Cá quý bước từ Sách đỏ ra ao nuôi

Cá quý bước từ Sách đỏ ra ao nuôi
TP - Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ là một trong những “mắt xích” của các quốc gia thuộc hệ thống sông Mekong đang cùng cứu những loài cá quý hiếm có trong Sách đỏ của từng nước và của thế giới.

Nằm bên QL1A thuộc xã Thái An Trung (Cái Bè, Tiền Giang) là Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ. Đây là nơi bảo tồn nguồn gien cá nước ngọt ĐBSCL và di truyền lai tạo cá chất lượng cao phục vụ sản xuất.

Cá quý bước từ Sách đỏ ra ao nuôi ảnh 1
Cá Hô, một loại cá có trong Sách đỏ thế giới được Trung tâm bảo tồn, nhân giống thành công

Ngày đêm sống với cá

Buổi trưa nóng nực, khu hành chính của Trung tâm không có lấy một bóng người để hỏi chuyện. Hướng chút tò mò vào một căn phòng nhỏ thấy đủ loại bình thủy tinh trong suốt, bên trong đựng đủ thứ cá từ nhỏ như móng tay đến to như bắp chân người, có loại cá quen thuộc ở khắp miệt đồng bằng, cũng có loại tôi chưa bao giờ thấy.

Tất cả sạch sẽ, không một chút bụi. Đợi một lúc, tôi may mắn gặp được thạc sỹ Nguyễn Văn Sáng. Anh giải thích ngay: “Đó là những mẫu cá hiện vật phục vụ cho việc bảo tồn và di truyền gien, lai tạo nòi giống. Các loại cá có ở ĐBSCL đều được thu thập và bảo tồn ở đây”.

Trung tâm còn có một ngân hàng tinh trùng của các loại cá. Ngân hàng này hiện lưu giữ gien của 30 loài cá nước ngọt ĐBSCL, trong đó có nhiều loại cá đã nằm trong Sách đỏ Việt Nam hoặc thế giới, một kho báu thật sự.

Thạc sỹ Sáng không phải là người của Trung tâm nhưng mọi sinh hoạt, ăn ở của anh đều gắn bó với Trung tâm như người nhà. Anh thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN&PTNT) được “đặc phái” về đây để nghiên cứu các loài cá nước ngọt.

Anh là chủ nhiệm chương trình: “Di truyền và chọn giống cá tra”, tức là nghiên cứu lai tạo giống có tốc độ tăng trưởng nhanh và tỷ lệ phi lê cao. Công việc của anh là chọn những con cá chất lượng của các hộ nuôi hoặc tự nhiên đem về Trung tâm cho sinh sản và lai tạo trước khi cung cấp giống cho bà con thông qua các trại giống cấp một ở các tỉnh ĐBSCL.

Dẫn tôi đến phòng thí nghiệm lai tạo, anh chỉ tay vào những can nhựa, phễu bằng kim loại hoặc bằng lưới ngâm trong nước đựng đầy trứng cá. Bên trong những chiếc can hoặc dưới những chiếc phễu có các loại ống khí, dụng cụ do Trung tâm chế tạo để cung cấp oxy và sục trứng. “Nếu các ống khí không hoạt động, trứng cá sẽ chết vì thiếu oxy hoặc không chuyển động”-Anh giải thích.

Vì thế, chương trình gồm 6 người phải thay nhau túc trực ngày đêm bên những mầm cá bé nhỏ này. Cả nhóm còn phải liên tục thí nghiệm kiểm tra trứng cá đẻ theo dõi tốc độ tăng trưởng, khả năng chống dịch bệnh… hàng ngày để tạo nên những con giống đạt chuẩn. Đặc trưng công việc khiến các cán bộ của chương trình phải “giam mình” phần lớn thời gian trong phòng thí nghiệm, có người xa vợ con nhiều tháng trời.

Những con người lặng lẽ này có khi quyết định cả sự thành bại của con cá tra thành phẩm, một niềm tự hào của thủy sản Việt Nam vươn ra thế giới. Thạc sỹ Sáng ngại dùng từ “hy sinh”, mà anh nói bản thân anh cùng các đồng sự chỉ đơn giản là yêu nghề, thích thú nhìn những chú cá mới ra đời, vùng vẫy nhờ có bàn tay, khối óc của mình.

Cá quý bước từ Sách đỏ ra ao nuôi ảnh 2

Thạc sỹ Thi Thanh Vinh (trái) tại phòng thí nghiệm lai tạo cá. Ảnh: Kiến Giang

Bảo tồn nhân giống cá quý

Con cá tra cũng như nhiều loài cá nước ngọt khác như mè dinh, basa… đều nằm trong chương trình “bảo tồn nguồn gien cá nước ngọt” được Bộ Thủy sản (trước đây) giao cho Trung tâm từ năm 1993. Khi tôi đến, Trung tâm đã lai tạo thành công loài cá Hô, một loài cá có trong Sách đỏ thế giới còn Việt Nam thì xếp vào loại có nguy cơ tuyệt chủng.

Nói về  con cá Hô, thạc sỹ  Thi Thanh Vinh cho biết đây là loài cá thuộc họ với cá chép nhưng to hơn. Con cá Hô 5-6 tuổi mới gọi là trưởng thành và nặng bình quân gần 10kg.

Ở môi trường tự nhiên, con cá Hô nặng 20 kg trở lên là bình thường. Ngày trước cư dân sống ở thượng nguồn hệ thống sông Mekong thường  giăng lưới bắt cá Hô, muốn bắt được cá, mắt lưới phải rộng đến một tấc và chắc chắn, nếu không, con cá khỏe sẽ vùng vẫy và làm rách hết lưới.

Những hộ đánh bắt cá Hô chuyên nghiệp, mỗi năm chỉ bắt được một con cá là đủ trang trải tất cả chi phí đầu tư cũng như sinh hoạt thiết yếu của gia đình trong năm ấy. Chỉ một chi tiết như thế đủ cho thấy giá trị của con cá này.

“Hàng chục năm nay không còn ai hành nghề đánh bắt cá Hô nữa, gần 10 năm nay, loài cá này gần như biến mất, thi thoảng mới có người bắt được một con nhỏ bằng ngón tay”- thạc sỹ Vinh cho biết.

Hiện Trung tâm đang nuôi giữ 40 con cá Hô trưởng thành và đã lai tạo thành công thế hệ cá F1, thành quả của một chương trình kéo dài 3 năm kiên trì bền bỉ.

Quy trình bảo vệ con cá Hô khỏi nguy cơ tuyệt chủng gồm nhiều công đoạn: sưu tầm, lai tạo, thuần chủng cá trước khi thả về môi trường tự nhiên. Nhóm thực hiện chương trình của thạc sỹ Vinh có 6 người phải làm tất cả các khâu.

“Khó nhất vẫn là việc sưu tầm con cá Hô, để có được một con cá, chúng tôi phải chia nhau đi khắp đồng bằng để tìm kiếm, thường xuyên liên hệ với nông dân, thương lái hoặc bất kỳ ai có cá, có thông tin về cá”- anh Vinh kể.

Cá ở Trung tâm có được là nhờ những người nuôi cá tình cờ bắt được cá Hô nhỏ thả vào ao nuôi trong thời gian dài.

“Khi biết được thông tin có hộ dân nào đang nuôi cá, cả nhóm tìm đến nhà để “đặt hàng” trước khi thương lái kịp tìm đến, nếu chậm chân thì con cá sẽ bị bán mất”, anh tâm sự: Khó nhất vẫn là việc thuyết phục người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn loài cá này.

Vì là loài cá có giá trị cao nên hầu hết đều không muốn bán ngay, nhiều hộ dân còn tưởng cán bộ Trung tâm là thương lái “giả danh” để mua cá quý giá rẻ. Để mua được 1 con cá mang về Trung tâm, nhiều khi phải “thương thuyết” mất vài tháng trời.

Trong vòng 3 năm, nhóm của thạc sỹ Vinh sưu tầm được 40 con cá Hô, với anh đó là một kỳ tích. Từ 40 con cá ban đầu, nhóm của anh đã lai tạo thành công thế hệ cá Hô đầu tiên. Dự tính cuối năm nay, những con cá Hô đầu tiên sẽ được thả tại Búng Bình Thiên của huyện An Phú (An Giang) gần thượng nguồn Mekong.

Đó là một ngã ba sông rộng và nước phẳng lặng rất đặc biệt. Không chỉ có vậy, gần 10.000 con cá Hô bột do Trung tâm lai tạo đã được gửi các hộ nuôi tại Đồng Nai và  phát triển tốt.

“Nếu việc thả nuôi thành công, Trung tâm sẽ nhân giống và cung cấp đại trà. Con cá Hô sẽ bước từ Sách đỏ ra ao nuôi và tạo lợi nhuận kinh tế cao, chương trình sẽ thành công ngoài mong đợi”- Anh Vinh nói với nụ cười mãn nguyện.

Thạc sỹ Thi Thanh Vinh, chủ nhiệm của chương trình là một người nhỏ thó, gầy gò, nước da sạm nắng. Áo bỏ ngoài quần, đôi dép quai hậu giản dị, gương mặt hiền từ và rất ít nói. Anh có vợ và 2 con ở gần Trung tâm nhưng cũng như nhiều cán bộ khác, anh thường đi sớm về khuya, ngày càng nhiều loài cá cần bảo tồn, đồng nghĩa với những chuyến công tác xa nhà ngày một nhiều hơn.

Năm 1991, anh tốt nghiệp cử nhân khoa Thủy sản Đại học Cần Thơ và về công tác tại Trung tâm cho đến nay. Năm 1993, nhiệm vụ bảo tồn các loài cá nước ngọt được Bộ Thủy sản (cũ) giao phó cho Trung tâm và anh gắn bó luôn với công việc từ đó.

Từ việc tìm kiếm, lai tạo và thuần chủng cá quý, có nhiều khó khăn và thất bại, tuy nhiên anh và cả đồng sự không bao giờ nản lòng. Đơn giản, việc bảo tồn con cá không chỉ là niềm đam mê mà đã trở thành một phần của cuộc sống của họ.

Khi việc bảo tồn cá Hô chưa kết thúc, nhóm của anh đã lại bắt tay vào việc bảo vệ các loài cá Vồ Cờ và Trà Sóc (những loài có nguy cơ tuyệt chủng rất cao). Các loài cá này còn hiếm hơn cả cá Hô nên trong vòng 3 năm qua, Trung tâm chỉ thu thập được mỗi loài chưa đến 10 con, chương trình vì thế chưa thể lai tạo và thuần dưỡng.

MỚI - NÓNG