Bứt phá vùng đất 9 Rồng

0:00 / 0:00
0:00
TP - GS Tanaka Yuji (Tổ chức Jica, Nhật Bản) cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế để hướng tới phát triển bền vững.

Phát triển xanh, bền vững

Cuối năm 2023, hai dự án lớn ở vùng ĐBSCL gồm cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 khánh thành, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây. Hai dự án giao thông liên vùng được kỳ vọng tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL vốn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đây là kết quả nổi bật trong thực hiện việc “ưu tiên” đầu tư hạ tầng chiến lược cho ĐBSCL như trao đổi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong các cuộc làm việc tại ĐBSCL thời gian gần đây.

Bứt phá vùng đất 9 Rồng ảnh 1

Cầu Mỹ Thuận 2 vừa khánh thành, kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Theo Thủ tướng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc Bắc - Nam, sắp tới, sẽ tiếp tục đầu tư thêm 70km đường cao tốc kéo dài đến tận mũi Cà Mau, tạo động lực phát triển. “Nhiều đoạn, tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ khánh thành. Đến 2025 cơ bản hoàn thành đến Cà Mau. Tuyến cao tốc Đông - Tây, từ Sóc Trăng lên An Giang, kết nối với Campuchia dứt khoát phải hoàn thành trong nhiệm kỳ này”, Thủ tướng nói tại Hội nghị công bố quy hoạch thành phố Cần Thơ, tháng 12/2023.

“Đã có các bài học lịch sử nhiều nơi trên thế giới về hệ lụy không mong muốn trong quá trình phát triển. Tôi mong muốn, khi xây dựng kế hoạch phát triển ĐBSCL, cần xem xét cẩn thận sự cân bằng giữa phát triển cho con người và môi trường thiên nhiên”.

GS Tanaka Yuji

Tại hội nghị Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định, ĐBSCL đang có được sự đầu tư lớn của Nhà nước về hạ tầng, tạo động lực phát triển. Theo kết quả nghiên cứu, tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL trong năm 2022 đạt 8,5% - lần đầu tiên sau hơn 10 năm tăng trưởng kinh tế của vùng cao hơn mức bình quân cả nước. Xu hướng này được duy trì đến Quý III/2023 với mức tăng trưởng 6,0%. Đóng góp vào sự tăng trưởng ấn tượng trong hơn 2 năm qua là sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực công nghiệp và dịch vụ trong khi ngành nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định.

Bứt phá vùng đất 9 Rồng ảnh 2

ĐBSCL sẽ triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới sự phát triển bền vững. Ảnh: Cảnh Kỳ

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Bộ NN&PTNT vừa phát động đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, đề án sẽ góp phần tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế…

Vượt qua thách thức

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp chủ đạo, là nơi sản xuất lương thực thực phẩm lớn, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng, sẽ có nguy cơ đẩy vùng đất trù phú và giàu tiềm năng này tụt lại trên con đường phát triển.

Tiến sĩ Trần Văn Hiệp, một chuyên gia độc lập về ĐBSCL cho rằng, thời gian qua, vùng đã thực hiện hàng loạt các công trình đầu tư, phát triển hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch được khởi công, xây dựng, hoàn thiện… “Các công trình trọng điểm sẽ tháo gỡ điểm nghẽn, mở ra không gian, tạo động lực phát triển mới”, ông Hiệp nói. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL còn có một số điểm “chưa sáng”, cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới như khung pháp lý liên kết vùng; cơ chế chính sách đặc thù, huy động nguồn lực cho phát triển ĐBSCL; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Trong một hội thảo mới đây về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, GS Hsieh-Lung Hsu (Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan - Trung Quốc) nhấn mạnh, ĐBSCL cần công nghệ tiên tiến về gia cố nền đất; bảo vệ bờ sông khỏi sạt lở; xây dựng các công xưởng, xí nghiệp, các tuyến đường cao tốc đạt chuẩn. Chuyển đổi số là vấn đề then chốt trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ĐBSCL. Vùng cần phát triển các ngành công nghệ bán dẫn, công nghệ y sinh, năng lượng xanh, nông nghiệp thông minh…; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ sự phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước.

Góp ý cho ĐBSCL phát triển, GS Tanaka Yuji (tổ chức JICA, Nhật Bản) nhắc lại câu chuyện của Nhật Bản sau chiến tranh thế giới. Dù phát triển nhanh, Nhật Bản cũng phá nhiều cảnh quan môi trường, dẫn tới mất cân bằng sinh thái. “Điều này dẫn tới môi trường không còn khỏe mạnh nữa, mất đa dạng sinh học ở một số nơi. Chúng tôi không muốn xảy ra điều tương tự nữa, bởi sự tàn phá môi trường không dễ dàng khắc phục. Môi trường ông bà, tổ tiên chúng ta sinh sống rất tốt đẹp, rồi để phát triển, chúng ta phá đi thì rất khó để phục hồi”, ông Tanaka Yuji khuyến cáo.

GS Tanaka Yuji nhấn mạnh quan điểm “phải phát triển bền vững vùng ĐBSCL”, dù biết, khi thực hiện quy hoạch, có thể sẽ ảnh hưởng đến hàng vạn, hàng triệu người. “Khi xây dựng kế hoạch phát triển ĐBSCL, cần xem xét cẩn thận sự cân bằng giữa phát triển cho con người và môi trường thiên nhiên, để thế hệ sau này có nơi sinh sống tốt đẹp”, GS Tanaka Yuji lưu ý.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐBSCL cần nâng cấp, tái cấu trúc quản trị, đầu tư cảng Cái Cui; nghiên cứu Cảng Trần Đề, Hòn Khoai; đường sắt cao tốc từ TPHCM xuống Cần Thơ; nghiên cứu củng cố, nâng cấp sân bay, hạ tầng liên quan hàng không. Hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối các tỉnh thành sẽ tạo ra không gian phát triển mới, nâng cao giá trị gia tăng của đất, tạo động lực phát triển mới, giảm chi phí logistics, tăng mức cạnh tranh của hàng hóa

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.