Bứt phá đầu tàu kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi trở thành tâm dịch của làn sóng COVID-19 lần thứ 4, TPHCM chịu tổn thất nặng nề với hơn 17 nghìn người không may qua đời; các hoạt động kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế thành phố tăng trưởng âm 6,78%.

Thế nhưng, chưa đầy một năm trở về trạng thái “bình thường mới”, kinh tế TPHCM đã hồi phục nhanh chóng và gần chạm tới trạng thái trước khi có dịch.

Khó khăn đã qua ở một “điểm nóng”

Ngày 26/8 vừa qua, làm việc với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 7 tháng đầu năm 2022, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Duy An cho biết, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn quận đến nay đã phục hồi.

Từ đầu năm 2022 đến nay, quận 1 có gần 2.000 doanh nghiệp (DN) và 886 hộ kinh doanh được thành lập mới. Tăng trưởng của khu vực thương mại dịch vụ tăng 9,7% so cùng kỳ. Các DN thương mại dịch vụ, đặc biệt là ngành vận tải, khách sạn, ăn uống, du lịch đã hoạt động mạnh trở lại. Tăng trưởng của ngành thương mại đạt 9,2%; du lịch tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá: Kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi của 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy TPHCM đang đi đúng kịch bản, kế hoạch đặt ra và gần chạm tới trạng thái trước khi xảy ra dịch bệnh. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Trưởng phòng Kinh tế quận 1 Nguyễn Thành Danh cho biết, lợi thế dịch vụ của quận 1 là du lịch. Sắp tới, lãnh đạo quận 1 sẽ làm việc với một số công ty du lịch lớn trên địa bàn để hiến kế phát triển dịch vụ cao cấp như MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo…) nhằm thu hút thêm khách du lịch đến TPHCM.

“Sau dịch COVID-19, quận tập trung phát triển các dịch vụ khách sạn, du lịch, tài chính - ngân hàng. Khi kinh tế phục hồi, phát triển, quận tiếp tục có nhiều giải pháp phát triển dịch vụ lưu trú, khách sạn, các dịch vụ cao cấp khác của du lịch và hiện tại, các hoạt động du lịch đang phát triển trở lại”, ông Danh cho hay.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, nếu làm tốt hơn kinh tế dịch vụ thì Quận 1 hoàn toàn có thể tăng thu ngân sách lên 25.000-30.000 tỷ đồng/năm. Ngoài lĩnh vực du lịch, quận 1 có lợi thế phát triển ngành tài chính ngân hàng, bất động sản ở phân khúc có nhu cầu lớn, tạo giá trị và đóng góp ngân sách cao hơn.

Bứt phá đầu tàu kinh tế ảnh 1

Doanh nghiệp TPHCM từng bước phục hồi hoạt động sản xuất sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát Ảnh: HT

Đáng chú ý, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, quận 1 là một trong những “điểm nóng” bị thiệt hại nặng nề. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1 Dương Thị Hồng Gấm, toàn quận có 801 người không may qua đời trong đợt dịch thảm khốc. Vừa qua, tại Tổ đình Linh Sơn (phường Cô Giang), lãnh đạo quận 1 cũng đồng thời tổ chức lễ tưởng niệm, cầu siêu cho đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Tổn thất chưa từng có

Tại lễ tưởng niệm, nhiều người vẫn chưa thôi ám ảnh về những ngày tháng dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM. Chị Hải (ngụ phường Cô Giang) kể, suốt nhiều tháng liền, nhà nào cũng cửa đóng then cài. Đường phố, chợ búa, chùa chiền vắng tanh. Người dân được phát phiếu đi mua sắm theo ngày cố định hoặc nhờ lực lượng đi chợ hộ mua giúp thực phẩm. Có những thời điểm, hàng hóa vô cùng khan hiếm. Hình ảnh xô bồ, náo nhiệt, nét đặc trưng “kẹt xe” của thành phố thường ngày nhường chỗ cho tiếng còi xe cứu thương nghe như xé lòng...

Bứt phá đầu tàu kinh tế ảnh 2

Công ty Gilimex thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát tại TPHCM Ảnh: HT

Đặc biệt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thật sự rơi vào khủng hoảng. Nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, thậm chí phải chấp nhận phá sản. Những DN còn duy trì được thì xoay xở đủ cách để cầm cự. Các giải pháp như “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” thật sự là những sáng kiến để sản xuất không bị đứt gãy, song việc thực hiện không hề đơn giản. Các DN phải bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt cho công nhân. Nhà xưởng, bãi giữ xe được chuyển đổi công năng. DN phải mua sắm từ chăn, màn, chiếu ngủ, lắp đặt khu vệ sinh, nhà tắm… để phục vụ cho công nhân ở lại nơi sản xuất. Nhiều cuộc họp diễn ra, thay vì lên kế hoạch phát triển kinh doanh thì các đại biểu chỉ tranh luận làm thế nào để không trở thành F0, F1, F2...

Theo Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà, tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) 7 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện hơn 282.900 tỷ đồng, đạt hơn 73% dự toán năm và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra cuối năm 2021, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 của thành phố do đại dịch COVID-19 là khoảng 273.000 tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD. Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử, tăng trưởng kinh tế của TPHCM giảm 6,78%. Khu vực nông - lâm - thuỷ sản giảm 13,6%, công nghiệp và xây dựng giảm 12,9%, thương mại dịch vụ giảm 5,5%. Đặc biệt, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm đến 54,9% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh số thương mại dịch vụ tháng 8/2021 của thành phố chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hằng tháng trong điều kiện bình thường. Suốt cả tháng 8/2021, số DN thành lập mới tại TPHCM chỉ đạt con số 594, thấp hơn số hồ sơ đăng ký DN trung bình trong một ngày ở giai đoạn bình thường.

Tuy nhiên, thiệt hại về người thì không có gì bù đắp được. TPHCM đã có hơn 20 nghìn người không vượt qua được dịch bệnh và ra đi mãi mãi. Dịch COVID-19 còn để lại những thiệt hại không thể đong đếm.

Vượt qua nỗi đau

Khi dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, TPHCM đã xây dựng kế hoạch mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Ban đầu, lãnh đạo TPHCM cho thí điểm tại một số quận huyện, sau đó ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế xã hội với 11 chiến lược. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 128, đánh dấu cột mốc chuyển từ chiến lược “Zero COVID-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, TPHCM đã có thêm động lực và thuận lợi hơn khi quyết định chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Chịu tổn thương nhiều nhất nhưng TPHCM cũng là địa phương khôi phục sớm nhất và phục hồi nhanh nhất. Sau 10 tháng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch khá hiệu quả, kinh tế - xã hội TPHCM đã từng bước phục hồi đúng kịch bản, kế hoạch đặt ra và gần chạm tới trạng thái trước dịch.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong 7 tháng đầu năm 2022, các lĩnh vực kinh tế và hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi, thu hút lao động trở lại làm việc. Nhiều DN đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

So với cùng kỳ năm 2021, khách du lịch nội địa đến TPHCM đã tăng trưởng đến hơn 71%. Kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh.

“TPHCM xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, đặc biệt là sản xuất lương thực thực phẩm thiết yếu; may mặc…”, bà Mai nói.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, tình hình hồi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong 7 tháng đầu năm 2022 tích cực, hiệu quả. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ đang dần tiệm cận thời điểm trước dịch COVID-19.

MỚI - NÓNG