Cả nước đối mặt với khô hạn

Cả nước đối mặt với khô hạn
TP - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, El Nino tiếp tục hoạt động mạnh trong tháng ba, đồng nghĩa với việc cả nước đối mặt với tình trạng thời tiết khô hạn.
Cả nước đối mặt với khô hạn ảnh 1

Sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) cạn trơ đáy từ đầu năm 2010 - Ảnh: Ngọc Văn

Ông Nguyễn Hữu Hải, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn vừa - Hạn dài, Trung tâm Khí tượng Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết, thời tiết bất thường trong năm vừa rồi có một phần nguyên nhân do biến đổi khí hậu.

Cụ thể, El Nino năm nay gây ra hiện tượng thời tiết bất thường trong tháng hai, sau 10 ngày nóng là đợt rét 10 ngày,  rồi lại 10 ngày nóng cho đến giờ.

Trước đó, tháng 2-2009, thời tiết đã rất ấm, thậm chí ấm nóng cả tháng. Ông Hải cho biết, hiếm khi xảy ra liên tục hai năm liền kề đều có tháng hai nóng như vậy, mức độ nóng tăng dần.

Thập kỷ 70 về trước, thời tiết cực đoan xuất hiện theo quy luật. Giờ đây, thời tiết cực đoan thay đổi bất thường, mức độ nhiều và khắc nghiệt hơn.

Nắng nóng năm nay đến từ tháng hai, tháng ba được coi là sớm. Hơn nữa, theo kinh nghiệm dân gian, giữa mùa đông có gió nồm thì thường không tốt cho sức khỏe.

Theo số liệu về các vùng nắng nóng và mưa tháng hai năm nay, cả nước đều có những ngày nắng nóng như mùa hè, có thời điểm nhiệt độ lên tới 36 - 37oC.

Cả nước đối mặt với khô hạn ảnh 2

Trong khi đó lượng mưa đều hụt. Lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình (cùng kỳ nhiều năm) từ 50 đến 90%. So với tháng 2-2009, lượng mưa tháng 2-2010 ở Đăk Nông, Sóc Trăng và một số tỉnh ở Tây Nam Bộ hụt 100%, gần như không có mưa, Hà Nội hụt 60 - 85%.

Trong khi đó, ở Nam Bộ, tháng hai năm nay hầu như không có mưa trái mùa. Mưa chuyển mùa đến muộn nên tình hình khô hạn kéo dài, gây cháy rừng diện rộng.

Cả nước đối mặt với khô hạn ảnh 3

Thời gian tới, thậm chí tận tháng năm, cả nước vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, vẫn ít mưa, trong đó mưa chuyển mùa hầu như không có.

Cả nước đang ở vào giai đoạn khô hạn hiếm có và tình trạng này có thể kéo dài đến tháng 5 - 2010. Một trong những tác động rõ rệt nhất của khô hạn là nạn cháy rừng diễn ra hầu như khắp nơi.

Quan sát từ vệ tinh hôm qua cho thấy, cả nước hiện có 176 điểm cháy rừng, trong đó, riêng tỉnh Sơn La có gần 50 điểm.

Rừng tràm U Minh Hạ trên chảo lửa

Rừng tràm U Minh Hạ những ngày đầu tháng ba năm nay, nắng nóng hầm hập, nước cạn kiệt, đất chân rừng khô rang, đọt tràm khô xám. Ông Nguyễn Văn Thế, GĐ Vườn Quốc gia U Minh Hạ, nhận định: “Nếu nắng nóng kiểu này thì đến tháng tư sẽ cạn nước, không đủ nước chữa cháy nếu lỡ xảy ra cháy”.

Cả nước đối mặt với khô hạn ảnh 4
Rừng tràm U Minh Hạ đang chịu mùa khô khốc liệt

Chúng tôi chuẩn bị khẩu trang, áo khoác và nước uống để chống nắng chuyến đi vào rừng tràm mùa khô. Nắng đổ lửa, hơi nóng hầm hập, không chút gió giữa rừng tràm U Minh Hạ.

Nước dưới kinh mương vàng úa màu cau khô, rút nhanh. Dớn nước vàng khè mé rừng. Bước chân trên lớp thực bì rừng tràm U Minh Hạ khô khốc, chỉ cần sơ ý quăng tàn thuốc lá cũng có thể cháy.

Ngày 5-3, ông Lê Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, đã xuất hiện 2 đám cháy rừng tràm U Minh Hạ.

Đám cháy gần đây nhất xảy ra tại Tiểu khu 044, Phân trường U Minh 1, Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ gây thiệt hại khoảng 500 m2, xảy ra ngày 2-3.

Trước đó, ngày 28-2, một đám cháy rừng xảy ra tại Phân trường Trần Văn Thời, làm thiệt hại gần 1.000 m2 rừng sản xuất.

Trạm canh lửa trung tâm đặt giữa Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ có thể quan sát miệt rừng bằng ống nhòm quan sát rừng. Ở chiều cao hơn 50 m, dây chọi leo quanh thân cây tràm ngả màu vàng. Nắng làm bạc đầu, trơ trọi lá.

Cán bộ kiểm lâm Vùng 3 Trịnh Hữu Thanh cho biết: “Ba anh em chúng tôi vừa được tăng cường để cùng với anh em kiểm lâm tuyên truyền giáo dục phòng chống cháy rừng, cung cấp thêm thiết bị chữa cháy và thông tin kịp thời diễn biến khô hạn”.

VQG U Minh Hạ xây dựng 27 chốt trạm, 134 người là kiểm lâm, công an, cán bộ VQG để canh lửa. Trên bờ kinh 21 - cạnh đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau là lán trại của tổ kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm Cà Mau tăng cường cho VQG U Minh Hạ kể từ mùa khô bắt đầu.

Anh Nguyễn Thanh Đoàn - tổ trưởng vừa phân công anh em nấu cơm, vừa phân công người lên chòi canh lửa canh trực. Anh Lê Xuân Vương tâm sự: “Anh em chúng tôi phân công nhau chở nước ngọt, nấu ăn từ sáng sớm để kịp canh trực lúc nắng nóng, khởi động máy bơm nước chữa cháy và tuần tra dọc tuyến giáp vùng đệm”.

Thiếu nước ở rừng ngập nước

Trên lâm phần U Minh Hạ có 98 chốt, trạm với khoảng 500 lực lượng canh trực chữa cháy rừng, các đơn vị quản lý bảo vệ rừng, các xã ven rừng đã tổ chức hơn 2.500 người tham gia phòng cháy chữa cháy rừng.

Trần Thị Vân, 70 tuổi, ở tổ 2, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi (Trần Văn Thời) khoe: “Đàn ông con trai ở đây không dám đi xa nhà vài tiếng đồng hồ. Có công có chuyện gì phải đi mau mau về canh lửa.

Thằng con trai tôi làm tổ trưởng tổ phòng chống cháy rừng với 40 người nữa tuần tra suốt, phòng người lạ vô rừng”.

Ông Lê Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau nói: “Lực lượng kiểm lâm cùng với cán bộ lâm nghiệp, công an và nhân dân sống trên lâm phần làm tất cả những gì để sẵn sàng chiến đấu với giặc lửa.

Ông Nguyễn Văn Thế, GĐ VQG U Minh Hạ, nhận định: “Mỗi tháng, nước rút xuống 2-3 tấc. Trong 3 tháng nữa không mưa, nắng nóng kiểu này thì không có nước chữa cháy”.

Tổng chiều dài tuyến kinh mương trên lâm phần 143 km chứa 3,7 triệu mét khối vào đầu mùa khô. Nay đã giảm 648.000 mét khối. Mực nước tại các kinh mương cạn dần, chỉ còn 0,5- 1m, với trữ lượng nước mặt 1,3 triệu mét khối, khó đủ nước bơm chữa cháy nếu chẳng may cháy rừng xảy ra. 

Thanh Hóa: Lần đầu tiên, ngăn sông Mã chống hạn

Trước thực trạng mực nước sông Mã xuống quá thấp, lần đầu tiên trong lịch sử, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa và Cty Thủy nông Nam sông Mã phải triển khai phương án ngăn sông này tại xã Yên Trường, huyện Yên Định để bơm nước chống hạn cứu lúa.

Cả nước đối mặt với khô hạn ảnh 5
Để thực hiện việc ngăn sông, chống hạn, ngành chức năng đặt các bao tải chứa cát, kết hợp với thuê sáu sà lan (mỗi chiếc dài 40 m) nối dài để ngăn ngang sông.

Từ năm 1962 đến nay, đây là năm mực nước sông Mã xuống thấp kỷ lục (năm 1962, mực nước sông Mã ở trạm bơm xã Yên Trường là 3,28m).

Rừng ở huyện Mường Lát lại cháy

Những đám cháy rừng xảy ra từ sáng 2-3 chưa được dập tắt hoàn toàn đã bùng cháy trở lại thiêu rụi thêm gần 10 ha rừng tại huyện Mường Lát.

Đám cháy tập trung chủ yếu ở khu vực rừng vành đai biên giới của xã Tam Chung (giáp nước bạn Lào), trong nắng nóng 36 độ C.

Để thực hiện việc ngăn sông, chống hạn, ngành chức năng đặt các bao tải chứa cát, kết hợp với thuê sáu sà lan (mỗi chiếc dài 40 m) nối dài để ngăn ngang sông.

Các khoang của sà lan chứa đầy cát để đáy sà lan chạm đáy sông, nhằm mục đích cho mực nước sông Mã tại khu vực này dâng cao, dẫn dòng vào bể hút của trạm bơm.

Tại vị trí hai bên mép sông, mực nước cạn hơn thì dùng đá hộc và các bao tải chứa cát đắp chặn dòng để dồn nước về phía bể hút của trạm bơm.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngoài sông Mã các sông chính như sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày cũng xuống mức thấp lịch sử.

Lạng Sơn: Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn, hiện nay trên địa bàn có 382.000 ha diện tích rừng đang ở mức độ nguy hiểm, trong đó huyện biên giới Tràng Định có nhiều vùng đang ở cấp 5, cấp cao nhất.

Quảng Ngãi: 11 giờ 30 phút ngày 4-3, một ngọn lửa lớn bắt đầu bùng cháy, sau đó lây lan nhanh thiêu rụi khoảng 10  ha rừng sản xuất thuộc địa phận thôn Trà Ong, xã Trà Quân, huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi). Hầu hết số diện tích rừng nói trên gồm có cây keo lai xen lẫn với cây gỗ lim từ hai đến ba năm tuổi.

Sau hơn 4 giờ nỗ lực, lực lượng chữa cháy mới khống chế, dập tắt hoàn toàn ngọn lửa. Hạt Kiểm lâm huyện Tây Trà quyết định thưởng nóng 1 triệu đồng cho người địa phương tham gia dập tắt đám cháy.

Quảng Nam: Hầu khắp các trạm bơm tưới tiêu tại các huyện cánh bắc của Quảng Nam và huyện Hòa Vang của Đà Nẵng đang cố chạy hết công suất để chống hạn và đối phó với nước mặn xâm nhập vào ruộng, bể chứa của các trạm bơm.

Hàng trăm hécta lúa đang trong tình trạng thiếu nước kéo dài. Nước mặn với nồng độ khá cao xâm nhập từ 28 Tết đến nay.

Quảng Nam: Hàng nghìn hécta lúa trên địa bàn huyện Điện Bàn, Duy Xuyên có nguy cơ thiếu nước do nắng nóng kéo dài, mực nước sông xuống thấp và tình trạng nước mặn xâm thực nhanh.

Thống kê toàn huyện Điện Bàn có khoảng 5.700 ha lúa đang kỳ làm đòng trong cảnh không đủ nước tưới tiêu.

Sóc Trăng: Theo Sở NN&PTNT Tỉnh Sóc Trăng, nước mặn năm nay xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng so với năm 2009. Sóc Trăng đã có khoảng 17.000ha lúa vụ hè thu sớm bị ảnh hưởng mặn và thiếu nước trầm trọng.  

Lâm Đồng: Toàn bộ diện tích rừng (600.000 ha) ở Lâm Đồng đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Gần một tháng rưỡi qua không có một trận mưa nào ở địa phương vốn có lượng mưa lớn nhất nước này.

Hầu hết các khu rừng đều trong tình trạng khô hanh, độ ẩm không khí bị đẩy lên mức từ 43 – 48% nên tất cả các kiểu rừng đều dễ bị bắt lửa, tốc độ lây lan rất nhanh.

Việc chữa cháy sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt là các cánh rừng thông, bạch đàn, trảng cỏ, cây bụi…

Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết từ đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy rừng và thảm cỏ với diện tích hơn 46 ha.

MỚI - NÓNG