Buôn bán tiểu ngạch, con dao 2 lưỡi: Vì sao không làm chính ngạch?
Dù biết rất dễ bị “lật kèo” trong buôn bán tiểu ngạch do không có hợp đồng ràng buộc, điều kiện thanh toán nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn lựa chọn phương thức này.
Ảnh: minh họa - Internet |
Chọn cách làm dễ dù rủi ro cao
Trả lời câu hỏi vì sao thích buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc (TQ) mà không phải là chính ngạch, một DN tại khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Nếu xuất khẩu (XK) chính ngạch sẽ được hưởng những ưu đãi thuế suất theo cam kết ACFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN - TQ), tuy nhiên nhiều tiểu thương, DN ngại rắc rối thủ tục nên chọn cách bán tiểu ngạch. Với cách làm này, chỉ cần một tờ khai tiểu ngạch, chịu phí biên mậu là có thể xuất được hàng, không cần hóa đơn, chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương như qua đường chính ngạch.
“Xuất tiểu ngạch được thu tiền ngay, nhưng không có hợp đồng nên thường xuyên bị ép giá. Nông sản VN xuất sang TQ rất lớn, khi TQ muốn nhập thì họ ép giá, khi nhập đủ họ dừng lại, giá rớt, hàng ứ đọng, thiệt hại là rất lớn”, DN này cho biết.
Theo một cán bộ của Bộ Công thương, qua con đường tiểu ngạch, TQ có thể tăng hoặc giảm mức phí biên mậu từng thời điểm, mùa vụ mà DN VN không biết trước được. Thực tế, các DN trong nước từng nhiều lần nếm mùi với cách mua bán cũng như chính sách mậu biên thay đổi đột ngột của TQ.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Công ty CP đầu tư Thăng Long, khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, dẫn chứng: Tháng 2 - 3.2011, TQ dùng biện pháp hành chính chuyển một số loại trái cây thường nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh sang các cửa khẩu Na Hình - Kéo Ái (Bằng Tường), khiến các DN VN phải dồn xe về các cửa khẩu này, đường giao thông quá tải, hư hỏng. Trái cây khô (nhãn khô, vải khô, long nhãn) được phân loại mua bán ở Đồng Đăng, nhưng giao hàng tại cửa khẩu Hoành Mô (Quảng Ninh), Tà Lùng (Cao Bằng)...
Bên cạnh đó là sự tráo trở của bạn hàng TQ. Chẳng hạn, theo Tập đoàn Công nghiệp cao su VN, hiện có khoảng 50-60 % cao su xuất khẩu qua TQ là theo đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Bát Xát (Lào Cai), Tà Lùng (Cao Bằng). Hồi tháng 8.2010, khi giá cao su tăng mạnh, các DN tập trung đánh hàng sang TQ thì tại cửa khẩu, DN TQ hạn chế mua, kéo giá xuống, buộc các DN VN phải bán giá thấp. Những can thiệp kiểu này của phía TQ thường xuyên diễn ra.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty Quỳnh Anh (Lào Cai), kinh doanh sắn lát xuất sang TQ cũng chia sẻ, các DN nhỏ nắm được rất ít thông tin về việc thay đổi các chính sách biên mậu của TQ, kết quả nhiều khi hàng lên đến cửa khẩu mới hoàn toàn bị động do chính sách đã khác, phí cũng tăng.
Hiện đang vào chính vụ vải, mỗi ngày qua cửa khẩu Lào Cai trung bình khoảng 200 tấn vải xuất sang TQ, ngày cao điểm lên tới 300 tấn. Tuy nhiên TQ đã sớm áp dụng quy định mới về kiểm dịch với hoa quả tươi nhập khẩu, với hàng loạt quy định ngặt nghèo về nơi trồng, phương thức vận chuyển, giấy chứng nhận kiểm dịch chính thức, không được dùng thực vật như lá, hoa quả, rơm rạ làm vật liệu chèn lót, cành cuống không được quá 15cm…
Thậm chí, nếu qua kiểm dịch phát hiện sinh vật hại, hoặc chất độc hại theo quy định của TQ, hàng sẽ bị tiêu hủy, xử lý dịch hại, chi phí xử lý chủ hàng phải chịu. Dù trước đó, Chi cục Kiểm dịch thực vật 8 (Lào Cai) đã trao đổi với Cục Kiểm dịch, kiểm nghiệm Hà Khẩu (TQ) đề nghị lùi thời hạn áp dụng đến năm 2012 vì đang vào chính vụ, DN VN khó đáp ứng được các yêu cầu khắt khe và đột ngột trên, nhưng TQ vẫn áp dụng sớm từ 6.2011.
Có tranh chấp là thua thiệt
VN có xuất nhập khẩu tiểu ngạch với 3 nước là Lào, Campuchia và TQ. Trong đó, giao thương với TQ chiếm tỷ lệ lớn nhất, một phần do ta có đường biên giới rộng lớn với nước này (7 tỉnh). Theo TS Võ Thanh Thu, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách thương mại quốc tế (Phòng Thương mại và Công nghiệp VN), đây là hình thức XK tự doanh, DN tự tổ chức đưa hàng hóa đến các cửa khẩu biên giới để XK. Với các chính sách đặc biệt đó, DN ít khi ký kết hợp đồng XK, việc thanh toán thường bằng cách trao đổi hàng hoặc bằng nội tệ của nước nhập khẩu, không qua ngân hàng (NH)… Do đó, rủi ro luôn được chuyển cho người bán chứ không phải người mua.
Ngoài thuận lợi về địa lý, việc đi lại tự do của cư dân biên giới hai nước và khi Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - TQ có hiệu lực đã tạo điều kiện trao đổi hàng hóa hơn trước. Nhưng do năng lực cạnh tranh của hàng hóa TQ tốt hơn đã biến những thuận lợi trên thành bất lợi đối với VN.
Thực tế, DN, thương lái TQ chỉ muốn mua hàng của ta qua đường tiểu ngạch do được phía họ giảm 50% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với phương thức này. Từ đó có điều kiện để mua hàng giá cao hơn DN trong nước thu mua. Ngược lại, phía TQ lại mua nguyên liệu thô qua đường chính ngạch vì được ưu đãi thuế để nhập các loại này.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, khẳng định buôn bán tiểu ngạch giúp DN trong nước bán được hàng hóa một cách nhanh chóng, thuận tiện và giảm chi phí, tiện thanh toán và dễ trốn thuế. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp chắc chắn sẽ chịu thua thiệt.
Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Huỳnh Văn Minh cho rằng những công ty làm ăn bài bản thì chuộng hình thức XK chính ngạch, vì bảo đảm an toàn hơn. Nhưng các DN ít tên tuổi lại chọn tiểu ngạch bởi các thủ tục XK đơn giản. Tuy nhiên đó chính là con dao hai lưỡi, vì nếu cứ bán hàng có chất lượng dễ dãi sẽ dần dần phá hoại nền sản xuất. Bởi đơn giản là DN sẽ đều đặn sản xuất hàng hóa chất lượng thấp; không chịu đầu tư cải thiện mẫu mã, chất lượng thì cuối cùng hậu quả chính DN sẽ gánh chịu.
Buôn bán tiểu ngạch không qua hợp đồng, DN cũng chỉ bán qua trung gian thương lái TQ, chứ không thật sự tìm được đầu mối của cung - cầu. Do đó, theo ông Minh chúng ta cần tăng cường đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều hơn các hội chợ biên giới để DN tìm đúng đầu mối của mình. Các DN làm ăn với TQ cần được bảo lãnh của NH. NH hai bên cần liên kết và có nhiệm vụ thẩm định DN có đủ tin cậy hay không… Đó mới là cách làm ăn lâu dài với TQ.
Buông lỏng chất lượng hàng nhập khẩu VN đang nhập khẩu ồ ạt hàng hóa của TQ, đặc biệt là thực phẩm, nguyên phụ liệu, trái cây… Do hàng TQ chủ yếu được nhập theo đường tiểu ngạch nên việc kiểm tra chất lượng rất lỏng lẻo. Trong khi phía TQ có hàng rào kỹ thuật gắt gao, việc kiểm tra hàng VN rất chặt chẽ tại các cửa khẩu thì hàng hóa kém chất lượng TQ rất dễ dàng xâm nhập VN. Một ví dụ cho tình trạng này là khách du lịch đi bằng đường bộ vào TQ sẽ không được mang bất kỳ loại trái cây nào; trong khi có thể mang ngược về VN thoải mái. |
Theo Thanh Niên