> Quái kiệt cao nguyên: Bán cơ nghiệp chặn 'chảy máu cồng chiêng
> Già làng lướt web, phóng ô tô vù vù
“Tinh thần Ama H’Rin” còn mãi !
“Chưa đến buôn Akô D’hông là chưa đến Buôn Ma Thuột”, ông Trần Đăng Bắc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lợi (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) nói với tôi như vậy khi nói về Akô D’hông. Câu nói đó quả không ngoa khi được nhìn tận mắt buôn Akô D’hông nằm ẩn mình trong góc phố xanh tươi, sạch đẹp, yên tĩnh, thanh bình. Dọc hai bên con đường trải nhựa là những mái nhà dài truyền thống, vẫn chiêng ché, rượu cần… Ở khoảng rừng đầu buôn vẫn thấp thoáng bóng sơn nữ mang gùi ra bến nước.
Cách đây chưa lâu, già làng Ama H’rin – huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên đã về với tổ tiên, để lại cho buôn làng sự mất mát và tiếc thương vô hạn. Hàng nghìn người tề tựu đưa ông về cõi vĩnh hằng. Già Ama H’rin chính là người có công khai sinh ra buôn Akô D’hông hơn nửa thế kỷ trước. Nhớ về ông, Trưởng buôn Ama Dit kể: “Nhờ có già Ama H’rin, buôn Akô D’hông mới khang trang, sạch đẹp và còn lưu giữ nét truyền thống như ngày hôm nay. Già đặt ra các hương ước cho bà con, bắt mỗi gia đình phải có nhà dài, không được nuôi heo thả rông, bà con phải đoàn kết và chịu khó làm ăn… Già có uy tín lắm, nói một làm mười nên người trong buôn ai cũng nghe. Đến nay, buôn vẫn chưa có già làng mới vì chưa có ai có đủ đức, tài thay thế”.
Già làng Ama H’Rin tên thật là Y Diêm Niê, quê ở huyện M’Đrắk. Thời trai trẻ, Y Diêm bị bắt đi làm ở các đồn điền cao su của Pháp. Không chịu cảnh mất tự do, ông rời quê đi về hướng tây tìm miền đất hứa, rồi lập buôn ở thung lũng lắm chim muông. Ama H’Rin thông thạo tiếng Việt lẫn tiếng Pháp nên học được nhiều điều hay về chỉ dẫn cho buôn làng. Thấy việc trồng cà phê mang lại lợi nhuận cao, ông lặn lội tìm giống từ những cây cà phê do chồn, chim nhả hạt mọc trên rừng đưa về trồng. Với trên 40 mẫu đất khai phá trồng cà phê, Ama H’Rin chuyển giao kỹ thuật và chia đều cho bà con để cả buôn phát triển kinh tế.
Buôn cổ thời hội nhập
Đến Akô D’hông, du khách không khỏi kinh ngạc trước sự giàu có của đồng bào nơi đây. Mỗi gia đình đều có một ngôi nhà dài truyền thống kiểu Ê Đê án ngữ phía trước căn biệt thự hoành tráng kiểu người Kinh và không ít nhà có ô tô sang trọng. Nhiều trí thức, cán bộ thành đạt, lãnh đạo của một số cơ quan đầu ngành của tỉnh có xuất thân từ buôn Akô D’hông.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lợi cho biết: “Buôn Akô D’hông không có hộ nghèo, bà con trong buôn rất chịu khó và giỏi làm kinh tế. Nhiều hộ còn đầu tư nông nghiệp xuống tận huyện xa, hàng năm mang về nhiều hoa lợi cho địa phương. Vừa qua, phường đã làm đề án phát triển kinh tế xã hội buôn Akô D’hông với kinh phí đầu tư 1 tỷ đồng”.
Gần 20 năm gắn bó với khung cửi, bà H’Lung Niê (vợ trưởng buôn Ama Dit) không một ngày ngơi tay. Để phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của khách du lịch, bà đã mở “Shop’s Ê Đê” bày bán tất cả những gì sẵn có của buôn như: hàng thổ cẩm, mỹ nghệ, rượu cần và một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Ông Ama Dit cũng tận dụng không gian của shop để trưng bày những bộ chiêng, ché quý mời khách ghé thăm.
Đồng bào Akô D’hông hôm nay đang háo hức chờ ngày khánh thành căn nhà dài khổng lồ đang được xây dựng với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Nhà được thiết kế làm toàn gỗ, với 26 cột to bằng 2 người ôm, nhà dài hơn 37m, rộng 6,5m. Chủ nhân căn nhà, bà H’Linh Niê tự hào: “Sau gần 30 năm ấp ủ đến nay tôi mới xây được ngôi nhà dài theo mong ước của mình. Không có gì ấm áp, hạnh phúc bằng khi được sống trong căn nhà đẹp theo đúng truyền thống văn hóa của tổ tiên”.
Akô D’hông xứng danh là buôn mẫu, biểu tượng đáng tự hào cho người Ê Đê trên cao nguyên Đăk Lăk. Trước sự mai một, dần vắng bóng của nhà dài truyền thống thì Akô D’hông được hướng đến như một “chiến lược dài hơi” cho ngành du lịch và bảo tồn văn hóa nhà dài.