qua Tuyên bố chung 'Xóa mù công nghệ'
TPO - Sáng nay, 15/10, Bộ GD&ĐT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Ban Thư ký ASEAN tổ chức “Hội nghị ASEAN - UNICEF về Chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và trong bối cảnh ngành giáo dục các nước ASEAN đang cố gắng đối phó với COVID-19, đảm bảo cho mọi học sinh được an toàn và không bị gián đoạn việc học.

Trực tiếp tham dự Hội nghị có đại diện 10 Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam; đại diện Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam; UNICEF Việt Nam, UNESCO Việt Nam, các trường đại học tại Hà Nội và các đối tác công nghệ liên quan.

Tham gia trực tuyến có Bộ trưởng Giáo dục và các quan chức cấp cao của 10 nước ASEAN; Ban thư ký ASEAN, UNICEF khu vực, UNESCO khu vực, đại diện trường đại học Harvard, đại diện các đối tác công nghệ liên quan khác.

Chủ đề năm Việt Nam chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, với một trong năm trọng tâm ưu tiên là “thúc đẩy phát triển thịnh vượng trên cơ sở liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Phù hợp với chủ đề của năm, Hội nghị ASEAN - UNICEF về “Chuyển đổi kĩ năng số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong khu vực ASEAN” sẽ thúc đẩy khả năng thích ứng, tăng cường tính sáng tạo, chủ động và linh hoạt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thông qua các cách tiếp cận kỹ thuật số và khai thác hợp tác với các đối tác tư nhân.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Hội nghị nhằm ghi nhận sự cần thiết phải phát triển kỹ năng số, kỹ năng có thể chuyển giao trong hệ thống giáo dục ASEAN; chia sẻ thực tiễn tốt và nêu bật thách thức; thiết lập đồng thuận giữa các quốc gia thành viên ASEAN để tìm ra giải pháp bền vững, sáng tạo, nhằm tích hợp kỹ năng thông thạo kỹ thuật số cùng kỹ năng có thể chuyển giao trong các hệ thống giáo dục; đồng thời xác định lĩnh vực để các quốc gia thành viên và đối tác cùng nghiên cứu và hợp tác.

Hơn hai tháng trước, Hội nghị AIPA với chủ đề “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục và văn hóa” đã kết luận ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay là phải đổi mới giáo dục thông qua chuyển đổi kỹ thuật số để giảm thiểu gián đoạn giáo dục trong tương lai.

Bộ trưởng đề nghị: “Tại Hội nghị này, chúng ta với tư cách là những người tiên phong sẽ cùng thảo luận, trao đổi cách thức làm thế nào để hình thành sáng kiến kết nối được công nghệ và ý tưởng tốt”.

Nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu trong nâng cao kỹ năng số, mở rộng khả năng tiếp cận thế giới số của học sinh, Bộ trưởng cho rằng, học sinh và giáo viên cần được tiếp cận không hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, khai thác, tận dụng tri thức của nhân loại.

“Nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này, đồng thời thiết lập một nền tảng chung để chia sẻ tài nguyên kỹ thuật số, nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục do chênh lệch công nghệ trong khu vực gây ra”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Để áp dụng công nghệ rộng rãi và có hệ thống, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam kêu gọi các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN cùng chung tay xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ năng số thống nhất trong khu vực, hướng tới hình thành một khung năng lực số được các nước thành viên công nhận.

Kết nối này được kỳ vọng sẽ tạo ra một tương lai cho tất cả người dân ASEAN, ở mọi lứa tuổi trẻ hay già. Tương lai không chỉ cho những người hiểu biết về công nghệ, mà cho tất cả mọi người.

Trong khuôn khổ Hội nghị, 10 Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, Giám đốc UNICEF khu vực, Trưởng đại diện công ty phần mềm SAP, Giáo sư chuyên ngành trường đại học Harvard, Hoa Kỳ đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị này của Bộ GDĐT Việt Nam, đồng thời, chia sẻ nhiều vấn đề quan trọng.

Trong đó, nêu rõ những cơ hội và thách thức hiện hữu của hệ thống giáo dục trong việc thúc đẩy phát triển kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số, cũng như kinh nghiệm và giải pháp trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các lạm dụng, ảnh hưởng xấu trên mạng.

Những giải pháp nhằm huy động sự phối hợp liên ngành, bao gồm hợp tác với các đối tác tư nhân, mở rộng quy mô cho việc học tập những kỹ năng số và thu hẹp khoảng cách số cho những nhóm học sinh yếu thế, dễ bị tổn thương nhất.

Những bài học, kinh nghiệm và giải pháp trong việc hỗ trợ giáo viên và học sinh tiếp tục việc học trong thời gian cách ly xã hội, đóng cửa trường học và mở cửa trở lại trường học; kinh nghiệm trong việc xóa mù công nghệ, nâng cao kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số tại các nước thành viên ASEAN và vai trò của trẻ em và thanh thiếu niên trong việc xây dựng những sáng kiến giáo dục mới.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực nhằm xóa mù công nghệ, tăng cường thúc đẩy phát triển kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục của các nước thành viên ASEAN; đồng thời nhấn mạnh vai trò của trẻ em, thanh thiếu niên và công việc trong tương lai trong chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục.

Các Bộ trưởng đồng thuận, nỗ lực phấn đấu học tập suốt đời và chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trong ASEAN; thúc đẩy tiếp cận các cơ hội học tập kỹ thuật số an toàn, khuyến khích khu vực tư nhân hợp tác, đưa ra các giải pháp đổi mới về kiến thức kỹ thuật số, trang bị kỹ năng cho trẻ em và thanh thiếu niên trước các công việc trong tương lai; hợp tác với các bên liên quan trong các lĩnh vực như tài nguyên giáo dục mở và học tập truy cập mở; hỗ trợ xây dựng Tuyên bố ASEAN về Chuyển đổi Kỹ thuật số các Hệ thống Giáo dục trong những năm tiếp theo nhằm thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và cách làm hiệu quả.

Bộ trưởng các nước cam kết thực hiện tuyên bố nói trên và tích hợp kiến thức kỹ thuật số vào Kế hoạch Công tác ASEAN về Giáo dục giai đoạn 2021-2025.

MỚI - NÓNG