Cá chết vẫn còn trôi nổi trên sông (ảnh chụp chiều 9-5). |
Cá chết nổi trắng sông
Trưa ngày 7-5, cả chục loại cá lớn nhỏ bắt đầu ngoi lên mặt nước với mật độ dày đặc, trắng cả khúc sông. Ngay cả loài cá lăng đặc sản cũng không ngoại lệ. Theo nhiều người dân ước tính, đoạn sông có cá chết kéo dài đến hơn 10 km. Hàng trăm người dân thuộc các xã Hòa Phú, Ea Nhôl (TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), Tâm Thắng, Nam Dong, Ea Pô (huyện Cư Jút, Đăk Nông) đổ xô xuống sông vớt cá đi bán.
Bà Lương Thị Phước, thôn phó thôn 1 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) kể: “Khoảng 10 giờ 30, cá bắt đầu ngoi lên khỏi mặt nước, ban đầu chỉ một vài con nhưng khoảng một tiếng sau cá nổi lên dày đặc hai bên bờ sông. Lúc đó, có rất nhiều người xuống sông vớt cá đi bán, nhà bắt ít cũng vài chục kg. Gia đình tôi vớt được hơn 1 tạ, bán 45.000đồng/kg. Nếu mà chủ động, có vợt, có ghe thì có thể bắt được cả tấn cá. Cá nổi lên dày đặc, chỉ với tay bắt thôi, cá 7-8 kg, có con mười mấy ký”.
Tại buôn Buôr (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút), thôn 1 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), nơi cách hai khu công nghiệp Tâm Thắng và Hòa Phú hơn 1 km, hiện tượng cá chết nổi trên sông nhiều nhất. Rất nhiều gia đình trúng đậm nhờ bắt cá. Có hộ còn dùng cả xe công nông chở cá đi bán.
Năm 2010 hiện tượng cá chết hàng loạt trên khúc sông này cũng đã diễn ra. Ông Y Doan Niê, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ đầu năm 2010, khi có hiện tượng cá chết hàng loạt trên khúc sông này thì tại địa phương không còn hộ nào nuôi cá lồng, bè dọc hai bên bờ sông. Nghề chài lưới cũng ít hơn”. Hiện tại, lượng cá chết trên đoạn sông này không còn vì thủy điện Buôn Kuốp xả nước cuốn đi, số khác thì người dân đã vớt.
Chưa xác định được nguyên nhân?
Ngày 10-5, chúng tôi có cuộc làm việc với Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Cư Jút (Đăk Nông). Ông Hồ Hân, Trưởng Phòng TNMT cho biết: Thông tin về cá chết hàng loạt trên sông Sêrêpôk, Phòng vẫn chưa nắm rõ. Hơn 1 tháng trước Phòng đã đi kiểm tra trong KCN Tâm Thắng nhưng không phát hiện có dấu hiệu vi phạm về ô nhiễm môi trường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Ngọc Cẩm – PGĐ Cty Phát triển Hạ tầng (KCN Tâm Thắng) nói: Sau sự việc, Phòng Cảnh sát môi trường Đăk Nông đã xuống làm việc với KCN, đi kiểm tra và lấy mẫu nước. Còn nguyên nhân cụ thể khiến cá chết hàng loạt thì vẫn chưa xác định được, còn chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn.
Trả lời về việc này, ông Lê Thanh Hoàng - Phó Tổng GĐ Cty CP Mía đường Đăk Nông cho biết: Nguyên nhân dẫn đến việc cá chết hàng loạt mà người dân phản ánh do Nhà máy đường, chúng tôi khẳng định không đúng. Bởi Công ty đã có hai bể chứa dung tích 90.000 m3 nhưng mới sử dụng 70.000 m3.
Trong khi đó, hàng ngày chỉ sử dụng khoảng 70 m3 nước và xả trực tiếp vào bể. Riêng lượng nước làm mát thiết bị khoảng 1.200 m3/ngày thải vào cống KCN ra sông đều đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Trọng Toàn, GĐ Cty TNHH Đại Việt cho rằng: Việc người dân phản ánh cá chết, chúng tôi hoàn toàn không liên quan. Bởi Nhà máy đã đầu tư hơn 105 tỷ đồng cho dây chuyền xử lý nước thải, hoạt động tuần hoàn, khép kín không thải ra môi trường.
Như vậy, nguyên nhân khiến cá chết trắng trên sông vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.