Đánh giá về hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo Transerco cho biết, trong bối cảnh chung mọi hoạt động đang trở về trạng thái bình thường mới, nhưng đơn vị vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế này dẫn đến sản lượng, doanh thu bán vé sụt giảm trên 40% so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Cùng với đó, các đơn vị xe buýt gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động trực tiếp.
Hành khách đi xe buýt đang tăng dần trở lạiẢnh: Như Ý |
Với lĩnh vực VTHKCC bằng xe buýt, trong 6 tháng đầu năm, Transerco đã tập trung các nhóm giải pháp chuyên đề đã có kế hoạch. Cụ thể, xây dựng biểu đồ, tần suất chạy xe theo các kịch bản linh hoạt phù hợp với bối cảnh mới, sẵn sàng thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của thành phố. Trong 6 tháng đầu năm, đã điều chỉnh hợp lý hóa biểu đồ 13 tuyến xe buýt từ ngày 1/6 để tạo thuận lợi hơn cho hành khách sử dụng dịch vụ. Đưa 15 xe buýt mới vào hoạt động thay thế cho các xe đã hoạt động 10 năm trên 4 tuyến 01, 02, 6D và 52B. Tổng công ty đã tổ chức đợt 216 khóa đào tạo cho 5.509 lượt lao động về các chuyên đề nâng cao ý thức vận hành. “Đặc biệt, Tổng công ty đã phối hợp tích cực thực hiện nhiệm vụ được phân công với các cơ quan chức năng, thực hiện điều động 346 lượt xe phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thành phố, 258 lượt xe đưa đón công dân Hà Nội đi cách ly, vận chuyển mẫu sinh phẩm xét nghiệm COVID-19”, lãnh đạo Transerco thông tin.
Hiện các tuyến buýt tại Hà Nội đã hoạt động 100% công suất Ảnh: Như Ý |
Để phù hợp với tình hình hoạt động mới, Tổng công ty đã đề xuất liên ngành và Thành phố xem xét điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu xe buýt năm 2022; đồng thời có kế hoạch khôi phục lại tần suất hoạt động các tuyến buýt theo đấu thầu để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.
4 nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm
Lãnh đạo Transerco cho biết, tình hình từ nay đến cuối năm dự báo vẫn còn nhiều thách thức do các yếu tố khách quan và chủ quan. Trên tinh thần thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương và thành phố, quyết tâm cao hơn nữa trong khắc phục khó khăn, thách thức và từ những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, trong các tháng cuối năm, Tổng Công ty sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp, trong đó có 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Bao gồm, thứ nhất: Tiếp tục triển khai nghiêm túc các quy định pháp luật, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và Thành phố, hai chương trình hành động và hai Nghị quyết chuyên đề của Tổng công ty.
Thứ hai, bám sát diễn biến tình hình, thực hiện điều hành linh hoạt, quyết liệt, nắm bắt cơ hội thị trường đẩy mạnh khôi phục phát triển SXKD, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD 6 tháng cuối năm và cả năm 2022 ở mức cao nhất. Tiếp tục thực hiện đổi mới, tăng cường công tác quản trị, nâng cao năng suất lao động, tối ưu các chi phí để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.
Một số lĩnh vực bến xe, bãi đỗ xe, hạ tầng và thương mại… mặc dù có khó khăn nhưng đang dần được khôi phục. Với bến xe, trong phần lớn thời gian của 6 tháng đầu năm, các tuyến liên tỉnh chỉ hoạt động ở mức 20% - 40% so với thời kỳ trước dịch. Với kinh doanh vận tải, các hoạt động đang phục hồi dần và ước đạt bằng 81% kế hoạch; Sản lượng trông giữ ô tô đạt khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021; Lĩnh vực Thương mại dịch vụ, doanh thu ước đạt bằng 117% kế hoạch và tăng trên 30% so cùng kỳ, lợi nhuận ước hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ 2021.
Với lĩnh vực VTHKCC bằng xe buýt, Tổng Công ty tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như triển khai các công tác chuẩn bị để sẵn sàng phát triển xe buýt khi được thành phố giao; tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp chuyên đề năm 2022 theo kế hoạch Nghị quyết của Đảng ủy Tổng công ty, trong đó có cao điểm đi lại dịp Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và cuối năm.
Thứ ba, triển khai dự án đầu tư đổi mới phương tiện sử dụng trên 10 năm và nghiên cứu loại hình phương tiện phục vụ các tuyến mở mới phù hợp với đặc thù của tuyến và đảm bảo hiệu quả khai thác.
Thứ tư, các đơn vị chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, phát động thi đua cao điểm trong các tháng cuối năm 2022.