Diễn ra vào tuần trước, chuyến đi của Mỹ Tâm nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Hỗ trợ du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, do Yakult Việt Nam tổ chức. Ngoài chuyến tham quan, cô còn có buổi giao lưu và biểu diễn trước cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Tokyo một ngày sau đó.
Huyền thoại về chai sữa uống lên men
Nằm ở ngoại ô Tokyo, Viện nghiên cứu vi sinh Yakult rộng hơn 43.000 mét vuông và bao gồm 7 khối nhà lớn. Đây là nơi tập trung tất cả các nghiên cứu của Tập đoàn Yakult về tác động của vi sinh vật lên hệ thống tiêu hoá con người. Thu hút hơn 300 chuyên gia và tiến sĩ khoa học tới làm việc, đến thời điểm này, Viện đã có khoảng 1.400 công trình được công bố trên các tạp chí nghiên cứu.
Đồng hành cùng Mỹ Tâm trong chuyến tham quan Viện nghiên cứu vi sinh Yakult là 20 du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Để góp mặt, họ được lựa chọn từ hàng trăm sinh viên đã đăng ký tham dự chương trình trước đó một tháng.
“Đó là các du học sinh có thành tích tốt trong học tập và hầu hết đều đang theo học các ngành về thực phẩm hoặc công nghệ sinh học” – ông Masaya Watanabe, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Công ty TNHH Yakult Việt Nam, cho biết – “Rất tiếc, để đảm bảo chất lượng của chuyến tham quan, chúng tôi chỉ có thể chọn 20 bạn tham gia chương trình.”
Điểm nhấn của chuyến tham quan là khu Bảo tàng tưởng niệm Minoru Shirota – cha đẻ của dòng sữa uống lên men Yakult. Lần lượt, qua từng gian trưng bày, ca sĩ gốc Đà Nẵng và các du học sinh được dẫn dắt để trở về với câu chuyện đặc biệt của người bác sĩ huyền thoại này.
Thập niên 1920, Nhật Bản vẫn là một nước nghèo, với sự yếu kém của môi trường vệ sinh lẫn những hạn chế trong nhận thức về dinh dưỡng. Dịch tả và dịch lỵ, những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến thời ấy, thường xuyên cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Sinh năm 1899 ở một vùng quê nghèo, Minoru Shirota không bao giờ quên những gì xảy ra với các trẻ em và bạn bè cùng lứa. Đó là lý do để ông đến với ngành y cùng ước mơ tìm ra một loại thuốc đủ sức đẩy lùi và ngăn ngừa dịch bệnh. Tốt nghiệp và giảng dạy ở Đại học Kyoto, suốt 9 năm, Shirota theo đuổi những nghiên cứu về hệ vi sinh đường ruột và các vi sinh vật có khả năng gây bệnh cho cơ thể người.
Năm 1930, Shirota thành công trong việc tìm ra và nuôi cấy một loại chủng khuẩn lên men sống được trong dịch vị dạ dày, từ đó có thể hỗ trợ khả năng tiêu hóa, cũng như hệ miễn dịch trong cơ thể người. Ứng dụng khuẩn ấy được đặt tên là Lactobacillus casei Shirota (LcS). Suy nghĩ đến việc làm sao để mọi người có thể dễ dàng sử dụng và đưa chủng khuẩn này vào cơ thể, ông cùng cộng sự đã nghĩ tới việc phát triển tiếp một loại đồ uống chứa chủng khuẩn này.
Năm 1935, sữa uống lên men Yakult bắt đầu được bán trên thị trường Nhật Bản. Chứa trong mỗi chai tối thiểu 6,5 tỷ khuẩn Lactobacillus casei, loại sữa uống lên men ấy đủ để tạo ra hiệu ứng tích cực tới sức khỏe người dùng nếu sử dụng thường xuyên. Và phần còn lại là lịch sử: sau 85 năm kể từ khi xuất hiện, Yakult đã có mặt trên 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 40 triệu chai được bán mỗi ngày.
Lan tỏa tinh thần Shirota
“Thật ra, trước khi tới đây, tôi cũng đã nghe câu chuyện về bác sĩ Minoru Shirota. Nhưng, những gì được chứng kiến và chia sẻ tại bảo tàng vẫn mang lại một cảm xúc đặc biệt” – Mỹ Tâm nói – “Tôi chỉ có thể nói, mình ngưỡng mộ và kính phục một con người như vậy. .”
“Tất nhiên, những người như bác sĩ Shirota không có nhiều. Nhưng, cuộc sống luôn cần đến những con người đặc biệt và vĩ đại” –cô chia sẻ thêm – “Ở một góc nào đấy, câu chuyện của ông vẫn có thể mang lại bài học cho những người bình thường như chúng ta: bài học về sự kiên nhẫn, quyết tâm và không biết mệt mỏi để chạm tới giấc mơ của mình”.
Không chỉ với ca sĩ gốc Đà Nẵng, câu chuyện của bác sĩ Minoru Shirota cũng mang lại cảm xúc cho nhiều sinh viên Việt Nam có mặt tại Viện nghiên cứu vi sinh Yakult.
“Có rất nhiều điều để nói về bác sĩ Shirota. Riêng tôi ấn tượng với triết lý sống của ông, được giới thiệu qua hình ảnh cách điệu tại bảo tàng: một giọt nước rơi xuống mặt hồ phẳng lặng, rồi lan tỏa thành những vòng sóng nước đồng tâm” – Nguyễn Trí Hải, trường Đại học Tokyo Metropolitan, nói – “ Nghĩa là, bằng vào nghị lực và ý chí, một cá nhân cũng có thể tạo ra những thay đổi lớn với thế giới quanh mình”.
25 tuổi, Hải đang theo học thạc sĩ năm thứ hai với chuyên ngành khá gần với công nghệ sinh học. Không ngần ngại, anh chia sẻ hi vọng được làm việc cho Tập đoàn Yakult Honsha trong tương lai. “Câu chuyện của bác sĩ Minoru Shirota và thương hiệu Yakult mang đến cho tôi một thông điệp: trong cuộc sống, không gì là không thể. Và, tôi sẽ cố gắng tìm kiếm một cơ hội cho mình”.
Không phải ngẫu nhiên, khi lên kế hoạch tổ chức chương trình Hỗ trợ du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Công ty Yakult Honsha đã nhắc tới việc “lan tỏa tinh thần Shirota” như một tiêu chí quan trọng nhất. “Trong điều kiện phải sống xa nhà, các du học sinh Việt Nam thường gặp những khó khăn nhất định cả về tinh thần và vật chất” – ông Masaya Watanabe cho biết – “Bởi vậy, từ câu chuyện của bác sĩ Minoru Shirota, tôi muốn họ có những động viên về tinh thần để vượt qua trở ngại và tiếp tục chặng đường của mình.”